Bất động sản

Đề xuất chương trình tín dụng bất động sản khép kín

Trang Nhi 14/12/2023 - 08:44

Chương trình tín dụng bất động sản khép kín tập trung vào phân khúc nhà ở trung cấp trở xuống nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích cho cả ngân hàng, chủ đầu tư và người mua nhà.

Tại Hội nghị bất động sản Việt Nam - VRES 2023, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup đã đề xuất một số giải pháp để khơi thông dòng tiền cho bất động sản. Một giải pháp đáng chú ý được đề xuất là có chương trình tín dụng bất động sản khép kín tập trung vào phân khúc nhà ở trung cấp trở xuống, nhằm hài hòa lợi ích của các bên.

bds-khep-kin.jpg
Chương trình tín dụng bất động sản khép kín tập trung vào phân khúc nhà ở trung cấp trở xuống nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích cho cả ngân hàng, chủ đầu tư và người mua nhà.

Cụ thể, chủ đầu tư dự án sẽ thực hiện yêu cầu hoàn thiện pháp lý dự án cùng với sự hỗ trợ của các bên. Cam kết giảm giá sản phẩm bất động sản căn hộ một cách rõ ràng, minh bạch. Bởi nếu bán được hàng, doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận (bình quân lợi nhuận gộp 30 - 40%). Chi phí lãi vay quan trọng nhưng không phải là yếu tố chi phí quá lớn cho một dự án nếu được triển khai đúng tiến độ. Ưu tiên áp dụng phân khúc trung cấp – thấp cấp (ví dụ từ phân khúc có giá bán 70 triệu đồng/m2 trở xuống).

Song song với nỗ lực của chủ đầu tư, các ngân hàng thương mại cần xem xét giảm lãi suất cho vay ở mức đáng kể đối với người mua nhà đáp ứng điều kiện cụ thể (dựa trên kê khai thu nhập chịu thuế, chứng minh thu nhập...) nhằm hạn chế đầu cơ.

Đồng thời, giải ngân tín dụng cho người mua nhà đến trực tiếp cho chủ đầu tư dự án (như thực tế nhiều dự án hiện nay đã làm). Tuy nhiên, việc cấp tín dụng sẽ được thực hiện một cách chọn lọc cho chủ đầu tư tùy theo rủi ro tín dụng được ngân hnagf đánh giá và thẩm định.

Còn người mua nhà sẽ được giảm lãi suất với điều kiện cụ thể. Đơn cử như chứng minh đủ điều kiện ưu đãi Lần đầu mua nhà, thu nhập kê khai thuế từ 500 triệu đồng trở lên, có thu nhập ổn định (có hợp đồng lao động), ưu tiên người mua nhà lần đầu,...

Với Chính phủ và cơ quan quản lý, theo đề xuất của vị này cần xây dựng và chỉ đạo chương trình; định hướng chính sách tín dụng bất động sản cùng sự tham gia của các bộ ngành liên quan, không chỉ NHNN; tháo gỡ pháp lý (tập trung vào dự án nộp thuế và hướng đến giấp phép xây dựng; dự án đã hoàn thiện để cấp sổ đỏ).

Nếu có thể triển khai được chương trình thì các bên đều có lợi ích. Cụ thể, người mua nhà có nhà để ở với chi phí vốn hợp lý và yên tâm về pháp lý. Chủ đầu tư giảm lợi nhuận nhưng giải phóng được hàng tồn kho/ mở bán được dự án mới và tránh vi phạm nghĩa vụ nợ trái phiếu cũng như nợ xấu ngân hàng. Các ngân hàng thương mại tăng chi phí giám sát nhưng giảm rủi ro nợ xấu nhất là từ chủ đầu tư và giải ngân được tín dụng.

Về phía Chính phủ, Chương trình tín dụng sẽ góp phần giải quyết vấn đề của thị trường trong đó mất cân đối cung - cầu theo phân khúc, giảm rủi ro bất ổn cho hệ thống tài chính, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao trở lại và đảm bảo những cân đối lớn vĩ mô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất chương trình tín dụng bất động sản khép kín