Vấn đề quan tâm

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường

Nguyễn Cúc 31/07/2024 - 10:15

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã đề xuất các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó dự kiến bổ sung đồ uống có đường vào nhóm đối tượng áp thuế.

Cụ thể các đối tượng dự kiến sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như sau:

Với đối tượng là hàng hóa bao gồm: Thuốc lá theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 bao gồm thuốc lá điếu; xì gà; thuốc lá sợi; thuốc lào hoặc các dạng khác; và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm.

nuc.jpg
Hình minh họa

Rượu theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 bao gồm cả các loại đồ uống có cồn thực phẩm khác được lên men từ trái cây, ngũ cốc; đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm; Bia.

Xe có động cơ dưới 24 chỗ, bao gồm: xe ô tô chở người; xe chở người bốn bánh có gắn động cơ; xe ô tô pick-up chở người; xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép; xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng.

Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3; Máy bay, trực thăng, tàu lượn và du thuyền sử dụng cho mục đích dân dụng.

Xăng các loại.

Điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống trừ loại theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay.

Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất bán hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu nhập tách riêng từng bộ phận là cục nóng hoặc cục lạnh thì hàng hóa bán ra hoặc nhập khẩu (cục nóng, cục lạnh) vẫn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như đối với sản phẩm hoàn chỉnh (máy điều hòa nhiệt độ hoàn chỉnh).

Bài lá; Vàng mã, hàng mã, không bao gồm hàng mã là đồ chơi trẻ em, đồ dùng dạy học.

Nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN),) có hàm lượng đường trên 5g/100ml.

Các hàng hóa quy định nêu trên phải là sản phẩm hoàn chỉnh, không bao gồm linh kiện để lắp ráp các hàng hóa này.

Các loại dịch vụ đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt gồm: Kinh doanh vũ trường; Kinh doanh mát-xa (massage), ka-ra-ô-kê (karaoke); Kinh doanh ca-si-nô (casino); trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy sờ-lot (slot) và các loại máy tương tự; Kinh doanh đặt cược bao gồm đặt cược thể thao, giải trí và các hình thức đặt cược khác theo quy định của pháp luật; Kinh doanh gôn (golf) bao gồm kinh doanh sân tập gôn, bán thẻ hội viên, vé chơi gôn; Kinh doanh xổ số.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì, là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, hội chứng rối loạn chuyển hóa, tim mạch, đái tháo đường, bệnh lý thận, tiết niệu, ảnh hưởng đường tiêu hóa, ung thư đường tiêu hóa, tai biến mạch máu não, sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến hệ xương răng do tăng lượng đường nạp vào cơ thể nhiều hơn nhiều lần mức cần thiết.

Việc gia tăng sử dụng nước giải khát có đường khiến cho tình trạng các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam hiện đang có mức tăng bùng nổ trong vài thập kỷ qua.6 Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020.

Theo Bộ Y tế, có bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ nước giải khát có đường với bệnh không lây nhiễm, gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong. Theo đó, giảm tiêu thụ nước giải khát có đường có thể dự phòng tử vong do góp phần làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu và tăng huyết áp, là các yếu tố nguy cơ gây tử vong phổ biến tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

WHO khuyến nghị lượng đường tự do trong khẩu phần mỗi ngày chỉ nên chiếm dưới 25g–50g/người lớn và dưới 12g - 25g/trẻ em; Trẻ em dưới 2 tuổi KHÔNG nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường