Đề thi THPT quốc gia 2019: Nằm trong nội dung chương trình THPT

Xuân Diệp| 05/10/2018 06:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Điều chỉnh cách thức tổ chức chấm thi theo hướng cán bộ giáo viên không chấm thi bài thi học sinh của tỉnh mình”, đó là chia sẻ của đại diện Bộ GD-ĐT về những điều chỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Rút kinh nghiệm từ kỳ thi THPT quốc gia 2018, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 Bộ GD-ĐT đã tập trung vào để cải tiến kỹ thuật cũng như cách chấm thi để hạn chế tối những sự cố không đáng có.

Cụ thể theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT chia sẻ một số điều chỉnh cơ bản về mặt kỹ thuật cho kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Theo đó, việc đầu tiên là tập trung hoàn thiện ngân hàng câu hỏi để trên cơ sở đó xây dựng đề thi phù hợp với tính chất của kỳ thi THPT quốc gia.

Đề thi THPT quốc gia 2019: Nằm trong nội dung chương trình THPT

Ảnh minh họa.

Đánh giá kết quả đạt được học vấn phổ thông của học sinh, nhưng bảo đảm độ phân hóa để vừa xét tốt nghiệp THPT, các trường đại học, cao đẳng yên tâm sử dụng làm căn cứ tuyển sinh; đồng thời là cơ sở dữ liệu chính xác để phân tích chất lượng giáo dục của các nhà trường.

Thứ 2, Hoàn thiện các phần mềm, đặc biệt là phần mềm chấm thi trắc nghiệm, ngoài việc chấm thi tốt còn phòng ngừa tiêu cực, muốn gian lận cũng không gian lận được và nếu cố tình gian lận sẽ dễ dàng bị phát hiện.

Thứ 3, là chú trọng công tác cán bộ, trong đó lựa chọn nhân sự tham gia các khâu kỳ thi, gắn liền với phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, am hiểu về chuyên môn, công tác tập huấn, thanh tra, giám sát đi kèm phải làm chất lượng và hiệu quả hơn.

Thứ 4, điều chỉnh cách thức tổ chức chấm thi theo hướng cán bộ giáo viên không chấm thi bài thi, học sinh của tỉnh mình, và một trong những phương án tính toán là chấm thi theo cụm.

Ông Mai Văn Trinh cho biết thêm, trong lịch sử tổ chức thi cử, những năm 2011-2012 đã tổ chức chấm chéo và chúng ta thấy có ưu điểm nhưng cũng bộc lộ nhược điểm. Những điều chỉnh trong tổ chức chấm thi sẽ không cho phép lặp lại các bất cập, hạn chế đã xảy ra trong quá khứ thông qua cách thức tổ chức chấm thi, các giải pháp công nghệ, giải pháp về quản lý; đồng thời, tăng cường thanh tra, giám sát và sự vào cuộc của các cơ sở giáo dục đại học sẽ rõ nét hơn, toàn diện hơn.

Chia sẻ về đề thi THPT quốc gia 2019, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh: Đề thi 2019 sẽ tiếp tục bám sát yêu cầu, tính chất kỳ thi và phù hợp với kết quả làm bài của thí sinh. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.

"Hiện nay chúng tôi đang nỗ lực cố gắng sớm công bố đề thi tham khảo, trên cơ sở đó để giáo viên, học sinh tham khảo, yên tâm tổ chức quá trình dạy học trong các nhà trường", ông Mai Văn Trinh nói.

Cũng liên quan đến vấn đề tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019, tại phiên giải trình với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ngày 24/9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục được giữ ổn định với các nội dung cơ bản như: Nội dung thi, đề thi sẽ tiếp tục được xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng theo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đề thi THPT quốc gia 2019: Nằm trong nội dung chương trình THPT

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GD-ĐT chỉ đạo toàn ngành tập trung rà soát, đánh giá nghiêm túc, xử lý kịp thời những tiêu cực và hạn chế bất cập xảy ra trong kỳ thi. Ảnh Ngô Chuyên.

Về các bài thi, môn thi: Trong các năm 2019 và 2020, việc tổ chức các bài thi được giữ ổn định như năm 2017; từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế từng bước phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể thí điểm tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.

Trước mắt, để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GD-ĐT chỉ đạo toàn ngành tập trung rà soát, đánh giá nghiêm túc, xử lý kịp thời những tiêu cực và hạn chế bất cập xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để rút kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo tổ chức thi vào các năm 2019 và 2020.

“Kỳ thi tới đây sẽ không phải phục vụ đồng thời cho 2 mục đích, mà phục vụ cho đổi mới chương trình THPT quốc gia. Bộ sẽ cải tiến kỳ thi tốt hơn và vẫn bảo lưu quan điểm cần phải duy trì kỳ thi quốc gia. Kỳ thi vừa rồi giảm rất nhiều áp lực và giảm tốn kém. Quá trình đổi mới kỳ thi là cải tiến chứ không phải mỗi năm một kiểu. Ba năm gần đây, kỳ thi đã ổn định nhưng mỗi năm phải có cải tiến về kỹ thuật”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề thi THPT quốc gia 2019: Nằm trong nội dung chương trình THPT