Đề nghị bổ sung quy định tạm đình chỉ vụ án, tạm hoãn phiên tòa do thiên tai, dịch bệnh

Mai Thoa| 28/10/2021 17:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dịch bệnh, thiên tai đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án của các cơ quan tố tụng. Trong khi đó, Bộ luật TTHS 2015 không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh. Điều này dẫn đến vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định pháp luật. Vì vậy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định này.

Đề nghị bổ sung cả nội dung tạm hoãn phiên tòa

Đại biểu Phạm Thị Xuân- Thanh Hóa cho rằng, thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp trên cả nước, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau, trong một thời gian tương đối dài. Điều này đã ảnh hưởng đến các hoạt động giải quyết vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng.

202110250924128767_pham-thi-xuan-thanh-hoa.jpg
Đại biểu Phạm Thị Xuân- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

Đối với giai đoạn điều tra, việc tiến hành các hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố, xét xử của các cơ quan có thẩm quyền cũng bị trì hoãn, kéo dài do không thể thực hiện được các hoạt động tố tụng để kết thúc điều tra hoặc để quyết định việc truy tố hoặc hoàn thành việc xét xử. Việc tống đạt các quyết định tố tụng cho người bị buộc tội hoặc chuyển hồ sơ vụ án sang các giai đoạn tố tụng tiếp theo, việc chuyển các chứng cứ, tài liệu, đồ vật cho Viện Kiểm sát, Tòa án… bị trì hoãn, không thể tiến hành được.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247, khoản 1 Điều 281 và khoản 1 Điều 297 BLTTHS không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Điều này dẫn đến việc vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định của pháp luật. Vậy nên, theo đại biểu bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố vụ án… là cần thiết.

Tuy nhiên, trong giai đoạn xét xử Tòa án cũng gặp những khó khăn, vướng mắc tương tự Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong việc giải quyết vụ án do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid - 19. Vì vậy, cần cân nhắc bổ sung căn cứ này tại Điều 281 về tạm đình chỉ vụ án, Điều 297 về hoãn phiên tòa để tạo ra sự thống nhất và đồng bộ trong quy định và áp dụng pháp luật, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc trên thực tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- Hải Dương cũng nêu dẫn chứng tại địa phương: Theo thống kê của cơ quan điều tra 2 cấp, Công an của tỉnh Hải Dương, trong thời gian qua không có tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và các hoạt động tư pháp khác phải tạm đình chỉ do ảnh hưởng qua của dịch COVID.

Nhiều vụ án, vụ việc phải gia hạn thời gian giải quyết. Việc tống đạt các quyết định tố tụng cho người bị buộc tội hoặc chuyển hồ sơ vụ án sang các giai đoạn tố tụng tiếp theo; chuyển các chứng cứ, tài liệu, đồ vật cho Viện kiểm sát, Tòa án cũng bị trì hoãn không thể tiến hành được. Trong khi Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh. Điều này dẫn đến vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng theo quy định của pháp luật.

Hơn nữa, theo quy định của pháp luật, trong giai đoạn điều tra nếu hết thời hạn mà không thể hoàn thiện được hồ sơ và thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện phạm tội thì sẽ phải đình chỉ điều tra. Điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Người phạm tội phải xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thậm chí xử lý trách nhiệm hình sự đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, gây phần nào giảm sút lòng tin của nhân dân, trong khi việc này rõ ràng không phải do lỗi chủ quan từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Đây là những trở ngại, hạn chế do khách quan đem lại và là những khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn cần được xem xét, tháo gỡ để giải quyết, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, không làm oan người vô tội, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền ban hành các quyết định tố tụng có căn cứ và đúng pháp luật.

Thực tế nhiều phát sinh bất cập

Dự báo trong thời gian tới Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới sẽ tiếp tục phải chịu những tác động khó lường do biến đổi cực đoan của khí hậu và tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, do chúng ta cũng chưa có công cụ thực sự hữu hiệu để kiểm soát được đại dịch COVID-19. Nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh khác nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao hơn là rất có thể xảy ra.

Từ những lý do trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung điều luật này. Việc sửa đổi này cũng tạo cơ chế tố tụng để các cơ quan tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc được tạm đình chỉ theo quy định, đồng thời đảm bảo việc áp dụng các căn cứ nêu trên được chặt chẽ, thống nhất, tránh việc lạm dụng.

202110250924128610_nguyen-thanh-sang-ho-chi-minh-copy.jpg
ĐBQH Tp HỒ Chí Minh, Nguyễn Thanh Sang.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang – TP Hồ Chí Minh cũng nêu một thực tế tương tự ở địa phương hiện nay. Do thực hiện Chỉ thị số 16 nên không thể mời, triệu tập đương sự để thực hiện các biện pháp xác minh, điều tra. Nhiều trường hợp người tham gia tố tụng bị nhiễm bệnh hoặc cách ly theo quy định của ngành y tế, bị can bị nhiễm bệnh nên không thể tiếp xúc để hỏi cung, phúc cung; hay việc trích xuất phạm nhân ra khỏi trại giam cũng vô cùng khó khăn, công tác giám định, định giá của Hội đồng định giá cũng vậy…. nên không thể hoàn thiện hồ ơ giải quyết vụ án.

Theo quy định của pháp luật, trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không hoàn thiện được hồ sơ và thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì sẽ phải đình chỉ điều tra.

Điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm người phạm tội, đồng thời dẫn đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong khi việc đình chỉ không do lỗi chủ quan từ phía cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh. Điều này dẫn đến vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định pháp luật. Vì vậy đề nghị giao Viện trưởng VKSNDTC chủ trì phối hợp Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chánh án Tòa án nhân tối cao quy định chi tiết nội dung này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị bổ sung quy định tạm đình chỉ vụ án, tạm hoãn phiên tòa do thiên tai, dịch bệnh