4 vấn đề quan trọng trong cải cách tiền lương của Thẩm phán

TS. Nguyễn Thúy Hiền, nguyên Phó Chánh án TANDTC| 14/09/2021 14:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thẩm phán là một nghề cao quý và luôn được nhiều nước dành cho sự quan tâm và ưu đãi đặc biệt. Tiền lương cho Thẩm phán được tính theo thang bậc lương có tính đến thâm niên công tác và các khoản phụ cấp, hỗ trợ về mặt vật chất và các chế độ an sinh xã hội khác.

Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003. Nhờ đó, tiền lương trong khu vực công của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nói chung, tiền lương của Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác cũng như đội ngũ cán bộ, công chức của hệ thống TAND nói riêng đã từng bước được cải thiện.

thuy-hien.jpg
TS. Nguyễn Thúy Hiền, nguyên Phó Chánh án TANDTC tại Hội nghị thế giới về thi hành án năm 2019.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung chính sách tiền lương đối với Thẩm phán, các chức danh tư pháp khác cũng như đội ngũ cán bộ, công chức của hệ thống TAND về cơ bản vẫn còn một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình thực tiễn, chưa tương xứng với vai trò, vị trí và chức năng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới

Một số quốc gia coi Thẩm phán là một nghề đặc biệt, không phải là công chức như các công chức bình thường trong bộ máy nhà nước. Mức lương của các Thẩm phán được quy định cao hơn mức lương của công chức thông thường, tương đương với các chức danh chủ chốt trong cơ quan lập pháp, hành pháp nhằm đảm bảo tính độc lập của Thẩm phán trong việc thực thi quyền tư pháp.

Các nước đều ban hành luật riêng quy định về tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng và các quy định về an sinh xã hội đối với Thẩm phán. Luật về tiền lương của Thẩm phán Nhật Bản được ban hành lần đầu năm 1948 với 15 điều khoản cơ bản quy định chế độ, chính sách tiền lương đối với Thẩm phán. Luật này thường xuyên được Quốc hội sửa đổi (chỉ sửa đổi đối với thang bảng lương) trong các năm tiếp theo để thang bảng lương phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế của Nhật Bản.

Luật về lương của liên bang Đức ban hành năm 1975 quy định về tiền lương cho công chức, Thẩm phán và quân nhân trong đó điều chỉnh việc trả lương và các nội dung liên quan cho các nhóm đối tượng nêu trên. Ngoài Luật này, Đức đã ban hành Quy chế lương của Thẩm phán năm 2002. Theo đó, lương của Thẩm phán Đức được chia thành 9 nhóm từ 1 đến 9 theo thứ tự từ thấp đến cao.

Luật liên bang Nga năm 1992 và Quy chế Thẩm phán quy định rõ về việc đảm bảo vật chất cho Thẩm phán. Luật quy định cụ thể tiền thù lao hàng tháng của Thẩm phán bao gồm tiền lương, tiền thưởng, các loại phụ cấp…

Lương của Thẩm phán cũng được chia thành các bậc, ngạch riêng phù hợp với tính chất phức tạp của công việc và nhiệm vụ tố tụng mà họ phải tiến hành. Về nguyên tắc, lương của Thẩm phán chỉ có thể tăng chứ không bị giảm vì bất kỳ lý do gì trong suốt thời gian họ làm Thẩm phán. Bảng lương của Thẩm phán cũng được điều chỉnh khi mức lương của khối doanh nghiệp thay đổi như áp dụng đối với các công chức Nhà nước khác. Điều này giúp chế độ lương của Thẩm phán vừa mang tính thực tế, vừa khẳng định được vị thế của họ trong xã hội.

Nhà nước hết sức quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho Thẩm phán và gia đình của Thẩm phán. Thẩm phán và gia đình được phục vụ dịch vụ y tế, kể cả việc sử dụng các thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh đắt tiền, đến các trại điều dưỡng, chi phí được ngân sách nhà nước chi trả.

Theo Quy chế về lương công chức Liên bang Đức, thì lương của Thẩm phán được chia làm 10 bậc theo thứ tự từ thấp đến cao.

Về cơ bản, phần lớn Thẩm phán của Đức được hưởng mức lương theo nhóm 1 và 2 (Nhóm 1 bao gồm: Thẩm phán tại Tòa án địa phương, Thẩm phán tại Tòa án lao động, Tòa án kỷ luật liên bang, Tòa án tư pháp vùng, Tòa án hành chính; Chánh án của Tòa án địa phương, Chánh án Tòa án lao động, Chánh án Tòa án xã hội;

Nhóm 2 bao gồm Thẩm phán tại Tòa án địa phương có thêm nhiệm vụ giám sát; Thẩm phán tại Tòa án lao động, Tòa án sáng chế liên bang, Tòa án tài chính, Tòa án xã hội bang, Tòa án tư pháp bang, Tòa án hành chính bang; Thẩm phán chủ tọa tại Tòa án Vorsitzender Richter am Landgericht, Tòa án kỷ luật quân vụ, Tòa án hành chính; Chánh án Tòa án lao động, Tòa án xã hội; Phó chánh án của các Tòa án địa phương; Tòa án lao động, Tòa án kỷ luật liên bang, Tòa án tư pháp vùng, Tòa án xã hội, Tòa án kỷ luật quân vụ, Tòa án hành chính).

So với mức lương của một số ngành, nghề khác trong xã hội thì lương của Thẩm phán Đức ở nhóm 1 và nhóm 2 không cao. Điều này chưa tương xứng với vai trò và vị trí của Thẩm phán trong xã hội. Vì vậy, ở Đức hiện có nhiều ý kiến đề nghị tăng lương cho Thẩm phán thuộc các nhóm này.

Bên cạnh đó, Thẩm phán được hưởng một số loại phụ cấp và trợ cấp như trợ cấp tiền nuôi con, phụ cấp chức vụ và phụ cấp vị trí. Luật về lương của liên bang quy định về tiền thưởng và các công việc đặc biệt đối với Thẩm phán.

Tại Pháp, Thẩm phán được tuyển dụng qua thi tuyển, được bổ nhiệm suốt đời và nghỉ hưu ở tuổi 65, trừ các Thẩm phán của Tòa phá án có thể nghỉ hưu ở tuổi 68. Thẩm phán chịu sự điều chỉnh của các quy định tương đối đặc biệt, khá gần quy định về công chức nhưng cũng có những đặc trưng riêng.

Khi đã được tuyển dụng vào Trường Thẩm phán quốc gia, các học viên được coi như là công chức Nhà nước và có mức lương khởi điểm khoảng 1.357EUR/tháng và khi được bổ nhiệm làm Thẩm phán thì được nhận mức lương khởi điểm bậc 1 là 2.662EUR/tháng. Những người có kinh nghiệm công tác càng nhiều thì có lương càng cao. Ngoài lương, Thẩm phán còn được hưởng các khoản trợ cấp như: tiền đi lại, nhà cửa, khu vực công tác, chức vụ....

Việt Nam cần cải cách chế độ tiền lương cho Thẩm phán

Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003. Nhờ đó, tiền lương trong khu vực công của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nói chung, tiền lương của Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác cũng như đội ngũ cán bộ, công chức của hệ thống TAND nói riêng đã từng bước được cải thiện.

vu-an-danh-bac.jpg
Những vụ án hàng chục bị cáo phải xét xử dài ngày luôn là áp lực lớn đối với các Thẩm phán xét xử.

Ở Việt Nam hiện nay chính sách tiền lương đối với Thẩm phán, các chức danh tư pháp khác cũng như đội ngũ cán bộ, công chức của hệ thống TAND về cơ bản vẫn còn một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình thực tiễn, chưa tương xứng với vai trò, vị trí và chức năng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc cải cách hệ thống tiền lương cho Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác, trong năm 2018, TANDTC đã tổ chức một số đoàn công tác đi nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế đối với chế độ tiền lương cho Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác ở một số quốc gia như Nhật Bản, Đức, Pháp và Nga. Ngoài ra, TANDTC còn chỉ đạo việc nghiên nghiên cứu tài liệu của một số quốc gia khác về vấn đề này, làm cơ sở, căn cứ đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định chế độ tiền lương đối với Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác trong hệ thống TAND Việt Nam.

Có thể thấy, trong hầu hết các quốc gia trên thế giới, Thẩm phán nói riêng và hệ thống các chức danh tư pháp của TAND nói chung có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Do đó, chế độ tiền lương đối với các chức danh này cũng được đảm bảo cho tương xứng, phù hợp với trọng trách, vai trò mà họ được giao.

Trên cơ sở nghiên cứu các quy định về chính sách tiền lương đối với Thẩm phán và các chức danh tư pháp thuộc hệ thống TAND, chúng tôi có một số khuyến nghị đối với việc cải cách chế độ tiền lương, thưởng, phụ cấp và an sinh xã hội đối với Thẩm phán, các chức danh tư pháp và người lao động trong hệ thống Tòa án nhân dân như sau:

Thứ nhất, cần ghi nhận cụ thể tính đặc thù của chính sách tiền lương đối với Thẩm phán, cán bộ Tòa án. Hiện nay, lương của Thẩm phán và cán bộ Tòa án ở nước ta cơ bản đang được tính như lương của các công chức nhà nước khác. Điều này không phản ánh được vị trí, vai trò của Thẩm phán là người đại diện cho quyền lực Nhà nước thực thi quyền tư pháp đã được ghi nhận trong Điều 102 của Hiến pháp năm 2013 cũng như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014. Thực tế này cũng gây ảnh hưởng đến hiệu quả công tác cũng như tính độc lập, liêm chính của Thẩm phán và cán bộ Tòa án.

Thứ hai, cần cân nhắc tham khảo mức lương, thang bảng lương của một số nước như của Nhật Bản hoặc của Nga để áp dụng vào Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo tính độc lập và vị thế của Thẩm phán trong xét xử, tăng cường tính kỷ luật và tự chịu trách nhiệm của Thẩm phán, cán bộ Tòa án trong thực thi công vụ.

Thứ ba, cần nghiên cứu, xây dựng Luật về tiền lương của Thẩm phán và các chức danh tư pháp. Luật cần quy định một cách toàn diện về chế độ tiền lương, phụ cấp lương, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách khác cho Thẩm phán và các chức danh tư pháp. Luật cần thể hiện tính đặc thù cao về tiền lương của các chức danh nêu trên và không dựa trên bậc lương của công chức hành chính.

Thứ tư, cần xây dựng chế độ phụ cấp đối với các Thẩm phán, chức danh tư pháp khác có học hàm, học vị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
4 vấn đề quan trọng trong cải cách tiền lương của Thẩm phán