Tâm điểm dư luận

Để không phải khóc vì...bảo hiểm

Biên Thùy 12/04/2023 - 11:18

Có lẽ chẳng có ở đâu như xứ ta, người mua bảo hiểm vừa livestream khóc lóc lại vừa bị mắng là “não ngắn” là hồ đồ, thiếu hiểu biết.

Đó là câu chuyện lùm xùm có thật liên quan đến việc mua bảo hiểm nhân thọ của nữ diễn viên Ngọc Lan đang xôn xao dư luận. Chuyện là cô Lan và con trai có tham gia đóng bảo hiểm với mức phí là 700 triệu đồng/năm. Nữ diễn viên hy vọng sau khoảng 10 năm sẽ mang về số tiền gần 10 tỷ đồng.

Một ngày đẹp trời, nữ diễn viên lên livestream chia sẻ rằng bản thân có nguy cơ mất trắng số tiền lớn vì không đọc kỹ hợp đồng khi mua bảo hiểm.

Theo Ngọc Lan, nhân viên tư vấn đã mập mờ trong việc bán bảo hiểm, còn cô không đọc kỹ nên giờ mới biết hợp đồng của mình có thời hạn lên đến 74 năm và của con trai là 42 năm.

Đã có ít nhất hai quan điểm trái chiều, một phía đồng cảm với Ngọc Lan, còn một phía thì cho rằng cô “hồ đồ, thiếu hiểu biết”.

Tôi không bàn về đúng sai, bởi lẽ đó là việc của cơ quan chuyên môn. Nhưng từ những ồn ào này, phần nào đã phơi bày những góc khuất, những tồn tại của một loại hình dịch vụ vốn được coi là văn minh trong xã hội hiện đại.

Trước hết, một người bỏ ra 700 triệu một năm để đóng bảo hiểm lại “hồ đồ” đến mức “không đọc kỹ hợp đồng”? Đừng vội cười. Bởi sau vụ ồn ào này, có rất nhiều người đã hốt hoảng lục lại hợp đồng bảo hiểm của mình và ngấu nghiến đọc từng chữ. Vì họ cũng giống như cô Ngọc Lan, thậm chí chưa từng đọc hợp đồng.

Vì sao họ lại thiếu thận trọng đến vậy? Mấu chốt là ở sự cả nể. Hầu hết mọi người đều thừa nhận rằng, họ ký vào hợp đồng bảo hiểm là tin tưởng vào người thân, bạn bè, đồng nghiệp-những người “tay ngang” đi làm tư vấn bảo hiểm.

Nhưng lòng tin của khách hàng chưa đủ để đảm bảo cho họ được đối xử một cách văn minh. Quan sát cách người bán bảo hiểm đáp trả khách hàng, thật ngán ngẩm. Không còn giọng mời chào ngọt như mía lùi khi họ thuyết phục ký hợp đồng, thay vào đó là những lời lẽ nặng nề, công kích.

Một người làm dịch vụ chuyên nghiệp, có văn hóa sẽ chẳng ai buông ra những lời xúc phạm “thượng đế” của mình như thế. Nghề nào cũng cần có đạo đức, có trách nhiệm. Nhưng qua việc này, dư luận có quyền nghi ngờ về phẩm chất trên ở một số người trong đội ngũ tư vấn bảo hiểm.

Hãy xem các công ty bảo hiểm đã gây dựng mạng lưới tư vấn viên của họ thế nào. Đó là các ông, các bà, các anh, các chị…những người nghỉ hưu, những người thất nghiệp, những người đang công tác muốn “thò” một chân ra ngoài để kiếm thêm.

Nói chung, hệ thống tư vấn quy tụ đủ ngành nghề khác nhau nhưng có một điểm giống, khách hàng hầu hết là người thân trong gia đình, bạn bè, họ mạc. Và đặc biệt, chính những tư vấn viên này cũng là một khách hàng của bảo hiểm.

Họ được công ty đào tạo “vài đường cơ bản” nhưng bí quyết là chiến lược đeo bám. Có thời gian, cứ nghe tới hai từ bảo hiểm là người ta tránh như tránh tà. Sự chuyên nghiệp được thể hiện rất hạn chế.

Và trong hàng loạt những nguyên nhân khiến cho thị trường bảo hiểm ngày càng bát nháo không thể không nói đến vai trò quản lý. Hoạt động thanh tra, giám sát và cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa thật sự chặt chẽ, rõ ràng.

Có người nói rằng, sự phát triển của bảo hiểm thể hiện trình độ văn minh của mỗi quốc gia. Nhưng khi người mua phải lên mạng để khóc, còn người bán “choảng” lại người mua bằng những ngôn từ khó nghe, trộm nghĩ, chúng ta còn cách xa sự văn minh nhiều lắm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để không phải khóc vì...bảo hiểm