Kinh tế

ĐBSCL hình thành trung tâm gắn kết 3 nhà: Nhà nông - Nhà sản xuất - Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu

Khánh Ngọc 15/09/2023 - 19:42

Ngày 15/9, UBND TP Cần Thơ tổ chức Diễn đàn Kinh tế thường niên năm 2023 với chủ đề “Vai trò giải pháp liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cùng ĐBSCL.

ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn nhất thế giới, có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội. ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong giao thương với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tiểu vùng sông Mê Công.

Vùng có diện tích tự nhiên 39.734 km2 chiếm 12,2% diện tích cả nước; dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước.

aa1.jpg
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trần Việt Trường phát biểu tại diễn đàn.

Tính đến nay, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đã tổ chức diễn đàn lần thứ 5, với mục đích là nơi trao đổi ý kiến, chia sẻ quan điểm giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp về những cơ hội và thách thức của nền kinh tế, định hướng phát triển đất nước.

TP Cần Thơ quan tâm tổ chức Diễn đàn Kinh tế thường niên năm 2023 trong khuôn khổ của địa phương và mở rộng quy mô vùng ĐBSCL.

aa.jpg
Quang cảnh diễn đàn.

ĐBSCL có quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, năm 2020 đạt 970 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,95% tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 56,02 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,8%.

Bên cạnh đó, ĐBSCL là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp và hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu, đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt trường cho biết, với những thành tích đạt được, vùng ĐBSCL khẳng định là vai trò và sự đóng góp rất lớn về mặt kinh tế cho kinh tế cả nước.

Qua đó, ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng cần tiếp tục khai thác, phát huy tốt hơn những tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển, đặc biệt là ngành nông nghiệp.

Thế mạnh của vùng là như trên nhưng nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn còn gặp nhiều khó khăn: phát triển phân tán, quy mô nhỏ lẻ, giá trị kinh tế thấp; nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất so với các vùng khác trong cả nước, nguồn lao động chưa tương xứng với vị thế vai trò vùng, hạ tầng giao thông nội và liên vùng vẫn thiếu và yếu, biến đối khí hậu vẫn còn tác động đến toàn vùng.

Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, được Quốc hội thông qua ngày 11/01/2022, tong đó quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ (gọi tắt là trung tâm).

Do đó, trung tâm được xây dựng với định hướng chiến lược trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, với vai trò liên kết nguồn lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của cả vùng ĐBSCL. Việc hình thành trung tâm tại TP Cần Thơ với mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ”, có vai trò gắn kết 3 nhà: Nhà nông - Nhà sản xuất - Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL hình thành trung tâm gắn kết 3 nhà: Nhà nông - Nhà sản xuất - Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu