LTS: Trong những kỳ họp gần đây, Quốc hội đã thông qua nhiều dự án luật quan trọng liên quan đến tổ chức và hoạt động của hệ thống TAND.
Một trong những đại biểu có những ý kiến xác đáng, thiết thực và thẳng thắn nhất là ông Phạm Xuân Thường - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống TAND, từng là “người của Tòa”, ông Thường đã chia sẻ với Báo Công lý những điều tâm huyết nhất.
PV: Thưa ông, được biết thời thanh niên trai trẻ ông là sinh viên Trường Đại học mỏ - địa chất. Vậy cơ duyên nào ông lại về công tác tại Tòa án?
Ông Phạm Xuân Thường: Nhiều khi nghĩ lại, tôi thấy mình cũng có cơ duyên với Tòa án thật. Ngày ấy những năm 70 của thế kỷ trước, khi tôi đang học năm thứ 4 Đại học mỏ - địa chất Bắc Thái thì gia đình xảy ra biến cố lớn, mẹ già bị bệnh, anh trai đột ngột qua đời, một mình chị dâu vừa chăm sóc mẹ ốm đau, vừa chăm lo cho 2 con đứa lớn 4 tuổi, đứa bé 2 tuổi. Là con trai còn lại duy nhất trong gia đình nên sau khi tốt nghiệp, năm 1979 tôi xin về quê công tác. Tôi đã xin vào nhiều cơ quan đều không được nhưng may mắn thay, TAND tỉnh Thái Bình khi đó thiếu tới 9 biên chế và vì vậy tôi nhanh chóng được nhận vào làm thư ký. Vào Tòa án không khó nhưng để làm được việc thì quả là khó khăn vì lúc đó tôi học về kỹ thuật, không có chuyên môn về luật. Các khái niệm tội phạm, yếu tố cấu thành tội phạm,… sắc lệnh, sắc luật… cứ rối tinh cả đầu, song nhờ có sự chỉ bảo tận tình của các chú, bác, anh chị trong cơ quan cùng với sự nỗ lực của bản thân tôi đã nhanh chóng nắm bắt được công việc, hoàn thành khá tốt nhiệm vụ của một thư ký Tòa án.
Đại biểu Phạm Xuân Thường phát biểu tại Hội trường Quốc hội
PV: Từng là thư ký, rồi Thẩm phán, lãnh đạo trong hệ thống Tòa án, ông có thể chia sẻ những băn khoăn trăn trở hiện nay của mình và một vài kỷ niệm khi còn công tác tại Tòa án?
Ông Phạm Xuân Thường: Tính ra, tôi công tác trong ngành Tòa án 14 năm, thi hành án dân sự 2 năm và tham gia Hội thẩm nhân dân tỉnh 11 năm. Ngoài ra khi công tác tại cơ quan khác, tôi đều làm công tác nội chính và đã 8 năm làm Đại biểu Quốc hội chuyên trách. Có thể nói, cả cuộc đời công tác của tôi đều gắn với luật pháp, với hoạt động của ngành nội chính, nhất là với hoạt động của Tòa án.
Băn khoăn, trăn trở còn nhiều, chẳng hạn tại sao không giao nhiệm vụ Thi hành án dân sự cho Tòa án như trước đây vì nó sẽ đạt hiệu quả cao hơn; Tại sao không bỏ án phí hình sự để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách về tổ chức bộ máy và biên chế ( thực tế có rất nhiều vụ đưa ra thi hành án chỉ có mỗi việc thu tiền án phí hình sự nhưng vẫn phát sinh thêm nhiều người làm việc, dẫn đến phình biên chế cơ quan thi hành án và đương nhiên là chi ngân sách tăng - PV); Có nhất thiết có hình phạt cảnh cáo trong Bộ luật hình sự không…Tất cả băn khoăn này, tôi đã nêu ra diễn đàn Quốc hội.
Còn kỷ niệm ư, khi làm việc ở Tòa án có rất nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có và có kỷ niệm không bao giờ quên được. Chẳng hạn như có vụ việc ly hôn, đương sự “tố” lẫn nhau rằng bên này có người thân là Chủ tịch UBND xã, bên kia có người nhà làm việc ở Tòa án cấp trên nên không tin sự khách quan khi Tòa án giải quyết vụ việc. Đi điều tra xác minh vụ việc này cả Thẩm phán và tôi phải đạp xe mấy chục cây số, mang cơm nắm, muối vừng đi, buổi trưa ngồi ăn ở gốc đa đầu làng để chiều làm việc tiếp. Vất vả là thế nhưng chúng tôi thấy vui và rất thanh thản vì cuối cùng vụ án cũng kết thúc mà các đương sự thì phải “tâm phục, khẩu phục” vì sự khách quan của Tòa…
PV: Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức TAND năm 2014, ông đánh giá thế nào về sự chuẩn bị Dự án luật do TANDTC soạn thảo và những điểm mới cũng như tính ưu việt so với Luật Tổ chức TAND năm 2002?
Ông Phạm Xuân Thường: Dự thảo Luật tổ chức TAND năm 2014 đã được TANDTC chuẩn bị rất công phu, nhiều nội dung tiếp thu chỉnh sửa rất cầu thị trên cơ sở những ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Do đó, Luật này được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2015. Luật đã cụ thể hóa Hiến pháp, chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp.
Luật tổ chức TAND có rất nhiều điểm mới như hệ thống tổ chức Tòa án 4 cấp, có Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán quốc gia, thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, chế định tự xem xét lại bản án của Hội đồng Thẩm phán TANDTC khi phát hiện có sai lầm; đội ngũ Thẩm phán, cán bộ Tòa án cũng được quy định rất cụ thể. Có thể nói chưa bao giờ vị thế chức năng, nhiệm vụ của Tòa án được xác định rõ, cụ thể và độc lập như hiện nay. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để hệ thống TAND kiện toàn về tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo hoạt động của Tòa án đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp, đặc biệt là đáp ứng mong mỏi của người dân vào nền tư pháp nước nhà trong giai đoạn mới- đó là những ưu việt của luật hiện hành so với những luật trước đây.
PV: Trên diễn đàn QH, ông đã có những ý kiến cụ thể, xác thực về nhiều vấn đề liên quan đến Tòa án được dư luận quan tâm, đánh giá cao. Phải chăng đó là những tâm huyết mà chỉ những đại biểu QH từng công tác trong hệ thống Tòa án như ông mới có được?
Ông Phạm Xuân Thường: Đúng là tôi đã có nhiều lần phát biểu ý kiến, nêu quan điểm vừa đồng tình, vừa thẳng thắn góp ý kiến phản biện để cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc và đưa vào những quy định sát thực, khả thi hơn. Chẳng hạn, theo Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền cải sửa, hủy bản án bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm. Đây là quy định đã được sửa đổi nhằm khắc phục hạn chế của các án giám đốc thẩm, giải quyết nhanh, tránh kéo dài các vụ án như thời gian vừa qua. Tôi cho rằng đây là quy định đúng và tôi ủng hộ thẩm quyền này của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm. Ở đây cũng có ý kiến cho rằng Hội đồng xét xử giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử, nhưng trên thực tế, đây là một thủ tục đặc biệt và chúng ta quy định là Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, chứ không phải một tổ chức nào khác. Tôi cho rằng quy định như vậy là hợp lý.
Trong phiên thảo luận về dự án Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), tôi đã phát biểu về thủ tục đặc biệt, xét lại bản án của Hội đồng Thẩm phán TANDTC khi phát hiện có sai lầm nghiêm trọng quy định tại Chương XXXII từ Điều 402 đến 409. Tôi rất đồng ý với quy định này. Trong thực tiễn ở nước ta, có một số vụ án mặc dù đã qua cấp cao nhất xét xử là Hội đồng Thẩm phán TANDTC, nhưng vẫn phát hiện có những sai lầm mà với nền tư pháp công tâm của chúng ta, chế độ XHCN của chúng ta thì không thể không sửa. Có ý kiến cho rằng Hội đồng Thẩm phán TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất, xét xử cuối cùng nên không được sửa án đó, nhưng trên thực tế nhiều vụ án còn sai sót, cần thiết phải sửa đổi. Vừa qua, giám sát oan sai, chúng ta thấy có một số trường hợp liên quan đến bảo vệ tính mạng của con người nên không thể không có quy định cho thủ tục đặc biệt này. Vì vậy, tôi đồng ý với quy định này của dự thảo…
PV: Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống TAND, từng là “người của Tòa” ông có cảm nghĩ gì?
Ông Phạm Xuân Thường: Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống TAND, mong muốn lớn nhất của tôi cũng như cử tri Thái Bình đó là Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và người dân tạo điều kiện để hệ thống Tòa án tổ chức triển khai thực hiện có kết quả cao nhất Luật Tổ chức TAND năm 2014. Tôi cũng mong muốn hệ thống Tòa án khắc phục những hạn chế, thiếu sót thời gian qua, đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chuyên môn; sắp xếp hợp lý đội ngũ Thẩm phán, thư ký trong toàn hệ thống sao cho không để tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, hạn chế đến mức thấp nhất có thể các vụ án làm oan, sai cho người dân. Tôi và cử tri mong muốn Tòa án thực sự là biểu tượng công lý, là chỗ dựa đáng tin cậy của Đảng, của nhân dân.
Ngày kỷ niệm với ý nghĩa lớn lao này của hệ thống TAND, với cương vị là Đại biểu Quốc hội, là người trưởng thành từ Tòa án, tôi xin chia vui với cán bộ, công chức Tòa án và sẽ cố gắng đóng góp nhiều ý kiến hơn nữa để xây dựng nền tư pháp nước nhà ngày càng vững mạnh.,.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!