ĐBQH Đào Thị Xuân Lan: Án lệ là yếu tố bổ sung của pháp luật và tạo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật

Mai Thoa (thực hiện)| 21/11/2014 10:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại khoản 3 Điều 104 của Hiến pháp năm 2013 có quy định: “TANDTC thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”.

Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội thông qua cũng đã đề cập đến thẩm quyền phát triển án lệ của TANDTC.

TS. Đào Thị Xuân Lan, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là một trong những đại biểu Quốc hội nghiên cứu khá sâu sắc về vấn đề án lệ. Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn bà Đào Thị Xuân Lan về một số nội dung liên quan đến vấn đề này.

PV: Là người nghiên cứu kỹ và cũng đã có nhiều bài viết liên quan đến vấn đề án lệ, bà thấy án lệ có vai trò quan trọng trong hoạt động xét xử hiện nay như thế nào?

ĐB Đào Thị Xuân Lan: Án lệ có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động xét xử của tất cả các nước theo hệ thống luật chung (Common law) và cả các nước theo hệ thống luật thành văn (Civil law). Án lệ đề cập đến những vụ việc đã xảy ra trong thực tế đã được xem xét, giải quyết thông qua các bản án, quyết định của Tòa án, mà không phải những giả thuyết có tính lý luận về những tình huống pháp lý có thể xảy ra trong tương lai. Vì vậy, án lệ thường phong phú và đa dạng hơn nhiều so với pháp luật thành văn. Án lệ góp phần quan trọng vào việc giải thích và áp dụng pháp luật trong từng trường hợp cụ thể, khi hệ thống pháp luật đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhất là khi có nhiều vấn đề mới phát sinh mà pháp luật hiện hành chưa kịp thời điều chỉnh hoặc một số quy định hiện hành chưa được hướng dẫn thi hành thống nhất, trong khi thực tiễn lại có nhiều cách hiểu khác nhau. Với sự trợ giúp của án lệ, các vụ án được giải quyết một cách nhanh chóng hơn, đồng thời tiết kiệm công sức, thời gian cho Nhà nước, cho các Thẩm phán và cho những người tham gia tố tụng khác... đồng thời đảm bảo việc xét xử các loại vụ án một cách khách quan, công bằng và đúng pháp luật.

Các Thẩm phán, những người tiến hành tố tụng khác và những người tham gia tố tụng, khi tham gia trực tiếp vào quá trình tranh tụng, cần nâng cao ý thức về áp dụng pháp luật, nên việc tham khảo, nghiên cứu án lệ có ý nghĩa lớn, có giá trị thực tế nhất định. Đây là yếu tố quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động áp dụng thống nhất pháp luật của các Tòa án.

Đối với những vụ án giống nhau hoặc có nhiều tình tiết, nội dung tương tự như nhau thì việc nghiên cứu, áp dụng án lệ vào việc xét xử của các Thẩm phán sẽ có căn cứ bảo đảm phán quyết của mình chính xác, đúng pháp luật mà không phải áp dụng một cách máy móc những quy định pháp luật thành văn như khi chưa có án lệ.

Với những ý nghĩa như vậy, những lợi ích mà án lệ mang lại là rất lớn. Chính vì vậy, hiện nay, một số quốc gia theo truyền thống luật thành văn cũng đã ban hành án lệ, có một số nước cũng đã và đang bắt đầu xây dựng và phát triển án lệ ở một mức độ nhất định, phù hợp với đặc thù hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia. Án lệ như một yếu tố bổ sung của pháp luật và quan trọng là tạo ra sự thống nhất cao trong hoạt động áp dụng pháp luật.

PV: Vậy, pháp luật Việt Nam hiện có quy định về việc áp dụng án lệ không, thưa bà?

ĐB Đào Thị Xuân Lan: Hiện nay, pháp luật nước ta không có một quy định nào bắt buộc các Thẩm phán khi xét xử phải tuân theo án lệ và cũng không có quy định cụ thể nào chỉ ra rằng, TANDTC là cơ quan có thẩm quyền ban hành án lệ. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 19 Luật Tổ chức TAND hiện hành đã quy định: TANDTC có nhiệm vụ và quyền hạn “hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử của các Tòa án”. Vì vậy, thực tiễn xét xử của hệ thống Tòa án, các Tòa án cấp dưới vẫn thường xuyên cập nhật những hướng dẫn của Tòa án cấp trên để áp dụng trong thực tiễn xét xử.

Mặc dù không quy định trực tiếp về ảnh hưởng bắt buộc của án lệ, của những văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật nhưng trong thực tế, ảnh hưởng như án lệ có ý nghĩa rất lớn đối với công tác xét xử của TAND; trong một số trường hợp, những hướng dẫn của TANDTC có giá trị như một văn bản pháp luật.

ĐBQH Đào Thị Xuân Lan: Án lệ là yếu tố bổ sung của pháp luật và  tạo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật

ĐBQH Đào Thị Xuân Lan

Vấn đề quan trọng nhất trong quá trình phát triển án lệ là phải xác định giá trị pháp lý của án lệ, hiệu lực của án lệ và việc tìm ra hình thức áp dụng án lệ ở Việt Nam, để án lệ từng bước thích nghi, phát huy vai trò của nó trong hoạt động xét xử áp dụng thống nhất pháp luật ở nước ta; đồng thời việc phát triển án lệ và giá trị pháp lý của án lệ cũng không làm thay đổi hệ thống pháp luật hiện hành.

PV: Theo quan điểm của bà thì trong điều kiện hiện nay, chúng ta nên áp dụng án lệ như thế nào cho phù hợp?

ĐB Đào Thị Xuân Lan: Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu, ở Việt Nam nên học tập và áp dụng án lệ của các nước theo hệ thống Civil law, theo cách thừa nhận án lệ có giá trị tham khảo, không có giá trị bắt buộc đối với người áp dụng. Hiện nay, TANDTC mới chỉ bắt đầu giới thiệu và định hướng việc sử dụng án lệ cho quá trình xét xử của các TAND. Sau 6 năm công bố các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, giá trị pháp lý của các quyết định của Hội đồng Thẩm phán vẫn chưa được thừa nhận rõ ràng. Vì vậy, thừa nhận giá trị không bắt buộc của án lệ sẽ có vai trò quan trọng trong việc phổ biến án lệ và nghiên cứu để áp dụng nó trong hoạt động xét xử của toàn hệ thống Tòa án ở nước ta. Giá trị pháp lý của án lệ như một nguồn tài liệu tham khảo hết sức quan trọng, cần thiết trong quá trình xét xử các loại vụ án.

PV: Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua lần này có quy định về nhiệm vụ phát triển án lệ của TANDTC, vậy theo bà, điều đó có cần thiết hay không?

ĐB Đào Thị Xuân Lan: Việc phát triển án lệ ở Việt Nam là nước theo hệ thống pháp luật thành văn (Civil law), có đặc thù riêng, đó là không nhất thiết phải có sự thay đổi những quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn là cơ quan có thẩm quyền giải thích Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh khi cần thiết. Án lệ được coi như là một bộ phận quan trọng của pháp luật, được chấp nhận và sử dụng ở Việt Nam khi các Thẩm phán, luật sư, những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng, khi họ cần phải giải thích về một sự kiện pháp lý nào đó, hiểu và áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật thông qua việc nghiên cứu để viện dẫn đến án lệ có liên quan.

Việc thể chế hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về việc “TANDTC có nhiệm vụ... phát triển án lệ...” thì nhiệm vụ này cũng cần thiết phải được quy định trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), vì đây là một đạo luật duy nhất, quan trọng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của TAND nói chung và của TANDTC nói riêng. Việc giao nhiệm vụ quan trọng này cho TANDTC sẽ làm tăng thêm tính độc lập cần thiết cho cả hệ thống TAND trong công tác xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp nhưng không gây nên sự chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn, giải thích pháp luật của cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời với việc quy định thẩm quyền phát triển án lệ trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) thì vấn đề án lệ cũng cần được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính và những văn bản pháp luật khác về trình tự, thủ tục của TAND khi xem xét, giải quyết các vụ án... để tạo điều kiện cho việc phát triển án lệ có hiệu quả và tạo điều kiện cho các Thẩm phán chủ động nghiên cứu, áp dụng thống nhất pháp luật vào thực tiễn xét xử và giải quyết các loại vụ án.

Như vậy, tại điểm c khoản 2 Điều 22 Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quy định: “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của TANDTC, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có tính chuẩn mực của các Tòa án phát triển án lệ để các Tòa án nghiên cứu áp dụng thống nhất trong xét xử” là phù hợp.

PV: Trân trọng cảm ơn bà! 

 

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH Đào Thị Xuân Lan: Án lệ là yếu tố bổ sung của pháp luật và tạo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật