Nước là nguồn gốc của sự sống nhưng lại là thủ phạm nguy hiểm nhất, luôn rình rập đoạt mạng sống của trẻ em Việt Nam. Không chỉ tại vùng quê mà cả trẻ em thành phố cũng dễ gặp phải tai nạn đuối nước. Vậy hãy bảo vệ con bạn bằng những kiến thức cần thiết.
Vụ việc 9 em học sinh bị chết đuối thương tâm tại bờ sông Trà Khúc thuộc xã Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi) một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với các bậc cha mẹ về việc để trẻ nhỏ tự ý đi bơi mà không có sự quản lý của người lớn. Đuối nước là tai nạn rất dễ xảy với trẻ nhỏ, đặc biệt trong mùa hè, khi trẻ nhỏ có nhiều hoạt động vui chơi giải trí và cách xa tầm mắt người lớn. Thực tế đuối nước thường xảy ra ở ngay gần nơi sinh sống của các em.
Cho trẻ học bơi từ sớm sẽ tăng khả năng thích nghi với nước và biết bơi nhanh hơn
Theo báo cáo toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trong lứa tuổi 5-14. Mỗi ngày Việt Nam có khoảng 20 trẻ qua đời vì tai nạn này. Nam giới có khả năng bị đuối nước cao gấp hai lần so với nữ và trẻ em nông thôn có nguy cơ cao hơn. Vậy để giúp trẻ có những kỹ năng cần thiết tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm rình rập bố mẹ hãy dạy trẻ ngay từ nhỏ những hiểu biết cơ bản để ứng phó kịp thời.
Khi trẻ bắt đầu có nhận thức hãy nhắc chúng một điều bắt buộc là khi vui chơi trên bờ, con cần đứng cách mặt nước ít nhất là 2 m. Đây là khoảng cách tương đối an toàn khi sảy ra sạt lở hoặc sói mòn cát ở sông, suối hay hồ. Hãy đặt ra như một quy định bắt buộc với trẻ để trẻ có thể ý thức hơn được khoảng cách an toàn cho mình.
Tập cho trẻ kỹ năng bơi, thở khi ở dưới nước. Vì khi đã có kiến thức và biết bơi trẻ sẽ dễ dàng chủ động trong mọi tình huống nếu không may bị ngã xuống nước hay sông, suối. Hãy để trẻ học bơi càng sớm càng tốt. Thực tế, ngay từ khi vài tháng tuổi, trẻ đã có thể học bơi và học rất nhanh. Các cha mẹ nên lựa chỗ học phù hợp và thường xuyên tạo điều kiện cho con tập luyện.Việc học bơi và thực hành bơi nên tiến hành dưới sự giám sát của các thầy cô giáo dạy bơi. Trước khi xuống nước bơi, trẻ em cũng như người lớn cần tập thể dục khởi động thật kỹ, tránh trường hợp bị chuột rút dưới nước, dễ gây tai nạn đuối nước.
Hãy nhắc con, khi có vật gì đó rơi xuống nước như đồ chơi, bóng..., tuyệt đối không tìm cách lấy lên. Tiến sĩ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục kỹ năng sống cho trẻ khuyên nếu con đánh rơi đồ vật xuống nước thì cha mẹ cũng không được mắng. Vì khi cha mẹ mắng con do tiếc của, con sẽ hoảng sợ, lần sau đánh rơi đồ đạc xuống nước con sẽ cố lội xuống để lấy và rất dễ gặp tai nạn.
Bên cạnh tránh xa sông nước, cha mẹ cũng dặn con tuyệt đối không nhảy xuống cứu nếu có người bị đuối nước vì sức các con còn yếu. Việc con cần làm là ném cho người dưới nước một tấm gỗ, một tấm xốp lớn để họ bám vào và sau đó đi gọi người lớn đến cứu. Nếu có sợi dây dài, con hãy buộc thật chắc sợi dây lên một gốc cây gần đó và ném cho người dưới nước.
Bạn chính là người giúp con phòng tránh và ứng phó với tai nạn đuối nước nguy hiểm này.
Yêu cầu con khi bơi cần có người lớn đi cùng và phải bơi ở những địa điểm quy định như bể bơi, bãi biển (nơi được phép bơi lội). Những bãi tắm có vẻ rất ổn nhưng tiềm ẩn nguy hiểm, đội cứu hộ đã cắm cọc báo nguy hiểm thì tuyệt đối phải tránh xa, không được bơi lội ở đó. Con trẻ cũng như người lớn phải tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định ở bể bơi hay bãi tắm, tuyệt đối không tự ý làm những việc đã bị cấm tại các khu vực như vậy.
Mùa hè cũng là mùa mưa bão, vì thế cha mẹ đừng quên dặn con đi học, đi chơi nếu gặp mưa lớn thì cần đi lên trên bậc thềm nhà ở ven đường, đứng đợi cơn mưa dứt hẳn rồi mới về hoặc chờ cha mẹ đến đón. Nếu thấy nước dâng lên thì phải đi lên nơi cao hơn. Nước dâng quá cao, con gọi những người dân sống ở những căn nhà mình đang đứng trú tạm để nhờ giúp đỡ.