Nông nghiệp “sạch” đang "lên ngôi" tại Thái Nguyên. Đến nay, tổng diện tích chè sản xuất được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tỉnh đạt gần 5.500 ha.
Những năm gần đây, người làm chè tại Thái Nguyên đang dần thay đổi tư duy, cách làm, tăng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, hữu cơ, giảm sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hoá học, ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trong sản xuất nâng cao chất lượng và năng suất chè. Điều này tạo nên điểm nổi bật trong sản xuất, chế biến chè, hướng tới nâng cao giá trị cây chè của Thái Nguyên.
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng thiết lập mã vùng trồng chè, thực hiện hướng dẫn, quản lý, giám sát 55 mã vùng trồng chè với hơn 1.000 ha được gắn định vị trên hệ thống toàn cầu GPS để thực hiện theo dõi truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tuân thủ tốt các tiêu chí theo quy định.
Toàn tỉnh đã có 204 đơn vị, hộ sản xuất chè được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” và 46 đơn vị được cấp quyền sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”. Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” được công nhận bảo hộ tại Liên minh châu Âu (EU) thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)... Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với cây chè góp phần giảm thiểu tổn thất, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh hợp pháp.
Ông Vũ Đức Hảo, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết, với những định hướng, mục tiêu và việc đầu tư phát triển chè Thái Nguyên từ khâu sản xuất, chế biến đến xây dựng, quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm chè trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Diện tích chè sản xuất an toàn, hữu cơ ngày càng tăng, mẫu mã, chất lượng, thương hiệu chè Thái Nguyên tiếp tục được nâng cao, thị trường được mở rộng, giá trị sản phẩm trà đạt trên 13.000 tỷ đồng.
Sản xuất chè cho hiệu quả cao hơn một số cây trồng khác, đóng góp tăng giá trị sản phẩm thu được trên mỗi ha đất trồng trọt của tỉnh. Năm 2024, ước đạt khoảng 131 triệu đồng/ha/năm. Cây chè thực sự trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh Thái Nguyên.
Để nâng cao giá trị cây chè, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh việc chuyển đổi phương thức sản xuất từ canh tác truyền thông sang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… nâng cao chất lượng và quy mô của các cơ sở chế biến thông qua thúc đẩy liên kết các hợp tác xã quy mô nhỏ, liên kết sản xuất hình thành vùng nguyên liệu chất lượng cao hướng tới sự đồng đều và ổn định về chất lượng sản phẩm trà, hình thành các thương hiệu trà chất lượng cao có khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn có giá trị cao.
Tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 22.200 ha chè, năng suất đạt 127 tạ/ha, sản lượng đạt 272,8 nghìn tấn/năm, chiếm 18,3% diện tích và 24% sản lượng chè búp tươi của cả nước với các dòng sản phẩm như chè xanh, chè xanh cao cấp, chè đen, chè ướp hương, hồng trà và các sản phẩm tinh chất chè phục vụ cho chế biến thực phẩm, làm đẹp, dược liệu.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 62 công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, 168 hợp tác xã, 251 làng nghề sản xuất chè với trên 91.000 hộ làm chè; 158 sản phẩm chè được chứng nhận tiêu chuẩn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ 3 đến 5 sao, 47 cơ sở sản xuất, kinh doanh chè được cấp xác nhận theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.