Đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án

Nguyễn Thành Bộ| 13/09/2016 16:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng, những năm qua, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo TAND tối cao đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đưa công tác thi đua, khen thưởng vào nền nếp, mang lại hiệu quả thiết thực.

Trước yêu cầu mới của sự nghiệp cải cách tư pháp, công tác thi đua, khen thưởng và phong trào Thi đua xuyên suốt “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cần tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực công tác, góp phần hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng. Người cho rằng,“Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Tổ chức tốt phong trào thi đua sẽ lựa chọn được những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xứng đáng để khen thưởng; ngược lại, khen thưởng đúng người, đúng việc sẽ là cơ sở để động viên, thúc đẩy phong trào thi đua. Nhờ đó, sẽ khơi dậy được lòng yêu nước, ý thức tự giác, tự lực tự cường, sức sáng tạo, ý chí quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tạo nên sức mạnh to lớn để giành thắng lợi

Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc và thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Và, “những người thi đua là những người yêu nước nhất”, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng nhằm góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Trong thời gian qua, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng của TAND các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, thiết thực và hiệu quả, tạo động lực quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án. Các phong trào thi đua luôn gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trên cơ sở bám sát chủ đề xuyên suốt phong trào thi đua của TAND các cấp: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” và triển khai có hiệu quả phong trào thi đua do Hội đồng Thi đua – Khen thưởng TAND tối cao phát động với khầu hiệu mỗi năm sát tình hình thực tế, với sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã đạt được những kết quả nổi bật như: Khẩu hiệu của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng TAND, năm 2015 “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động TAND các cấp thi đua lập thành tích chào mừng 70 năm ngày truyền thống TAND (13/9/1945 – 13/9/2015)”; Năm 2016 “Phát huy truyền thống vẻ vang, nêu cao tinh thần đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, Thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động TAND các cấp thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2016”... Ngoài việc triển khai các phong trào thi đua do Hội đồng Thi đua – Khen thưởng TAND phát động, các đơn vị còn tích cực tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, gắn các phong trào thi đua yêu nước với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tòa án nhân dân phát động thi đua năm 2016

Trong năm qua, nhiều cá nhân, đơn vị đạt thành tích cao đã được nhận Cờ thi đua của Chính phủ

Trong thời gian qua, việc tuyên truyền tập trung vào các chủ đề chính như: Văn hóa công sở, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải tiến lề lối làm việc theo hướng chuyên nghiệp... Có thể khẳng định hiệu quả sâu rộng của cuộc vận động đã có tác dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống TAND nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong toàn hệ thống, nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội.

Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến được quan tâm chỉ đạo và có nhiều chuyển biến rõ nét. Trong các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, nhiều điển hình tiến tiến. Công tác khen thưởng có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở, tăng cường khen thưởng cho người trực tiếp lao động, tập thể, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa. Đã bám sát các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị; khen thưởng đột xuất, thành tích đặc biệt xuất sắc được thực hiện kịp thời, đảm bảo tính biểu dương, tôn vinh. Hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND đã có nhiều đổi mới, tích cực tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng và phát động các phong trào thi đua trong toàn hệ thống TAND. Hoạt động của các cụm thi đua tiếp tục được duy trì, hiệu quả ngày càng được nâng cao. Việc ký kết và thực hiện giao ước thi đua giữa các đơn vị trong từng cụm, khối thi đua được tiến hành nghiêm túc với nội dung, tiêu chí phù hợp với thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ. 

Tuy nhiên, phong trào thi đua chưa phát triển đồng đều, liên tục, có nơi còn hình thức; một số phong trào thi đua chưa xác định rõ mục tiêu, tiêu chí cụ thể, chưa thực sự gắn với lợi ích của người lao động; chưa đi vào chiều sâu, còn lúng túng về đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức. Chất lượng công tác khen thưởng còn hạn chế, có những trường hợp chưa thật sự tiêu biểu nên sức lan tỏa không cao. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, cách làm có khi còn đơn điệu. Hội đồng Thi đua ¬ Khen thưởng các cấp chưa phát huy hết vai trò tham mưu, tư vấn cho cấp ủy đảng và chính quyền trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện chính sách, pháp luật về khen thưởng; chưa quan tâm kiểm tra, đôn đốc thường xuyên...

Trong những năm tới, quán triệt quan điểm Đại hội XII của Đảng, thực hiện Lời phát động thi đua của Thủ tướng Chính phủ tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, công tác thi đua, khen thưởng cần tiếp tục đổi mới về nội dung và hình thức nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Mục tiêu xuyên suốt của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng là phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết góp phần vào việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phong trào thi đua phải trở thành động lực to lớn, góp phần ổn định trật tự an ninh xã hội bền vững.

Để thực hiện được mục tiêu đó, các đơn vị cần chủ động tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, như sau:  

- Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng, tiếp tục quán triệt, tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng.

- Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phong trào thi đua yêu nước. Theo đó, công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước phải tập trung hướng về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách, giải quyết khâu yếu, mặt yếu, việc khó, việc mới để tổ chức phát động với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn; có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, chống hình thức.

- Đổi mới công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong tràothi đua yêu nước. Đây là một trong những nội dung trọng tâm của công tác thi đua, khen thưởng, đã và đang được thực hiện khá tốt. Trong thời gian tới, cần đổi mới hơn nữa, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Để làm được điều đó, các đơn vị cần nhận thức rõ: Việc xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước không chỉ có ý nghĩa động viên tinh thần, cổ vũ gương “người tốt, việc tốt”, mà còn tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, bảo đảm cho phong trào thi đua yêu nước đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực. Mặt khác, phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chí của tập thể và cá nhân điển hình làm cơ sở để phấn đấu, bình xét, bồi dưỡng, khen thưởng.

- Thực hiện tốt việc đổi mới công tác khen thưởng, bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch. Để làm được điều đó, các cơ quan, đơn vị phải bám sát Luật Thi đua, khen thưởng; thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Có biện pháp cụ thể để thực hiện khen thưởng thông qua việc phát hiện các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua. Chú trọng khen thưởng tập thể, người lao động, khen thưởng thành tích lao động sáng tạo; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất.

- Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước tôn vinh, tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến, góp phần hạn chế, đẩy lùi các mặt tiêu cực trong xã hội. Công tác thi đua, khen thưởng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin truyền thông mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về các phong trào thi đua, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, gương người tốt, việc tốt, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong hệ thống TAND.                                                                     

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án