Năm 2022, kinh tế - xã hội của Việt Nam đã phục hồi tích cực và đạt được những thành tựu quan trọng, đặc biệt vấn đề cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và môi trường đầu tư kinh doanh cũng được coi trọng và thu về kết quả nổi bật.
Nhiều điểm sáng
Được biết, cải cách TTHC có tác động rất lớn đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo tính minh bạch, loại bỏ những rào cản và cắt giảm chi phí khi thực hiện, từ đó củng cố môi trường kinh doanh và tăng chỉ số năng lực cạnh tranh.
Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15.7.2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030 cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030: “100% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỉ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 50% trở lên. Tối thiểu 90% thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương, có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, đồng thời, hoàn thành việc tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỉ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 80%... Môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu”.
Mô hình 5 thủ tục hành chính không chờ ở UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (Ảnh: Trang Nhi)
Cụ thể, công cuộc cải cách TTHC đặt ra các giải pháp, nhiệm vụ đa dạng, đồng bộ, trong đó có việc xử lý một cách căn cơ nguồn gốc xuất hiện các TTHC và tính công vụ trong thực hiện TTHC. Từ đó, nhận diện rõ hơn mối quan hệ giữa cải cách TTHC với cải cách thể chế và chế độ công vụ.Trong năm 2022, Cải cách TTHC được nhìn nhận rõ qua việc chuyển đổi số, mọi thủ tục hành chính đã được số hoá, hiện đại.
Trong tham luận gửi tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các văn bản quy định về văn hóa công vụ trong các cơ quan Nhà nước. Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về văn hóa công vụ trong Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm phù hợp với yêu cầu của bối cảnh tình hình mới.
Nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa phù hợp và khả thi là nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp, dẫn đến khó khăn cho địa phương trong giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh.
Bên cạnh các biện pháp đã được triển khai như xác định tiêu chuẩn công chức, viên chức, xác định và mô tả rõ vị trí việc làm, đổi mới trong thi tuyển và nâng ngạch, hạng công chức, viên chức, chuyển đổi vị trí công tác, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá việc thực thi nhiệm vụ... việc nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ là biện pháp thiết thực thúc đẩy những dự định cải cách được xây dựng dựa trên cơ sở nhận diện rõ nguyên nhân cản trở tiến trình cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính.
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Duy Đông cho biết, trên một số bảng xếp hạng năm 2022, thứ hạng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với năm 2021. Trình độ phát triển thị trường (thể hiện qua chỉ số Tự do kinh tế) đã tăng 6 bậc, từ vị trí 90 lên vị trí thứ 84. Phát triển du lịch và lữ hành (theo công bố của Diễn đàn kinh tế thế giới, tháng 5.2022) cải thiện 8 bậc so với năm 2019 (từ vị trí 60 lên vị trí 52).
Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá là nền kinh tế dẫn đầu về mức độ cải thiện hiệu quả chỉ số này. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc duy trì thứ hạng 86, nhưng điểm số có cải thiện.
Ở trong nước, chất lượng môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực so với những năm trước đây. Cụ thể, chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần năng động và sự ủng hộ với khu vực kinh tế tư nhân, chi phí không chính thức tiếp tục có xu hướng giảm trong hầu hết các lĩnh vực thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định trên thế giới khiến chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng; nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động; số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng, do đó kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.
Đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn (Ảnh: Trang Nhi)
Trong khi doanh nghiệp rất cần trợ lực từ những gói cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thì mức độ quan tâm của bộ, ngành, địa phương dường như chùng xuống; nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng.
"Việc cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng ngày càng thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh và đang đối mặt với nhiều biến động khó lường. Để tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp không thể thiếu và cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương" - Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ KH&ĐT kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần coi doanh nghiệp là trung tâm và thực hiện cải cách thể chế vì sự phát triển và khuyến khích sự sáng tạo của doanh nghiệp; coi cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên. Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm chi phí tuân thủ trên mọi lĩnh vực; gắn cải cách TTHC với xây dựng Chính phủ điện tử. Thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc…
Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nỗ lực tháo gỡ rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông nguồn lực trong xã hội nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Ở mức độ nhất định, doanh nghiệp và người dân cũng đã cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn nhằm phục hồi và phát triển.
Trên thực tế, bên cạnh kết quả đạt được thì đại diện CIEM cũng chỉ ra một số bất cập đáng chú ý về môi trường kinh doanh, nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi (nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường…) là nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp, dẫn đến khó khăn cho địa phương trong giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh.