Phóng sự - Ghi chép

Dạo bước biên thùy

T. Thành 19/06/2024 - 05:58

Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi đã từng lang thang qua nhiều vùng đất nằm dọc dài biên giới. Mỗi lần chạm cột mốc biên cương, nghe trong mờ tỏ đất trời, trong rì rào suối hát và lá rừng ngân rung, tôi hiểu rằng, cả ngàn năm qua, để đưa được những cột mốc minh định giang sơn lên trên những đỉnh cao ngút ngàn giữa rừng già sương giăng mây phủ là biết bao công khó nhọc của tiền nhân. Và giờ, những cột mốc vẽ lên dáng hình của Tổ quốc ấy đã và đang được lớp lớp cháu con bảo vệ, giữ gìn.

Tinh thần quật cường giữ đất

Chiều buông trên đỉnh Chư Mom Ray. Vầng mặt trời như vỡ trên những vạt cà phê chín đỏ. Đại ngàn Chư Mom Ray đã ôm ấp, che chở cho những đứa con Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng… của bà mẹ Tây Nguyên vĩ đại qua bao thăng trầm, tao loạn.

Kon Tum, mảnh đất nằm dưới chân Chư Mom Ray, nơi từng diễn ra nhiều trận đánh lớn trong kháng chiến, giờ đang hồi sinh, trỗi bật từng ngày. Từ hoang tàn đổ nát, từ đồng khô cỏ cháy, đồng bào các dân tộc đã và đang chung sức, đồng lòng để phủ lên những tàn tích chiến tranh một màu xanh no ấm.

anh-bai-dao-buoc-bien-thuy-3.jpg
Tác giả bên cột mốc biên giới ba nước ở Bờ Y, Ngọc Hồi, Kon Tum.

Vào những năm kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, nhân dân các dân tộc của tỉnh Kon Tum đã cử những trai tráng khỏe mạnh nhất của làng tham gia cách mạng, lên rừng hoạt động và chiến đấu dũng mãnh, kiên cường. Bám biên cương, thanh niên các bản làng nơi đây không phân biệt dân tộc, thành phần đều trở thành những chiến sĩ giao liên cắt rừng đưa quân giải phóng đến nơi an toàn, trở thành những dân công hỏa tuyến có sức gùi nặng, bước đi vững trên những nẻo đường cheo leo, tiếp vũ khí, đạn dược cho bộ đội.

Đến 16/3/1975, khi Kon Tum hoàn toàn giải phóng, hệ thống Đồn, Trạm Biên phòng trên tuyến biên giới dài trên 280km giáp với hai nước Lào và Campuchia được Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang bắt đầu triển khai xây dựng. Và để đưa được những tảng đá, cột mốc minh định giang sơn lên trên những đỉnh cao ngút ngàn giữa rừng già sương giăng mây phủ là biết bao công khó nhọc của nhiều thế hệ, nhiều đời người. Và để giữ gìn bảo vệ những cột mốc vẽ lên dáng hình của Tổ quốc ấy không thể không nhắc đến công sức của đồng bào các dân tộc vùng biên.

Giờ, nếu muốn nghe những câu chuyện giữ đất biên thùy của đồng bào các dân tộc đang sinh sống ở Kon Tum, hẳn phải kể từ hoàng hôn, thâu đêm tới sớm mai bên những bếp lửa của người già, trong lớp học của trẻ thơ, ngoài cánh đồng đang nhân rộng mô hình canh tác mới... Bởi dẫu thác có đổ ầm ào tung bọt trắng trôi xuôi, mây biên giới có lang thang khắp ngả thì chỉ có những cột mốc biên giới vẫn sừng sững, không hề suy chuyển. Những hàng số hiệu trên cột đá xám lạnh theo thời gian luôn tươi đỏ vì được tô sơn hàng năm là minh chứng rõ nét nhất thể hiện trách nhiệm và tinh thần quật cường giữ đất của quân dân vùng đất ngã ba biên.

Trên biên giới Kon Tum, tôi đã gặp hàng trăm già làng cựu chiến binh – những “cột mốc sống vùng biên” thuộc các dân tộc Ba Na, Gia Rai, Rơ Măm, B’râu... Họ đã dành tuổi trẻ cho cách mạng, giờ đây là “rường cột” trong việc xây dựng thôn làng no ấm, tham gia tích cực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Ví dụ như già Thao Pem, Thao Linh, Thao Long hay già Y Pan – “Người phụ nữ tiên tiến” ở xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi), nơi có cột mốc biên giới ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia.

Già Y Pan kể, xưa kia cả xã chỉ có vài trăm đồng bào, chủ yếu là người B’râu sinh sống. Tuy cuộc sống đói khổ, số lượng dân cư ít ỏi là vậy, nhưng những người dân B’râu hiền lành, thương khó đã cùng “đất nước đứng lên” chống lại kẻ thù xâm lược.

Những nếp nhà B’râu là nơi che giấu cho bộ đội cách mạng vượt qua bao cuộc truy lùng, tìm diệt gắt gao của giặc; nhiều thanh niên B’râu đã tạm biệt buôn làng để theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau ngày đất nước thống nhất, họ trở lại với bản làng mình, trở thành những hạt giống nòng cốt trong việc đưa dân tộc mình vượt qua gian khó.

Từ nhỏ, già Y Pan đã đi làm liên lạc rồi được tập kết ra Bắc học làm y tá rồi lại trở về phục vụ tại chiến trường B3 (Tây Nguyên). Sau khi nghỉ hưu, già Y Pan về lại làng bản của mình và bắt tay vào các hoạt động vì cộng đồng như tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch, tuyên truyền về những tác hại của hôn nhân cận huyết thống, vận động nếp sống mới, ăn ở vệ sinh văn minh tiến bộ và bảo tồn và phát huy những phong tục tốt.

Già cùng với các đoàn thể của xã, thôn tuyên truyền để bà con thấy cần phải giữ vững an ninh biên phòng nơi vùng biên giới; không nghe lời tuyên truyền xằng bậy của kẻ xấu và luôn giữ gìn sự đoàn kết, hòa hợp các dân tộc cộng cư quanh mình…

Cách nhà già Y Pan một thôi đường, là cột mốc 3 cạnh, nằm trên quả đồi Tròn, có trồng rất nhiều cây xà nu. Cũng không biết tại sao, ở vùng đất có độ cao đến 1.086 mét so với mực nước biển, thời tiết khốc liệt như Bờ Y mà cây nào cây nấy vẫn sừng sững, hiên ngang, bất chấp sương rừng gió núi. Nhìn sức sống dẻo dai, mãnh liệt của cây không khỏi khiến người ta liên tưởng đến ý chí quật cường, lòng dạ kiên trung của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống dọc miền biên ải.

“Nơi hiểm yếu sáng tình đất nước”

Gia Lai là tỉnh có 90km đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia, trải dài trên địa bàn các xã Ia O, Ia Chía, thuộc huyện Ia Grai; xã Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn thuộc huyện Đức Cơ; xã Ia Púch, Ia Mơ thuộc huyện Chư Prông.

anh-bai-dao-buoc-bien-thuy-1(1).jpg
Già Y Pan trò chuyện cùng Bộ đội Biên phòng.

Trải triệu năm kiến tạo của địa hình, Gia Lai được ví như miền huyền thoại của Bắc Tây Nguyên với hệ thống núi rừng, sông hồ mang vẻ đẹp hoang sơ, khoáng đạt. Nhiều danh thắng ở đây như sôn Sê San - dòng sông ánh sáng, Biển Hồ, núi lửa Chư Đăng Ya, núi Hàm Rồng, thung lũng làng Ốp, thác Chư Sê... là những cảnh sắc thiên nhiên hiếm gặp của vùng đất Nam Trường Sơn. Vùng đất này là địa bàn cư trú lâu đời của cộng đồng các các dân tộc Jrai, Ba Na…

Theo lý giải của các nhà nghiên cứu, nguồn gốc tên gọi Gia Lai bắt nguồn từ chữ Jarai, tên gọi của dân tộc có số lượng dân cư chiếm ưu thế trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng đất này, có nghĩa là vùng đất của người Jarai.

Dân tộc có số dân lớn thứ hai ở Gia Lai là Bahnar, cư trú tập trung ở phía Đông cao nguyên Pleiku thuộc địa bàn các huyện Mang Yang, Đăk Đoa, Chư Păh, Kbang... Cũng như người Jarai, đồng bào Bahnar ở Gia Lai tự hào có Anh hùng Núp, Anh hùng Wừu... - những người con yêu nước, thể hiện khí phách của các dân tộc Tây Nguyên.

“Nơi hiểm yếu sáng tình đất nước”, Gia Lai đi vào sử sách, đi vào những bài học của lòng yêu nước với Làng kháng chiến Stơr, là ngọn nguồn của vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, hoặc những địa điểm ghi dấu trong kháng chiến chống kẻ thù xâm lược như Chiến thắng đường 7 sông Bờ, Chiến thắng Đak Pơ...

Viết tiếp trang sử hào hùng mà cha ông để lại, giờ đồng bào các dân tộc Gia Lai đã và đang dốc sức bảo vệ cương thổ quốc gia. Chẳng thế mà suốt bao năm qua, trải nhiều biến cố nhưng những cột mốc trên toàn tuyến biên giới vẫn thi gan cùng tuế nguyệt, vững vàng khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Có thể đồng bào ở những nơi phên giậu vẫn còn nghèo, còn thiếu ăn thiếu mặc, song lúc nào họ cũng có thể tự hào vì truyền thống giữ đất, giữ nước ngàn đời của ông cha.

Trong phong trào giữ gìn đường biên cột mốc, không thể không nhắc đến vai trò của 995 già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số Gia Lai. Họ thực sự là “cánh tay nối dài” từ chính quyền đến nhân dân. Bên cạnh việc giữ gìn phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, với vai trò là “những cánh chim đầu đàn”, họ đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay bảo vệ biên cương cũng như thay đổi tư duy, phương thức sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, phát triển đời sống kinh tế, ngày càng giàu mạnh.

Già KSor H’BLâm (SN 22/12/1945) ở xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Mình đã từng tham gia cách mạng từ khi mới 17-18 tuổi, từng trực tiếp cầm súng chiến đấu ở mặt trận B3, thế nên mình hiểu được giá trị của độc lập, tự do. Đất nước vẹn toàn như ngày hôm nay, cha ông mình đã phải đổ quá nhiều máu xương. Mình vẫn luôn động viên con cháu, họ hàng, dân bản là phải cùng nhau giữ gìn thành quả đó bằng mọi giá, không nghe theo lời kẻ xấu, chăm lo lao động sản xuất để có cuộc sống tốt hơn. Kể từ khi thấy đường biên, mốc giới được phân định rõ ràng, mình với bà con vui lắm và luôn động viên nhau tích cực bảo vệ, giữ gìn”…

Có ai đó đã nói rằng, không đường biên, ranh giới, vật liệu hữu hình nào bền chắc bằng đường biên giới, cột mốc trong lòng dân. Và quả thật, không chỉ Kon Tum, Gia Lai, mà ở bất cứ vùng đất phên giậu nào của Tổ quốc, đồng bào các dân tộc đã và đang cùng nhau chung sức, đồng lòng dựng lên “bức tường thành vững chắc” để bảo vệ cho biên cương vẹn tròn một dải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dạo bước biên thùy