Đánh cắp dữ liệu của khách hàng có vi phạm pháp luật?

LS Kiều Trang| 27/09/2021 09:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.

Hỏi: Qua thông tin trên báo chí, tôi được biết tại Hà Nội, có trường hợp nhân viên FPT shop đã đăng nhập vào tài khoản mạng xã hội của khách hàng, tải các dữ liệu riêng tư từ máy tính của khách về điện thoại cá nhân khi chưa được khách hàng cho phép. Hành vi này có vi phạm pháp luật?

Nguyễn Thị Hoài, Ba Đình, Hà Nội.

du-lieu-ca-nhan.jpg
Ảnh minh họa

Trả lời: Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc nhân viên của FPT shop tự ý đăng nhập vào các tài khoản mạng xã hội của khách hàng khi chưa được sự đồng ý của khách, sau đó tải các dữ liệu nhạy cảm về máy điện thoại riêng của mình là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Hành vi truy cập trái phép vào thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 30 tới 50 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 80 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 03/02/2020. Mức phạt trên áp dụng đối với đối tượng là tổ chức, mức phạt đối với cá nhân bằng ½ mức phạt với tổ chức theo quy định khoản 3 điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, hành vi của nhân viên FPT nêu trên có dấu hiệu vi phạm điều 289 Bộ luật Hình sự 2015, tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. Điều luật quy định: Người nào cố ý sử dụng quyền quản trị của người khác xâm nhập trái phép vào phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; lấy cắp dữ liệu thì bị phạt tiền từ 50 đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp, người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi vi phạm thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Bên cạnh hình phạt chính thì Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh cắp dữ liệu của khách hàng có vi phạm pháp luật?