Bố dùng tài sản thừa kế của ông nội chia cho con riêng có đúng quy định?

LS Trương Quốc Hòe| 21/09/2021 08:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nếu trong di chúc của ông bà của bạn thể hiện rõ việc để lại thừa kế cho bố mẹ của bạn thì sau khi ông bà bạn qua đời, di sản là căn nhà này sẽ trở thành tài sản chung của bố mẹ bạn.

Hỏi: Bố em và mẹ em đã ly dị, có 2 người con chung là em và em gái em. Hiện bố em đã lấy vợ mới và có con trai. Trước khi đi bước nữa bố mẹ em được hưởng 1 ngôi nhà hiện đang ở từ di chúc của ông bà nội em. Ông bà nội em mất đã để di chúc lại cho bố mẹ em (ông bà chỉ có mình bố em thôi). Hiện giờ bố em đã quyết định sau khi ông mất sẽ để lại căn nhà này cho con trai của bố em và vợ hai. Vậy cho em hỏi sau này có phải sau khi bố mất 2 chị em em sẽ không được hưởng thừa kế căn nhà nữa? Em gái em bị bệnh và không có khả năng lao động thì có được hưởng 1 phần nhỏ dù không có tên trong di chúc sau này của bố em không? Xin cảm ơn.

Nguyễn Thị Mai, Sóc Sơn, Hà Nội

tai-san-thua-ke.jpg
Ảnh minh họa

Trả lời: Dựa trên căn cứ bạn đã nêu, chúng tôi tư vấn những quy định của pháp luật như sau:

Như thông tin bạn cung cấp thì nguồn gốc căn nhà là di sản thừa kế của ông bà nội của bạn để lại cho bố mẹ bạn theo di chúc.

Do bạn không nêu rõ bố mẹ bạn ly hôn năm bao nhiêu nên căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 (được hướng dẫn bởi Điểm 3 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP) và Khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (được hướng dẫn bởi Điều 9, Điều 10 Nghị định 126/NĐ-CP) thì tài sản chung của vợ chồng gồm:

+ Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh,

+ Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

+ Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, nếu trong di chúc của ông bà của bạn thể hiện rõ việc để lại thừa kế cho bố mẹ của bạn thì sau khi ông bà bạn qua đời, di sản là căn nhà này sẽ trở thành tài sản chung của bố mẹ bạn.

Pháp luật hôn nhân và gia đình cũng đã có quy định tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì phải đứng tên hai vợ chồng. Trường hợp trên GCNQSDĐ chỉ đứng tên một người mà phát sinh tranh chấp thì người có tên trên GCN phải chứng minh đó là tài sản riêng của mình nếu không chứng minh được thì coi đó là tài sản chung.

Câu hỏi của bạn là sau khi bố bạn mất thì hai chị em bạn có được hưởng căn nhà trên hay không. Như đã phân tích ở trên, bố mẹ bạn là đồng sở hữu ngồi nhà này. Do đó, bố bạn chỉ có quyền định đoạt (chuyển nhượng, tặng cho, để lại thừa kế, góp vốn) đối với 1/2 giá trị ngôi nhà trên. 1/2 căn nhà thuộc quyền sở hữu của mẹ bạn.

Về việc người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.

Theo như bạn trình bày thì em của bạn hiện bị mất khả năng lao động. Do đó, căn cứ theo quy định tại Điều 644 BLDS 2015 thì em của bạn vẫn sẽ được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật trong trường hợp bố bạn không để lại tài sản cho em bạn.

Nếu sau khi bố bạn qua đời mà trong di chúc của mình ông định đoạt toàn bộ căn nhà cho con trai riêng của mình với bà vợ thứ hai thì di chúc đó bị vô hiệu. Bạn có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu tòa án tuyên di chúc bị vô hiệu và đề nghị tòa án phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bố dùng tài sản thừa kế của ông nội chia cho con riêng có đúng quy định?