Đánh bom ở St. Petersburg: Đòn trả thù của IS dành cho nước Nga và Tổng thống Putin?

Nhật Minh| 06/04/2017 14:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiện vẫn chưa có nhóm nào đứng ra chịu trách nhiệm về vụ tấn công kinh hoàng ở TP. St Petersburg hôm 3/4. Có không một bàn tay Kiev, phương Tây, phiến quân ly khai Chechnya, hay chính là những kẻ sẵn sàng "tử vì đạo" IS?

Chiều 3/4 (giờ địa phương), một vụ nổ đã xảy ra ở đoạn giữa hai ga tàu điện ngầm Sennaya và Viện Công nghệ, thành phố St. Petersburg làm rúng động nước Nga và toàn thế giới. Trong khi đó, lực lượng chức năng đã phát hiện và vô hiệu hóa một quả bom tự tạo, kịp thời ngăn chặn một vụ nổ khác có thể xảy ra tại trạm Nevsky.

14 người thiệt mạng và 49 người bị thương là những con số thương vong được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ở quê nhà và có cuộc gặp với Tổng thống Belarus.

Thế nhưng, khi vụ nổ xảy ra, ngay trong đêm 3/4, Tổng thống Putin đã tổ chức cuộc họp khẩn với các cơ quan an ninh và các lực lượng hữu trách để cập nhật thông tin. Sau đó, ông đến đặt hoa tại một trong những khu vực tưởng niệm ở St. Petersburg vào sáng sớm 4/4.

Đánh bom ở St. Petersburg: Đòn trả thù của IS dành cho nước Nga và Tổng thống Putin?

Hiện trường vụ đánh bom ga tàu điện ở St. Petersburg hôm 3/4.

Ủy ban điều tra của Nga đã mở một cuộc điều tra hình sự về vụ tấn công. Qua các mảnh thi thể của kẻ tình nghi được tìm thấy ở hiện trường, các điều tra viên xác định kẻ đánh bom tàu điện ngầm ở St. Pertersburg là một người gốc Cộng hòa Kyrgyzstan, thuộc Liên Xô cũ, tên Akbarjon Djalilov có tuổi đời rất trẻ, sinh năm 1995. Được biết, phía Kyrgyzstan đã nhận được yêu cầu xác định danh tính nghi can từ các cơ quan an ninh Nga và hiện đang "duy trì liên lạc với các mật vụ Nga để điều tra thêm”, truyền thông nước này cho hay.

Các chuyên gia Nga nhận định đây là một vụ tấn công được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Trong phân tích của mình, một chuyên gia đã đặc biệt chú ý đến sự xuất hiện của yếu tố “vụ tấn công thứ hai bất thành”.

“Có thể nói chắc rằng vụ tấn công hôm thứ Hai là một hành động có chủ đích được chuẩn bị kỹ càng. Những hành động man rợ này một lần nữa cho thấy mục tiêu chính của những kẻ khủng bố là thổi bùng nỗi sợ và bất ổn cũng như gây rối loạn xã hội”, hãng thông tấn Sputnik dẫn nhận định của chuyên gia Boris Gryzlov cho hay.

Hiện vẫn chưa có nhóm nào đứng ra chịu trách nhiệm về vụ tấn công kinh hoàng nói trên. Tuy nhiên, khá nhiều ý kiến được đưa ra ngay sau khi vụ nổ xảy ra ít phút đều nhắm tới bối cảnh Moscow chuẩn bị kỷ niệm 3 năm ngày Crimea sáp nhập trở lại Liên bang Nga. Theo đó, những phần tử giấu mặt ở Ukraine hoặc các nước phương Tây “thù địch” với Nga được liệt vào diện tình nghi.

Đối tượng thứ hai mà giới phân tích xem là đối tượng tình nghi “nặng ký” nhất là những phần tử ly khai Chechnya. Xét về yếu tố lịch sử, Moscow phát động cuộc chiến chống lại lực lượng ly khai Chechnya từ thế kỷ 19; và trong thực tế, lực lượng này từ lâu vẫn là chủ mưu gây ra hàng loạt vụ khủng bố tại Nga. Điển hình vào năm 2002, các chiến binh Chechnya đột kích một nhà hát ở Moscow, bắt giữ hàng trăm con tin, khiến 130 người thiệt mạng.

Đến năm 2004, những tay súng Chechnya đánh bom một ga tàu điện ngầm tại thủ đô của Nga, cướp đi sinh mạng 39 người. Cùng năm, các tay súng Chechnya bắt giữ hàng trăm học sinh làm con tin tại một ngôi trường ở Beslan, Bắc Ossetia-Alania. Vụ việc khiến 300 người thiệt mạng.

Chưa hết, vào năm 2009, dưới sự chỉ đạo của một nhóm cực đoan Hồi giáo, lực lượng ly khai Chechnya đã tiến hành đánh bom tự sát đường ray tàu cao tốc nối giữa St. Petersburg và Moscow, khiến 28 người chết.

Thế nhưng, nếu phân tích tình hình thế giới hiện nay, khi mà tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang bị thất thế trên mặt trận Trung Đông (nhất là Syria, Iraq), thì IS rất có thể chính là đối tượng gây ra vụ nổ ở St. Petersburg hôm 3/4.

Hẳn cộng đồng quốc tế không thể quên sự kiện kinh hoàng xảy ra vào ngày 31/10/2015, khi một máy bay chở khách Nga đang trong hành trình từ Sinai, Ai Cập về St. Petersburg thì bị nổ tung. Vụ đánh bom khiến tất cả 224 người có mặt trên chuyến bay thiệt mạng. Và sau đó thì chính những phần tử khủng bố IS đã “ăn mừng” vụ tấn công trên cả tạp chí bằng tiếng Anh lẫn tạp chí bằng tiếng Nga của nhóm!

Nhóm này đã gây ra hàng loạt vụ khủng bố trên toàn cầu và từng tuyên bố chống lại Nga trong các video tuyên truyền. Trong bối cảnh IS đang hứng chịu nhiều thất bại nặng nề trên chiến trường Iraq và Syria, việc các chiến binh thuộc tổ chức này tìm cách trở về Nga để gây ra những vụ tấn công khủng bố đẫm máu cũng là điều dễ hiểu, giới phân tích đánh giá.

Và một điều chắc chắn còn dễ hiểu hơn nữa là IS căm thù Nga bởi đã dành sự ủng hộ cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad; và minh chứng có thể xem là rõ ràng và cụ thể nhất - lý do ai cũng có thể nhìn thấy - đó là việc chính Tổng thống Putin đã quyết định mở chiến dịch không kích tại Syria nhằm chống lại IS và gây tổn thất nặng nề cho tổ chức khủng bố này suốt thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh bom ở St. Petersburg: Đòn trả thù của IS dành cho nước Nga và Tổng thống Putin?