Xã hội

Đăng kiểm “vượt bão”, thay đổi để lấy lại niềm tin

31/05/2024 10:44

Với những quyết sách táo bạo, kịp thời, cùng quyết tâm và danh dự nội tại, ngành đăng kiểm đã được vực dậy, ổn định lại hệ thống trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trước nguy cơ sụp đổ hệ thống do hàng loạt đơn vị sai phạm.

b3.png

Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) khẳng định, công tác kiểm định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới là quy định bắt buộc đối với các loại phương tiện cơ giới đường bộ khi lưu thông trên đường, nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân tài xế và cả những người tham gia giao thông khác. Vậy nhưng, không ít người vẫn mang tâm lý muốn các đơn vị đăng kiểm bỏ qua các lỗi, khiếm khuyết của phương tiện nên đã có các hành vi “lách luật” thuê, mượn phụ tùng, tác động, hoặc có các hành vi tiêu cực để đơn vị đăng kiểm “bỏ qua”… Và việc hàng loạt trung tâm đăng kiểm (TTĐK), đăng kiểm viên dính sai phạm trong thời gian vừa qua thực sự là bài học xương máu đối với ngành đăng kiểm.Bài học xương máu

tit1(1).png

Việc điều tra sai phạm trong công tác đăng kiểm khởi nguồn từ tháng 12/2022, khi Công an TP.HCM tiến hành khám xét hàng loạt TTĐK ở ven Sài Gòn và các tỉnh miền Tây. Ngày 18/12/2022, 18 người đầu tiên bị khởi tố để điều tra về tội Đưa, Nhận, Môi giới hối lộ và Giả mạo trong công tác. Bộ Công an thông báo sai phạm của những người này bị phát hiện sau khi Cảnh sát giao thông TP.HCM lập biên bản một số xe tải có giấy đăng kiểm được cấp sai quy định, chênh lệch về kích thước thùng hàng.

“Có thể coi đây là vụ Việt Á trong hoạt động đăng kiểm”, Trung tướng Tô Ân Xô nhận định ngày 03/3/2023. Và việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trước đó thống nhất bổ sung vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã cho thấy tính chất nghiêm trọng của sự vụ. Cáo trạng của VKSND TP.HCM ban hành ngày 22/4/2024, đã truy tố 254 bị can; trong đó, 132 người về tội “Nhận hối lộ”, 53 người bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”, 5 người bị truy tố về tội “Môi giới hối lộ” và 10 người bị truy tố về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Theo tài liệu của Cơ quan điều tra, hai cựu Cục trưởng Cục ĐKVN là Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà chính là người đã đề ra chủ trương để cấp dưới dung túng sai phạm, và hàng tháng nhận hối lộ từ cấp dưới. Cụ thể, ông Đặng Việt Hà bị cáo buộc Nhận hối lộ của các trung tâm tổng cộng 40 tỷ đồng để bỏ qua sai phạm, hưởng lợi cá nhân hơn 9 tỷ; ông Trần Kỳ Hình bị truy tố tội Nhận hối lộ tổng cộng hơn 6,5 tỷ đồng, 23.000 USD, và tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ... Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu hồi, tạm giữ tổng cộng hơn 43 tỷ đồng và 118.800 USD cùng nhiều tài sản khác để khắc phục hậu quả.

“Đại án” tiêu cực trong đăng kiểm được đánh giá là vụ tham nhũng có tổ chức, hành vi có hệ thống, xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, Phòng kiểm định xe cơ giới đến giám đốc nhiều trung tâm. Việc điều tra, phát hiện các hành vi sai phạm trong đăng kiểm này vừa có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ đối với toàn thể cán bộ, công nhân viên trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới, vừa góp phần làm rõ những lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước một hoạt động kỹ thuật nhưng có tính xã hội rất cao này.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chiều ngày 08/3/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc điều tra, xử lý của Bộ Công an trong hoạt động đăng kiểm là hết sức cần thiết và kịp thời trong bối cảnh phương tiện giao thông mất an toàn, công tác quản lý về phương tiện giao thông bị buông lỏng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và tính mạng của người tham gia giao thông.

pho-thu-tuong-tran-hong-ha-18415324.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo các cơ quan sớm đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm bất cập trong công tác đăng kiểm và không được làm ảnh hưởng đến người dân. Ảnh: VGP

Theo Phó Thủ tướng, trong một thời gian dài, việc xã hội hóa đã huy động được nguồn lực bên ngoài bước đầu đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ công về kiểm định. Tuy nhiên, việc thực hiện kiểm định, hoán cải phương tiện giao thông vận tải chưa được quản lý chặt chẽ đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật, quy định pháp luật. Vì vậy, chuyên án của Bộ Công an góp phần chấn chỉnh, lập lại trật tự trong lĩnh vực đăng kiểm, nâng cao niềm tin của người dân. Việc này cho thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như những bất cập trong mô hình xã hội hóa hoạt động đăng kiểm.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng quán triệt: “Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là cung cấp dịch vụ công cho người dân. Vì vậy, trong khi giải quyết, xử lý những yếu kém của cơ quản lý nhà nước, phải tìm giải pháp tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân”.

tit1-2-.png

Trao đổi với báo chí trưa ngày 12/01/2023, ông Nguyễn Tô An - Phó cục trưởng Cục ĐKVN đã nói những lời gan ruột, sự việc xảy ra lĩnh vực đăng kiểm là “cơn bão, sóng thần”, “để lại hậu quả sâu sắc và đau đớn với những thành quả của bao nhiêu lớp người đã gây dựng”. “Chúng tôi phải có trách nhiệm xây dựng lại. Cục Đăng kiểm sai thì phải sửa, ai có tội phải chịu, nhưng không thể cào bằng. Trong tập thể hàng ngàn con người không phải ai cũng sai, mọi người rất đau lòng, tổn thương”, ông nói.

nguyen-to-an.jpg
Ông Nguyễn Tô An - Phó cục trưởng Cục ĐKVN

Tuy nhiên, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng bày tỏ quyết tâm: “Chúng tôi sẽ xây dựng toàn diện một hệ thống mới cho lĩnh vực đăng kiểm để đảm bảo công khai minh bạch, hạn chế thấp nhất tiêu cực có thể xảy ra, thuận tiện cho người dân. Nhưng tất cả không phải thực hiện được ngay một lúc. Triển khai được đến đâu chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện trong thời gian sớm nhất. Cơ quan đăng kiểm phải khắc phục những cái sai, cải cách bộ máy, xây dựng văn hóa mới để rửa vết nhơ này, lấy lại niềm tin của người dân”.

nguyen-chien-thang.jpg
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Tại buổi tổng kết hoạt động đăng kiểm vào chiều 16/01/2023, Bộ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng những sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm đã để lại hậu quả đau xót. Theo ông, để vượt qua, không còn con đường nào khác, Cục ĐKVN phải nhìn thẳng vào sự thật, tự soi tự sửa, vấp ngã phải đứng dậy… Trước mắt, người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu lãnh đạo Cục Đăng kiểm phải nhận thức sâu sắc về các sai phạm. Thay vì tìm cách trốn tránh, ngành phải thẳng thắn nhận trách nhiệm và nghiêm túc sửa chữa, theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa”.
Và tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Cục ĐKVN diễn ra hồi đầu năm nay, cùng với việc một lần nữa thẳng thắn nhìn nhận những biến cố, sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng mạnh dạn chỉ ra những việc mà ngành đăng kiểm đã làm được để vượt qua sóng gió, thay đổi, từng bước lấy lại niềm tin của nhân dân.

bo-truong-thang.jpg
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Cục ĐKVN. Ảnh: Tạ Hải

Bộ trưởng cho biết, với những quyết sách táo bạo, kịp thời, cùng quyết tâm và danh dự nội tại, ngành đăng kiểm đã được vực dậy, ổn định lại hệ thống TTĐK xe cơ giới trước nguy cơ sụp đổ hệ thống do hàng loạt đơn vị sai phạm. Cụ thể, Cục ĐKVN đã khắc phục triệt để tình trạng “khủng hoảng đăng kiểm” xe cơ giới trên phạm vi cả nước. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, có giai đoạn tưởng chừng không thể vượt qua nhưng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, sự quyết tâm của Cục ĐKVN, của các TTĐK đã nhanh chóng sửa chữa khuyết điểm, đưa hoạt động đăng kiểm từng bước ổn định.
Điển hình, Cục ĐKVN đã triển khai mạnh mẽ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm, đúng hẹn; kết quả giải quyết TTHC đạt và vượt so với yêu cầu. Công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số được thực hiện khoa học, nghiêm túc, đã đưa vào vận hành phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho 32 trung tâm hành chính, nâng tổng số TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên 50 thủ tục. Công tác đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, đặc biệt công tác tập huấn đào tạo, đánh giá đăng kiểm viên được đẩy mạnh với 23 lớp tập huấn nghiệp vụ trong các lĩnh vực đường bộ, đường thuỷ; tổ chức 30 đợt đánh giá cho gần 500 đăng kiểm viên xe cơ giới, công nhận mới 287 đăng kiểm viên, 272 đăng kiểm viên bậc cao để kịp thời bổ sung nhân lực cho các đơn vị, TTĐK.

Trong năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị Cục ĐKVN tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động gắn với công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; chủ động trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để đảm bảo lực lượng lao động, đăng kiểm viên phục vụ công tác kiểm định phương tiện của người dân, doanh nghiệp, tránh bị động đội ngũ đăng kiểm sau khi các vụ án đăng kiểm được đưa ra xét xử.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong hoạt động đăng kiểm, tập trung kiểm tra, giám sát hoạt động đăng kiểm tại các đơn vị đăng kiểm trên toàn quốc, tiếp tục sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, nhất là tình trạng bỏ hạng mục công đoạn kiểm tra, kiểm tra không đúng quy trình, đánh giá không đúng tình trạng kỹ thuật phương tiện… Bộ trưởng cũng đề nghị các Vụ, Cục của Bộ phối hợp chặt chẽ với Cục ĐKVN để Cục này sớm hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để Cục ĐKVN hoạt động ổn định trở lại, bài bản hơn và bền vững.

Mới đây, TAND TP.HCM đã ban hành quyết định đưa "đại án" đăng kiểm ra xét xử sơ thẩm. Theo đó, phiên tòa kéo dài trong 3 tháng, từ ngày 18/7 - 18/10. Vụ án được xét xử công khai tại trụ sở TAND TP HCM và trại giam Chí Hòa (huyện Củ Chi, TP.HCM). Phiên tòa được xét xử trực tiếp tại trụ sở TAND TP.HCM và kết hợp truyền dẫn hình ảnh, âm thanh với điểm cầu trại giam Chí Hòa - T30, Công an TP.HCM, huyện Củ Chi.

Ông Phạm Ngọc Duy, Chánh văn phòng TAND TP.HCM cho biết, đây là vụ án có số lượng người tham gia đặc biệt lớn nên công tác chuẩn bị cho phiên xử đã được tòa lên kế hoạch và phối hợp với các đơn vị liên quan để đảm bảo phiên tòa diễn ra xuyên suốt, an toàn trong thời gian dài. Đặc biệt, do tính chất đặc biệt của vụ án, nên HĐXX sẽ tiến hành xét hỏi, thẩm tra đối với từng nhóm tội danh, nhóm hành vi. Khi đến lịch thẩm tra, xét hỏi đối với nhóm bị cáo nào thì nhóm đó sẽ được trích xuất, dẫn giải đến Tòa để thẩm vấn trực tiếp. Các bị cáo thuộc nhóm còn lại sẽ được theo dõi phiên xử qua đường truyền.

Thực hiện: Lâm Thanh - Ý Thơ
Trình bày: Thanh Trà

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đăng kiểm “vượt bão”, thay đổi để lấy lại niềm tin