Lâu nay, Sình ca đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần, được xem là “biểu tượng văn hóa” của dân tộc Cao Lan.
Cũng giống như nhiều thể loại dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số khác, Sình ca thường được dùng nhiều vào mỗi dịp lễ hội hoặc Tết đến, Xuân về.
Nghệ nhân Sầm Dừn trong một buổi tập của Đội văn nghệ Sình ca
Truyền thuyết Lưu Ba
Trong tiếng Cao Lan, Sình ca hay còn gọi là “Sịnh ca”, “Sềnh ca”, có nghĩa là “thần”, là “chúa”. Xung quanh loại hình văn hóa hết sức đặc sắc này, có một truyền thuyết kể rằng, xưa kia, ở một ngôi làng nọ dưới chân núi vắng, có hai anh em mồ côi sống nương tựa vào nhau. Ngày ngày, anh trai đi nương, cô em gái Lưu Ba tha thẩn trông nhà. Để đỡ ngóng trông anh, cô thường hát vu vơ, lời bài hát là những câu từ mà cô chợt nghĩ ra. Theo thời gian, càng lớn Lưu Ba càng xinh đẹp, hát hay.
Rồi người anh trai lấy vợ, nhưng không may vợ anh lại là người tham lam và nhiều lòng đố kỵ. Ghen ghét với cô em chồng xinh đẹp lại hát hay, bà chị dâu liên tục tìm cách hãm hại Lưu Ba. Cô ta không chỉ bắt Lưu Ba quần quật sớm tối với chuyện nương rẫy, mà còn đùn đẩy hầu hết việc nhà cho cô em chồng tội nghiệp. Anh Lưu Ba biết nhưng không làm gì được, vì anh nổi tiếng là người sợ vợ và nhu nhược.
Dẫu luôn bị chị dâu hành hạ, dẫu quần quật nắng mưa, nhưng có một điều lạ là nhan sắc của Lưu Ba càng ngày càng rực rỡ, tiếng hát của cô ngày càng bay bổng vang xa. Trong một lần trốn nhà đi xem hội, nàng đem lòng yêu một chàng trai cùng bản. Chàng trai đó tuy nghèo, nhưng lại có giọng hát “trong veo như con chim đầu bản”. Già, trẻ bản gần làng xa nghe hát của đôi trẻ quên cả lên nương, ra đồng, người già quên cả giã cối trầu. Tiếng hát của hai người cứ nối nhau cất lên, quyện vào nhau vang vọng đêm khuya, làm cho người già quên ngủ, người trẻ lẩm nhẩm học theo. Nhiều người thuộc nhiều câu, chắp lại thành những đêm hát.
Nhưng rồi, Lưu Ba bị anh chị ép gả cho con một nhà chúa đất giàu có. Sợ nàng hát lên những lời phản kháng nên khi tiễn em về nhà chồng, người anh đưa cho nàng chiếc kéo đã buộc chỉ, dặn rằng, hễ bao giờ chiếc kéo mở ra nàng mới được nói. Suốt ba năm ở nhà chồng, nàng làm người câm điếc, trong lòng luôn nhớ đến người yêu, ấp ủ hàng ngàn lời ca yêu thương.
Một lần cùng cô em chồng ra suối gánh nước, Lưu Ba bỏ trốn. Nàng đi hết bản này sang bản khác hát những bài ca mình làm ra, truyền những bài ca ấy cho trai gái dân tộc Cao Lan khắp mọi miền để những mong khi nghe được lời ca ấy, chàng trai năm xưa sẽ tìm cách gặp nàng. Niềm mong mỏi ấy đã thôi thúc Lưu Ba vượt trăm suối ngàn đèo, hát vang những lời yêu thương qua ngày qua tháng.
Đến một ngày kia, trước mặt nàng hiện ra con suối nước trong xanh, hỏi thì biết tên là suối Chín Khúc. Người già cũng nói cho nàng biết, từ độ nàng lấy chồng, chàng người yêu đến tu và viên tịch bên suối này. Nàng bèn xuống suối tắm cho thân thể được thanh sạch. Chợt soi mình thấy một bà già thân hình tiều tuỵ, còn đâu nàng Lưu Ba tươi trẻ ngày nào. Nàng thấy mình thật là cô đơn, dốc hết sức lực cố bơi vào bờ, ngồi tựa gốc thông hát lên những lời thương tiếc và trút hơi thở cuối cùng. Hồn nàng nhập vào gốc thông. Cây thông quanh năm xanh tươi, bốn mùa vi vu hát những bài ca tình yêu tha thiết. Vì thế, hễ nơi nào có cây thông là người Cao Lan lập cây nhang thờ nàng, lấy đá đắp vào gốc coi đó là mộ nàng Lưu Ba.
Những lời ca tình yêu thương nhớ được nàng hát lên trong suốt mấy chục năm trời đi tìm người yêu được truyền lại cho người đời sau, chép lấy làm thành những tập sách hát. Người Cao Lan coi nàng là “Bà chúa thơ ca”, thiêng liêng, đầy uy lực ngang hàng với thần núi, thần sông, tồn tại mãi mãi... Trong các cuộc hát vui xuân, hát ví, hát đám cưới người ta đều có lời hát mời hồn nàng về nhập cuộc, hướng cho lời được bay bổng. Kết thúc cuộc vui lại có lời ca để tiễn biệt nàng...
“Thủ lĩnh tinh thần” của dân tộc Cao Lan
Nếu như Sình ca được xem là một “báu vật’’, một tài sản vô giá và là “linh hồn” của dân tộc Cao Lan thì Nghệ nhân Sầm Dừn (ở thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) chính là người sưu tầm và gìn giữ “báu vật” ấy không bị phôi pha. Chính vì thế mà ở Sơn Dương nói riêng, Tuyên Quang nói chung, cứ nhắc đến Sình ca là người ta nhắc ngay đến Sầm Dừn. Ông không chỉ là niềm tự hào của người Cao Lan, mà còn là báu vật của vùng đất chiến khu xưa.
Sinh ra và lớn lên trong một vùng quê giàu bản sắc văn hóa và trong một gia đình có bề dày hoạt động văn nghệ dân gian, nên từ nhỏ, nghệ nhân Sầm Dừn đã may mắn được thừa hưởng và ngấm sâu vào gan ruột sự tinh túy, đặc sắc của Sình ca. Cha đẻ của ông, cụ Sầm Văn ngày trước là một người hát Sình ca nổi tiếng khắp vùng. Là một người có tri thức, cụ Sầm Văn ý thức được Sình ca là trí tuệ, là tài sản vô giá của dân tộc mình nên đã dành nhiều thời gian và công sức để sưu tầm, lưu giữ, ghi lại các câu hát Sình ca vào sách để truyền lại cho đời sau.
Nối nghiệp cha ông, hàng chục năm nay, nghệ nhân Sầm Dừn đã không tiếc công sức, lặn lội sưu tầm, phục dựng các điệu múa của dân tộc mình như múa "chim gâu", "múa trống", "múa cờ"... và sưu tầm, sáng tác làn điệu Sình Ca để truyền dạy cho lớp trẻ. Giờ, ở Mãn Hóa, hầu như ai cũng biết hát Sình Ca, cả làng là một đội văn nghệ mà gia đình Sầm Dừn là trụ cột. Người làng gọi ông là "kho tàng văn hóa Sầm Dừn" bởi ông đang lưu giữ rất nhiều bài hát Sình Ca, truyện cổ, hàng chục điệu múa và các nhạc cụ dân tộc...
Cùng với việc sưu tầm, biên soạn Sình ca, tâm huyết của nghệ nhân Sầm Dừn còn được ghi dấu bằng kho sách quý hàng trăm năm tuổi viết bằng chữ Nho của đồng bào Cao Lan. Được bảo quản cẩn thận trên gác xép, hàng trăm cuốn sách cổ chứa đựng những câu chuyện kể về nguồn cội, về quan niệm tâm linh, thần thánh, ma quỷ của người Cao Lan và kể về nguồn gốc của Sình ca ngày nay. Nhiều tay chơi đồ cổ đã vượt đường xa lên đây để hỏi mua những cuốn sách này với giá cao, nhưng ông không bán. Ông tâm niệm rằng, những cuốn sách này còn thì văn hóa Cao Lan còn nên ông càng phải có trách nhiệm gìn giữ.
Cẩn trọng và tinh tế, ông như một chiếc lá xanh lặng lẽ chắt lọc những gì tinh túy nhất của văn hóa dân tộc mình qua từng trang sách, từng lời ca cổ để chuyển hóa và truyền cho lớp trẻ trong thôn. Những sáng tạo, những việc làm của nghệ nhân Sầm Dừn đã và đang góp phần đưa văn hóa Cao Lan đến với mọi nhà và quan trọng hơn là, những giá trị, những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Cao Lan sẽ được gìn giữ và lưu truyền. Và, chỉ như vậy thôi cũng đã đủ lí do để cộng đồng dân tộc Cao Lan, Ban Dân tộc và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang vinh danh ông là một trong những người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh.
Hành trình lưu giữ và đưa Sình ca vào cuộc sống thường ngày của nghệ nhân Sầm Dừn đã được cộng đồng Cao Lan tiếp sức. Vào ngày rảnh rỗi, những người lớn tuổi trong làng vẫn tập trung nhau ở nhà ông để cùng tập hát. Họ hát đối đáp với nhau và cũng có thể hát qua điện thoại với người ở những bản khác nhau để cùng ôn lại giai điệu, lời ca và cũng là một hoạt động văn hóa tinh thần lành mạnh. Dần dà phong trào hát Sình ca lan rộng, đám thanh niên và trẻ nhỏ góp mặt trong các buổi sinh hoạt cũng ngày một thường xuyên hơn. Ông Dừn lại tiếp tục đóng vai như một người thầy, vừa giảng giải, vừa truyền dạy lại từng câu, từng cách hát cho lớp trẻ.
Tính đến giờ, Đội văn nghệ của người Cao Lan do nghệ nhân Sầm Dừn dẫn dắt đã bền bỉ sinh hoạt suốt 20 năm qua và đã trở thành niềm tự hào của đồng bào Cao Lan ở Tuyên Quang, khi liên tục giành được những giải thưởng lớn tại các liên hoan dân ca, dân vũ trong toàn quốc. Đội được chia thành hai nhóm: Nhóm cao tuổi và nhóm lớp trẻ. Với các tiết mục tự biên, tự diễn, Đội văn nghệ đã cùng ông đi biểu diễn ở rất nhiều nơi, góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu và thực sự là nòng cốt để tuyên truyền, phát huy những giá trị văn hóa của người Cao Lan.