Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair mới đây bất ngờ xác nhận ông đang tìm cách đảo ngược tiến trình tách Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), được gọi tắt là Brexit.
Theo đó, các nhà đàm phán của Anh đã bước vào các vòng đàm phán phút chót với Liên minh châu Âu (EU) và Ireland trong hôm đầu tuần, trong nỗ lực đưa ra một bản thỏa thuận về Brexit để Thủ tướng Anh Theresa May có thể trình lên Brussels.
Được biết, chính quyền London đã chấp nhận phần lớn điều kiện mà EU đưa ra để tách khỏi khối này, trong đó có cả điều khoản bồi thường 50 tỷ Euro. Tuy nhiên nhiều vấn đề liên quan tới quyền của công dân biệt xứ hay biên giới Anh-EU trên quốc đảo Ireland, vẫn còn bất đồng.
Giới chức EU cùng các nhà ngoại giao ở Brussels nói rằng, họ tự tin về việc đạt được một thỏa thuận Brexit vào cuối tuần này, nhưng cho rằng điều đó còn phụ thuộc vào kết quả các cuộc đàm phán với bà May ở Brussels.
EU cho biết thêm, quyết định chính thức về các thỏa thuận sẽ được công bố sớm nhất vào ngày 6/12, khi ông Barnier báo cáo với các ủy viên châu Âu và tổ chức họp báo sau đó.
Bà May cũng đang hy vọng các cuộc đàm phán với Chủ tịch EC Jean-claude Juncker và nhà đàm phán Brexit Michel Barnier sẽ thuyết phục được lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU rằng, tiến trình về các điều khoản "ly hôn" đã đạt được để mở ra các cuộc đàm phán về quan hệ thương mại trong tuần tới.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair
Trong khi Thủ tướng Anh Theresa May đang cố gắng làm tất cả để đi đến thống nhất các điều khoản "ly dị", thì trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh BBC, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair lại bất ngờ tái xuất và xác nhận ông đang tìm cách đảo ngược tiến trình tách Anh ra khỏi Liên minh châu Âu.
Chính khách nổi tiếng của nước Anh cho rằng, nhiều lời hứa hẹn của nhóm vận động ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 đã được làm rõ là bất khả thi. Ông dẫn chứng tình trạng thiếu nguồn tài chính của dịch vụ y tế quốc gia (NHS), cơ quan giúp người dân Anh được chăm sóc y tế miễn phí khi cần.
Theo ông nhiều người dân bỏ phiếu ủng hộ Brexit với cơ sở rằng, rút khỏi châu Âu thì sẽ nhận lại tiền và có thể chi thêm cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đó là lời hứa hẹn rất cụ thể của nhóm vận động ủng hộ Brexit. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đã rõ, Brexit sẽ không giúp rót thêm tiền vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Thậm chí, Chính phủ sẽ chi ít tiền hơn cho vấn đề này vì tăng trưởng kinh tế giảm sút, đồng thời phải trả một khoản tiền bồi thường lớn cho EU.
Ông Blair cho rằng, có thể thuyết phục được rất nhiều cử tri Anh đổi ý nếu tổ chức trưng cầu dân ý lần hai về Brexit.