Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tác đắc cử ILC: Góp phần thúc đẩy bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam trên trường quốc tế

Nhật Minh| 13/11/2021 19:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là một trong những chia sẻ của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với báo chí về việc Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2027.

Ngày 12/11, tại trụ sở Liên hợp quốc (New York, Mỹ) đã diễn ra cuộc bầu cử thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) trong khuôn khổ Khóa họp 76 của Đại hội đồng. Tại đây, 34 thành viên Ủy ban được chọn lựa cho nhiệm kỳ 2023-2027.

Đại diện Việt Nam tham gia ứng cử là Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên đương nhiệm của ILC khóa 2017-2021. Vượt qua các ứng cử viên mạnh khác trong khu vực, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã tái đắc cử vào ILC với số phiếu 145/193, đứng thứ 4 trong khu vực, chỉ sau ứng cử viên từ Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản.

dai-su-nguyen-hong-thao.png
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao

3 ý nghĩa của việc tái đắc cử thành viên ILC của Đại sứ Nguyễn Hồng Thao

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, chúng ta không chỉ đảm nhận thành công nhiều trọng trách quốc tế quan trọng như Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021…, mà còn chủ động, tích cực cử cán bộ vào làm việc tại các tổ chức quốc tế có uy tín.

Do đó, theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, việc Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2027 có nhiều ý nghĩa quan trọng.

Thứ nhất, góp phần khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác trên thế giới.

Việc Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc với kết quả cao 145 phiếu là một minh chứng cho sự ủng hộ và tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của nước ta trên trường quốc tế.

Thứ hai, việc chúng ta tiếp tục tham gia Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc, một cơ quan có chức năng thúc đẩy pháp điển hóa và phát triển pháp luật quốc tế, đã khẳng định hội nhập quốc tế của Việt Nam tiếp tục chuyển mạnh sang chủ động đóng góp vào xây dựng luật pháp quốc tế, cùng cộng đồng quốc tế phấn đấu vì một thế giới hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tôn trọng luật pháp quốc tế, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.

Ý nghĩa thứ ba, theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, thể hiện sự trưởng thành của đối ngoại đa phương Việt Nam, khẳng định sự tín nhiệm của quốc tế đối với nỗ lực bền bỉ và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong Liên hợp quốc và các thể chế đa phương. Đồng thời, cũng khẳng định trình độ, năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ đối ngoại nói chung, đối ngoại đa phương nói riêng của nước ta ngày càng nâng cao, từng bước vươn tới trình độ khu vực và thế giới.

Với Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, việc tái cử tham gia Ủy ban Luật pháp quốc tế chính là sự ghi nhận xứng đáng của quốc tế đối với trình độ, năng lực và kinh nghiệm cũng như đóng góp tích cực của Đại sứ vào thúc đẩy các vấn đề pháp luật quốc tế quan trọng trong suốt nhiệm kỳ công tác tại Ủy ban Luật pháp quốc tế 2017-2022 vừa qua.

Bộ trưởng cho biết thêm, ngoài Ủy ban Luật pháp quốc tế, chúng ta đã và đang tích cực tham gia tranh cử tại nhiều tổ chức, thể chế quốc tế quan trọng như Hội đồng Chấp hành UNESCO (2021-2025), Ủy ban Liên chính phủ Công ước Di sản phi vật thể (2022-2026), Ủy ban Di sản thế giới (2023-2027), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (2023-2025)…

Góp phần thúc đẩy bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam trên trường quốc tế

Chia sẻ với phóng viên về những khó khăn, trở ngại trong quá trình vận động bầu cử tại ILC và những biện pháp mà Bộ Ngoại giao đã triển khai, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ:

Bầu cử tại một cơ quan phát triển pháp luật quốc tế có uy tín như Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc luôn có tính cạnh tranh rất cao. Thực tế là với nhiệm kỳ 2023-2027, tại tất cả các khu vực đều có số lượng ứng cử viên cao. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 suốt gần hai năm qua gây nhiều trở ngại cho giao lưu, sinh hoạt quốc tế, do đó gây nhiều khó khăn cho vận động, giới thiệu các ứng cử viên.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Bộ Ngoại giao với tư cách là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, triển khai chiến lược vận động ở nhiều cấp, nhiều kênh đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao và thông qua các Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc.

Trong tiếp xúc, vận động, các nước và bạn bè quốc tế đều ghi nhận tích cực, đánh giá cao vị thế, uy tín cũng như nỗ lực và năng lực đóng góp của Việt Nam tại nhiều tổ chức, thể chế đa phương, trong đó có Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: “Do đó, dù gặp nhiều khó khăn, song với việc phát huy mạng lưới quan hệ đối tác rộng mở và ngày càng đi vào chiều sâu, thế và lực mới của đất nước ta sau 35 năm Đổi mới, chúng ta đã đạt được mục tiêu đề ra”.

“Với uy tín đã tạo lập được trong Ủy ban Luật pháp quốc tế trong nhiệm kỳ vừa qua, tôi tin tưởng Đại sứ Nguyễn Hồng Thao sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, hiệu quả vào công việc của Ủy ban Luật pháp quốc tế, góp phần thúc đẩy bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam và tăng cường vai trò, tiếng nói của các nước đang phát triển, tiếp tục khẳng định rõ Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, xứng đáng với niềm tin của đất nước và sự tín nhiệm của quốc tế”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.

PGS.TS, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao là nhà ngoại giao và chuyên gia pháp lý kỳ cựu của Việt Nam. Ông từng tham gia các đoàn đàm phán quan trọng về vấn đề biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia; từng giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia. Ông từng được bổ nhiệm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam tại Kuwait và Malaysia, trước khi trở thành thành viên ILC lần đầu tiên năm 2016. Hiện, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đang nghiên cứu và giảng dạy tại Học viện Ngoại giao.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017-2022), Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã tham gia chủ động, tích cực vào công việc nghiên cứu và thảo luận của Ủy ban, đóng góp thiết thực vào việc nghiên cứu các chủ đề pháp lý quan trọng như Bảo vệ bầu khí quyển, Bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang, và một số chủ đề pháp lý truyền thống khác, thể hiện tiếng nói có trách nhiệm của chuyên gia pháp lý từ đất nước đang phát triển, có sự quan tâm sát sao tới các vấn đề pháp lý phi truyền thống đang nổi lên. Đại sứ cũng hết sức quan tâm, thúc đẩy các chủ đề mới, thiết thực, gắn liền với lợi ích và mối quan tâm của các nước đang phát triển, như “Mực nước biển dâng trong quan hệ với luật quốc tế”, “Bảo vệ con người trong đại dịch”, vấn đề biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học…

Trong nhiệm kỳ tiếp theo (2023-2027), Đại sứ Nguyễn Hồng Thao sẽ tiếp tục tham gia sâu hơn nữa vào quá trình nghiên cứu, thảo luận các chủ đề tại Ủy ban; thúc đẩy các chủ đề gắn bó mật thiết với lợi ích các nước đang phát triển với mong muốn các nghiên cứu của Ủy ban ngày càng sâu sát với những thách thức pháp lý mới nổi, phù hợp hơn nữa với nguyện vọng của các quốc gia.

Ủy ban Luật pháp Quốc tế của Liên hợp quốc (ILC) được thành lập theo Nghị quyết số 174 (II) ngày 21/11/1947 của Đại hội đồng Liên hợp quốc với 34 thành viên là những người được thừa nhận có trình độ và năng lực trong lĩnh vực luật quốc tế cả về lý luận và thực tiễn.

Nhiệm vụ của ILC là thúc đẩy quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ pháp luật quốc tế. Đến nay, ILC đã góp phần xây dựng được các văn bản quốc tế quan trọng, tiêu biểu là Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao năm 1961, Công ước Vienna về Luật Điều ước năm 1969; Công ước Vienna về Thừa kế quốc gia liên quan đến Điều ước năm 1996; Quy chế Rome của Tòa Hình sự quốc tế năm 1998; và bộ Điều khoản về Trách nhiệm quốc gia đối với hành vi sai phạm quốc tế năm 2001…

Kỳ bầu cử ILC năm nay được đánh giá có tính cạnh tranh cao ở các khu vực, như Đông Âu (7 ứng cử viên cho 3 vị trí), Tây Âu và châu Á - Thái Bình Dương (11 ứng cử viên cho 8 vị trí). Ngoài Việt Nam, khu vực châu Á – Thái Bình Dương còn có các ứng viên từ: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Libăng, Síp, Sri Lanka.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tác đắc cử ILC: Góp phần thúc đẩy bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam trên trường quốc tế