Gần 5 năm qua, gần 100 hộ dân của xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam phải sống trong tình trạng sạt lở, bồi lấp nặng do nằm sát bờ sông Kôn.
Mùa mưa lũ năm nay cận kề, người dân ở đây đang trông chờ việc di dời, mòn mỏi chờ tái định cư trong khi Khu tái định cư Gò Dinh vẫn “án binh bất động”.
Đào cát, chống lại nhà
Năm 2009, UBND xã Đại Hưng đầu tư xây dựng Khu tái định cư Gò Dinh trên địa bàn xã nhằm di dời 83 hộ dân nằm trong diện sạt lở, bồi lấp nặng có nơi ở ổn định. Công trình có quy mô 5,9ha với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của địa phương. Thế nhưng, sau gần 5 năm kể từ ngày khởi công, Khu tái định cư chỉ mới triển khai xong công tác san lấp mặt bằng, xây dựng tuyến đường chính từ nguồn kinh phí hỗ trợ 2 tỷ đồng của tỉnh năm 2011. Những hạng mục khác như giao thông nội bộ khu dân cư, nước sạch, điện lưới… chưa được đầu tư nên chưa thể bố trí dân vào tái định cư.
Cứ vào mỗi mùa mưa lũ, nhiều gia đình ở làng Đại Mỹ, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc lại phải gồng mình đào cát, chống lại nhà. Do nằm sát dòng sông Kôn nên khi lũ về, cả làng Đại Mỹ bị dòng sông xé toạc, mang theo cát và phù sa khiến cả ngôi làng bị cát bồi lấp. Trận lũ năm 2013, theo thống kê, trong số 240 hộ với 1000 khẩu của cả thôn Đại Mỹ thì có đến 83 ngôi nhà bị sập, sạt lở và bồi lấp hoàn toàn đến tận mái. Không chỉ nhà cửa, đường sá “ăn” đầy cát mà hàng trăm ha đất sản xuất lúa, hoa màu thổ cư của người dân cũng bị cát vùi mất tích.
Con đường bê tông dẫn vào thôn Đại Mỹ bị cát vùi lấp cao 2-3m
Có mặt tại Khu tái định cư Gò Dinh, công trình vẫn hết sức ngổn ngang, cỏ và lau mọc đầy. Người dân địa phương còn tranh thủ đưa bò vào ăn cỏ, làm cho cảnh quan vốn đã tiêu điều càng thêm nhếch nhác. Bà Phạm Thị An, người dân thôn Đại Mỹ bức xúc: “Mỗi mùa mưa bão đi qua, chính quyền xã lại hứa sẽ sớm hoàn thiện khu tái định cư để đưa dân vào. Chờ mãi, chờ mãi không biết đến bao giờ người dân mới an cư để lạc nghiệp?”.
Thấp thỏm khi mùa mưa lũ về
Trong khi tiến độ thi công Khu tái định cư Gò Dinh diễn ra ì ạch, gần 100 hộ dân sống dọc bờ sông Kôn, xã Đại Mỹ, huyện Đại Lộc vẫn thấp thỏm khi mùa mưa lũ đang cận kề.
Chị Phạm Thị Hòa mấy năm nay sống bên cạnh mép sông, cách điểm sạt lở chưa đầy 2m than thở: “Cuộc sống gia đình tôi ở đây khổ quá, mỗi mùa mưa lũ, hàng loạt thủy điện “đua nhau” xả lũ, cả làng chìm trong biển nước và cát. Nguy hiểm hơn, cả đoạn bờ sông Kôn đã bị xói lở ăn sâu vào tận trong làng”. Đêm 29/9 năm ngoái, nước lũ đổ dồn về làng, xói đến móng, khi ấy, cả ba mẹ con chị Hòa chỉ kịp kéo tay nhau chạy ngược vào bên trong làng tránh lũ. Chừng nửa giờ sau, ngôi nhà của chị đã bị sập. “Khát vọng muốn di dời nơi khác để yên tâm sinh sống và làm ăn là điều mà hàng trăm người dân nơi đây tha thiết kiến nghị lên chính quyền nhưng chờ mãi vẫn chưa được giải quyết. Sắp đến mùa mưa lũ rồi, không biết tính sao đây?”, chị Hòa thở dài lo lắng.
Ông Phạm Xê, người dân sinh sống gần 65 năm ở thôn Đại Mỹ, xã Đại Hưng vẫn chưa hết bàng hoàng sau trận lũ lịch sử hồi cuối năm 2013. Đợt lũ lớn đó, người dân Đại Hưng một phen hú vía khi chứng kiến cảnh nước lũ dâng quá nhanh, không ai kịp trở tay, thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Hàng năm, khi nghe đài thông báo thủy điện xả lũ, cả làng phải sơ tán tới nhà bà con vùng cao để trú ẩn, nước rút hết mới dám trở về nhà. Mỗi đợt chạy lũ là mỗi đợt khổ cực, lúc đó chỉ lo bảo toàn tính mạng, còn đồ đạc trong nhà đành nhắm mắt để trôi theo lũ. Khi trở về sau lũ rút, nhà cửa chỗ bị bồi lấp, chỗ bị đào sâu, lộ cả móng nhà…
Bà Lương Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho biết: Lãnh đạo địa phương cũng nhiều lần yêu cầu các Sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ hơn nữa để huy động nguồn vốn đầu tư, nhanh chóng triển khai và hoàn thành các hạng mục, thực hiện việc di dân trước mùa mưa lũ năm nay. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên sau gần 5 năm triển khai thực hiện, công trình vẫn dang dở, chưa thể bố trí tái định cư. Các hạng mục giao thông, điện, đường nội bộ, nước sinh hoạt khu dân cư đang chờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ tỉnh để tiếp tục thực hiện. “Không chỉ người dân mà cán bộ xã cũng rất mong muốn dự án sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng để người dân được di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, yên tâm định cư, ổn định cuộc sống”, bà Hương chia sẻ.