Xã hội

Đại lễ tưởng niệm 715 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn tại Yên Tử

Trần Khanh 13/12/2023 - 12:50

Sáng 13/12, tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) đã diễn ra Đại lễ tưởng niệm 715 năm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2023) và khánh thành Cung Trúc Lâm Yên Tử.

Tham dự Đại lễ tưởng niệm có lãnh đạo Giáo hội phật giáo Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, cùng đông đảo chư tăng, phật tử, du khách thập phương.

Đại lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm và thành kính. Các đại biểu, phật tử, du khách thập phương ôn lại về cuộc đời, sự nghiệp trị nước an dân, sự nghiệp Hoằng dương Phật pháp sáng lập dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông.

yen_tu_1.jpg.jpeg
Đại lễ tưởng niệm 715 năm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn được tổ chức tại Cung Trúc Lâm Yên Tử.

Sử sách lưu lại, Phật hoàng Trần Nhân Tông được ngợi ca là một trong những vị hoàng đế anh minh, hiền tài trong lịch sử nước Đại Việt. Dưới sự trị vì của ông, triều đại nhà Trần đã trở thành một triều đại hiển hách nhất cả về võ công và văn trị trong lịch sử Đại Việt.

Cùng với vua cha Trần Thánh Tông, ông đã trực tiếp lãnh đạo 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông và giành thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến đã giúp nhà Trần giữ vững nền độc lập dân tộc, đặt nền móng cho việc mở mang bờ cõi, yên định biên cương và xây dựng nền văn hóa Đại Việt phát triển hưng thịnh.

yen_tu_2.jpg.jpeg
Hơn 2.500 người là lãnh đạo Giáo hội phật giáo Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, cùng các chư tăng, phật tử, du khách thập phương tham gia đại lễ.

Sau khi vua Trần Nhân Tông rời phủ Thiên Trường về tập tu, xuất gia tại hành cung Vũ Lâm (huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình). Đến năm 1299, vua Trần Nhân Tông rời hành cung Vũ Lâm về Yên Tử tu hành khổ hạnh tại am Tử Tiêu, núi Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và xưng là Trúc Lâm đại sĩ.

Tại đây, ngài đã sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một dòng thiền Phật giáo mang đậm màu sắc Việt Nam với chủ trương cư trần lạc đạo tức là gắn đạo với đời, gắn xu thế nhập thế của việc thiền với việc gìn làng, giữ nước.

yen_tu_3.jpg.jpeg
Lãnh đạo Giáo hội phật giáo Việt Nam thắp hương tưởng nhớ, tri ân công ơn Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Tháng 11 năm Mậu Thân (1308), vua Trần Nhân Tông an nhiên, viên tịch tại am Ngọa Vân, vị trí ngài nhập niết bàn chính là am Ngọa Vân ngày nay.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị hoàng đế anh minh, lãnh tụ thiên tài, anh hùng dân tộc. Ngài là nhà văn hóa lớn, nhà tư tưởng lớn, đồng thời là nhà tu hành giác ngộ đã để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo. Người sáng lập nền Phật giáo Trúc Lâm và dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử được các thế hệ nhân dân ta tôn xưng là Vua Phật Việt Nam.

yen_tu_4jpg.jpeg
Đại diện Giáo hội phật giáo Việt Nam phát biểu tại đại lễ.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, vua Trần Nhân Tông là một trong những lãnh tụ thiên tài, anh hùng của dân tộc; đối với đạo pháp, vua Trần Nhân Tông là vị vua duy nhất trên thế giới từ bỏ ngôi vua để đi tu và đắc đạo, thống nhất được Phật giáo Việt Nam bấy giờ và hình thành tổ chức Giáo hội Trúc Lâm mang đậm nét Phật giáo Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, đây là dịp quý báu để chúng ta tưởng nhớ công lao, bày tỏ sự tri ân sâu sắc tới Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đồng thời là dịp giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, biết ơn đối với công lao của những người đi trước trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

yen_tu_5.jpg.jpeg
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ cảm nghĩ tại lễ tưởng niệm.

“Việc tổ chức đại lễ tưởng niệm đã thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, cùng hướng tới sự phát triển chung, ổn định xã hội, nâng cao vị thế các tổ chức tôn giáo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”, bà Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Đại lễ 715 ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn năm nay gắn với khánh thành Cung Trúc Lâm Yên Tử được xây dựng tại bến xe Giải Oan cũ thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí. Công trình được Kiến trúc sư Bill Bensley người Mỹ thiết kế

yen_tu_6.jpg.jpeg
Đông đảo phật tử, du khách thập phương đến tham gia lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Đây là công trình văn hóa tâm linh có giá trị to lớn với tổng diện tích xây dựng giai đoạn I hơn 6.000m2, chất liệu bê tông kiên cố, kiến trúc hoành tráng, phần thờ tự và nội thất bằng chất liệu gỗ sơn son thếp vàng mang bản sắc văn hóa dân tộc, hài hòa với quần thể Trung tâm văn hóa lễ hội Trúc Lâm và quần thể di tích danh thắng Yên Tử.

Công trình có sức chứa 5.000-7.000 nghìn người, là nơi tôn vinh giá trị của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, là nơi tổ chức các sự kiện tưởng niệm, lễ hội, hội thảo và các hoạt động văn hóa Phật giáo.

cung_tru_lam_yen_tu.jpg.jpg
Cung Trúc Lâm Yên Tử với tổng diện tích xây dựng giai đoạn 1 hơn 6.000m2.

Cung Trúc Lâm Yên Tử tựa lưng vào dãy núi Yên Tử có chùa Hoa Yên, Tháp Tổ, chùa Đồng. Mặt hướng khê giao thủy tụ, lại có núi bình phong trước mặt tả thanh long hữu bạch hổ, thực thể thế phong thủy hiếm có.

Sau khi Cung Trúc Lâm khánh thành đưa vào sử dụng sẽ cùng với chùa Đồng, Tượng Phật Hoàng, chùa Hoa Yên, tháp Phật Hoàng,… và các công trình khác tạo cho Yên Tử một diện mạo mới; vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị nhiều mặt của khu di tích danh thắng Yên Tử, nối liền quá khứ hiện tại và tương lai. Xứng tầm là kinh đô Phật giáo Việt Nam.

Đặc biệt, nguồn kinh phí xây dựng hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh vận động và nguồn công đức của Phật tử tại chùa Yên Tử với khoảng 250 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại lễ tưởng niệm 715 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn tại Yên Tử