Chiều nay (27/10), phiên tòa xét xử 12 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo.
Tại phiên tòa, nhiều bị cáo thừa nhận hành vi cho Công ty Bình Hà là "sân sau" của Trần Bắc Hà và Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thiệt hại cho BIDV. Tuy nhiên, nhiều bị cáo lý giải, trước áp lực của Chủ tịch Hội đồng quản trị khi đó là ông Trần Bắc Hà, các bị cáo đã có những hành vi sai phạm trong quá trình phê duyệt, cấp tín dụng và giải ngân vốn.
Theo đó, đại diện BIDV kiến nghị HĐXX xem xét toàn diện bối cảnh, nguyên nhân, điều kiện phạm tội đối với 8 bị cáo là những cán bộ của BIDV, vì bản chất cũng là người làm công ăn lương, làm việc theo quy trình, phân công của tổ chức, phục vụ ngân hàng, không có tư lợi, mong muốn mở rộng khách hàng… Do đó, đại diện BIDV đề nghị HĐXX áp dụng mức hình phạt thấp nhất cho các bị cáo là cựu cán bộ BIDV.
Theo cáo trạng, mặc dù thẩm định, đánh giá tình hình tài chính của Công ty Trung Dũng gặp khó khăn, chỉ tiêu tài chính phản ánh khả năng thanh toán chưa đảm bảo, tỷ lệ tài sản đảm bảo trên giá trị hạn mức tín dụng đề nghị được cấp chưa đáp ứng chính sách tín dụng của BIDV... nhưng tháng 8/2011, các bị cáo Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Trần Hồng Quang, Đặng Thanh Nam vẫn thực hiện việc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỷ đồng cho Công ty Trung Dũng.
Quá trình cho vay theo hạn mức, do áp lực từ sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà, các bị cáo trên đã quyết định giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 26 khoản còn dư nợ, trong đó có 20 khoản giải ngân không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản đảm bảo khoản giải ngân cho vay để đảo nợ.
Trước HĐXX, bị cáo Nguyễn Xuân Giáp, cựu Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành thừa nhận đã có những sai phạm trong quá trình đề xuất cho vay, thực hiện cho vay và quản lý sau vay, chịu trách nhiệm cá nhân đối với sai phạm tại BIDV chi nhánh Hà Thành liên quan đến các khoản vay của Công ty Trung Dũng.
Tuy nhiên, cựu Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Giáp cho rằng bản thân bị cáo chịu áp lực thực hiện theo sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà vì ông Hà đã buộc Giám đốc chi nhánh điều chuyển công tác các Phó Giám đốc chi nhánh, giao cho ông Giáp phụ trách quan hệ khách hàng thay một Phó Giám đốc khác do anh này có ý kiến dừng giải ngân. Khi Công ty Trung Dũng đề nghị, ông Trần Bắc Hà có bút phê chỉ đạo nên ông Giáp và cán bộ Phòng Quan hệ khách hàng phải thực hiện.
Bị cáo Đặng Thanh Nam, cựu cán bộ quản lý khách hàng BIDV - Chi nhánh Hà Thành cho biết, lúc đầu bị cáo cũng đề nghị không mở cấp tín dụng cho Công ty Trung Dũng, tuy nhiên sau đó nhận được công văn có bút phê của Chủ tịch Trần Bắc Hà nên dưới áp lực đó, lập báo cáo đề xuất lãnh đạo phê duyệt theo thẩm quyền.
Bị cáo Nam thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố, nhưng mong Hội đồng xét xử hiểu cho bị cáo, hoàn toàn mong muốn mang lại hiệu quả cho ngân hàng, cho khách hàng, không mong muốn khoản nợ xấu đó xảy ra với ngân hàng.
Bị cáo Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp BIDV – Chi nhánh Hà Tĩnh, cũng thừa nhận sai phạm như cáo trạng truy tố, mong Hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh của bị cáo, chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo từ cấp trên.
Theo cáo trạng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cáo buộc ông Trần Bắc Hà phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án, song do ông Hà đã chết nên được đình chỉ điều tra.
Cũng tại phiên tòa xét xử ngày hôm nay, Thẩm phán đặt câu hỏi với đại diện Công ty Bình Hà: Từ khi vay đến nay thì Công ty Bình Hà đã trả được cho BIDV bao nhiêu tiền?
Trước câu hỏi này của HĐXX, đại diện của Công ty Bình Hà cho biết, trong vốn vay có vay trung hạn và ngắn hạn, tổng số cho vay là hơn 2.600 tỷ đồng; hiện đã trả hơn 1.400 tỷ đồng, số dư nợ hiện còn hơn 1.200 tỷ đồng. Về phương án trả nợ, thời gian qua Công ty Bình Hà đã làm việc với một số đối tác để tiến hành tái cơ cấu lại các dự án; theo đánh giá các phương án của Công ty Bình Hà thì có đủ khả năng trả nợ cho BIDV, người đại diện của Công ty Bình Hà cho biết: "Với tài sản hiện nay thì không đủ trả nợ, nhưng về dài hạn, phương án của Công ty Bình Hà hoạt động có hiệu quả thì có thể trả nợ. Căn cứ theo các hợp đồng tín dụng đã ký, Công ty Bình Hà có trách nhiệm xử lý các nghĩa vụ trả nợ. Về xử lý tài sản, Công ty tôn trọng các hợp đồng thế chấp đã ký với ngân hàng. Hiện Công ty thực hiện các phương án tái cơ cấu, do đó Công ty mong muốn sử dụng các tài sản để hợp tác với các đối tác để triển khai".
Về phương án tái cơ cấu, Công ty Bình Hà đã ký với đối tác. Phương thức hợp tác kinh doanh được thực hiện là: Công ty Bình Hà góp bằng các tài sản hiện hữu gồm quỹ đất hơn 1.000 ha, các tài sản đã đầu tư...; phía đối tác bỏ tiền giống, nhân công, nhân sự để thực hiện các phương án.
Đến đây, Chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi: Phương án tái cơ cấu này đã được BIDV chấp thuận; cơ quan chức năng, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đồng ý chủ trương chưa?
Người đại diện của Công ty Bình Hà khẳng định, phương án tái cơ cấu này đã được BIDV chấp thuận; cơ quan chức năng, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Công an thống nhất ủng hộ về mặt chủ trương phương án tái cơ cấu và hợp tác với các đối tác.
Phiên tòa sẽ tiếp tục được làm việc trở lại vào 8h sáng ngày mai (28/10).