Đại biểu Quốc hội lo lắng SGK có nguy cơ quay trở lại tình trạng độc quyền của một mình doanh nghiệp

Nhóm PV| 09/11/2021 21:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay, bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý (đoàn Đà Nẵng) đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề xã hội hoá sách giáo khoa.

Bà Thúy chia sẻ, chúng ta đang thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) theo Nghị quyết số 29 của Trung ương, Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội, cho nên đại biểu Quốc hội cần thường xuyên quan tâm, đóng góp ý kiến để thực hiện thắng lợi công việc rất quan trọng này.

dai-bieu-thuy.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý (Đoàn Đà Nẵng). Ảnh QH.

Như đã trao đổi tại phiên thảo luận chiều ngày 8/11, tôi có đưa ra hai vấn đề về giáo dục mà được cử tri quan tâm hiện này là thực hiện chương trình giáo dục trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và xã hội hóa việc biên soạn SGK, nhằm đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng SGK.

Theo nhận thức của tôi, điểm mới nhất trong lĩnh vực SGK được Nghị quyết số 88 và Luật Giáo dục xác định là: xã hội hóa để phát huy nguồn lực xã hội, bảo đảm đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng SGK.

Thế nhưng, thời gian qua nhiều cơ sở giáo dục đã phải phàn nàn về việc một số địa phương lựa chọn SGK không quan tâm đến ý kiến của cơ sở.

“Nguyên nhân chính của bất cập này là Thông tư số 25 năm 2020 của Bộ GD&ĐT trao toàn quyền cho Hội đồng chọn sách cấp tỉnh, bỏ qua ý kiến của cơ sở giáo dục. Nếu việc lựa chọn, sử dụng sách tiếp tục diễn ra như vậy thì chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK sẽ khó được triển khai, dẫn tới nguy cơ quay trở lại tình trạng độc quyền của một mình doanh nghiệp trực thuộc Bộ”, bà Thúy nói.

Bên cạnh đó, thời gian qua báo chí cũng phản ánh những bất cập của Thông tư 33 về việc thẩm định sách giáo khoa, để một số thành viên của hội đồng thẩm định tham gia các công việc biên soạn SGK hoặc sách tham khảo kèm theo SGK cho một số đơn vị xuất bản có sách được chính các thành viên này thẩm định.

Có thể đây cũng là một nguyên nhân để lọt lưới một số SGK, một số bài học không bảo đảm chất lượng như báo chí đã nêu mà Bộ GDĐT chưa có câu trả lời cho dư luận và chỉ đạo các đơn vị làm SGK sửa chữa.

Thông tư số 25 của Bộ GD&ĐT tuy có quy định về quy trình lựa chọn SGK từ cơ sở GDPT nhưng khoản 4 Điều 8 trao toàn quyền quyết định cho hội đồng chọn SGK cấp tỉnh. Điều khoản này không quy định ý kiến của cơ Sở GD&ĐT có vai trò như thế nào.

“Nếu không có quy định này thì ý kiến của cơ sở giáo dục đào tạo không có ý nghĩa gì. Theo tôi, hội đồng chọn sách giáo khoa cấp tỉnh chỉ nên xem xét, xác nhận kết quả lựa chọn của cơ sở; SGK nào được tối thiểu 30% cơ sở lựa chọn thì báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (UBND tỉnh) ra quyết định cho phép sử dụng”, bà Thúy nói.

Trong Thông tư số 25 cũng có quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục thông báo cho cơ sở giáo dục và đào tạo kết quả phê duyệt danh mục SGK được sử dụng của UBND tỉnh và tổng hợp kiến nghị của cơ sở về việc sửa đổi, bổ sung danh mục SGK được phê duyệt, báo cáo UBND tỉnh để giải quyết.

“Tuy nhiên, Thông tư số 25 không có chế tài về việc này; đồng thời Bộ GD&ĐT cũng không thanh tra việc thực hiện các quy định của Thông tư nên trên thực tế, nhiều địa phương đã bỏ qua quy định này, không bảo đảm quyền dân chủ của cơ sở”, bà Thúy nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội lo lắng SGK có nguy cơ quay trở lại tình trạng độc quyền của một mình doanh nghiệp