Đại biểu quốc hội đề xuất thí điểm cơ chế, chính sách cho mô hình Spin-off

Mai Thoa -Đức Duy| 09/11/2021 13:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên họp ngày 8/11, đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) đề nghị Chính phủ cần quan tâm, có chính sách đặc thù để khuyến khích cho đội ngũ trí thức, khoa học đổi mới sáng tạo quốc gia.

Cụ thể, tại phiên họp bà Lan đã đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần có chương trình hành động và giải pháp đột phá theo tinh thần của Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 50 của Chính phủ nhằm nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia.

dai-bieu.jpg
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội). Ảnh QH.

Chính phủ cần quan tâm, có chính sách đặc thù để khuyến khích cho đội ngũ trí thức, khoa học đông đảo đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu thúc đẩy đổi mới sáng tạo quốc gia.

Bà Lan phân tích: Chúng ta có 237 trường đại học, 16.500 tiến sĩ, 574 giáo sư và 4.113 phó giáo sư. Hằng năm đào tạo khoảng 1.500 tiến sĩ, với 36.000 thạc sĩ, gần 1,5 triệu sinh viên đại học và khoảng vài ngàn đề tài nghiên cứu khoa học các cấp được triển khai từ các trường đại học.

Rất nhiều đề tài được thực hiện và rất nhiều quy trình công nghệ, sản phẩm khoa học có tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn, nhưng chỉ một số khiêm tốn được chuyển giao hay thương mại hóa để tạo ra giá trị gia tăng cao, phục vụ quốc kế dân sinh, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

Để có thể phát huy tiềm năng lợi thế to lớn về trí tuệ, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo này và tránh lãng phí nguồn lực bà Lan đã kiến nghị với Quốc hội về một số chính sách chung để thúc đẩy sự phát triển đổi mới sáng tạo trong trường đại học, viện nghiên cứu và đề cập đến tầm quan trọng và lợi ích của mô hình Spin-off, tạm gọi là mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ.

Bà Lan nói: "Trong kỳ họp này, tôi tiếp tục đề xuất với Quốc hội, Chính phủ một số các vấn đề cụ thể để tháo gỡ vướng mắc cho việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp Spin-off nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong trường đại học và viện nghiên cứu.

Mô hình Spin-off đã rất thành công ở nhiều nước trên thế giới và đã tạo ra doanh thu khá lớn, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội và đã lan tỏa tinh thần và kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên thanh niên".

Tuy nhiên, Việt Nam chúng ta vẫn còn vướng mắc một số các quy định trong các luật khác nhau, như Luật Giáo dục đại học (sửa đổi); Luật Viên chức; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Doanh nghiệp; Luật Khoa học, công nghệ; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Quản lý tài sản công, các nghị định như Nghị định số 13, Nghị định số 70 của Chính phủ.

Các luật này đã cho phép hình thành các doanh nghiệp trong trường đại học nhưng lại không hướng dẫn cụ thể về quy định đối với Spin-off, cần bổ sung các quy định về góp vốn, góp vốn bằng bản quyền công nghệ, quy định và thẩm quyền quyết định chuyển giao, góp vốn là sản phẩm của đề tài có sử dụng ngân sách nhà nước vào các Spin-off.

Theo đó, bà Lan kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ sớm rà soát, bổ sung các quy định pháp luật, các hướng dẫn thực hiện cho loại hình doanh nghiệp Spin-off. Trong thời gian chờ sửa đổi luật, đề nghị Chính phủ cho thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách thuận lợi cho mô hình Spin-off trong đó cho phép.

Thứ nhất, cho phép các nhà khoa học được tham gia vào Ban quản lý điều hành doanh nghiệp Spin-off để làm chủ công nghệ và đổi mới sáng tạo công nghệ, tạo sản phẩm mới chất lượng và hiệu quả.

Thứ hai, giao quyền cho các cơ sở nghiên cứu, trường đại học quyết định khai thác, sử dụng các sản phẩm đề tài nghiên cứu từ nguồn ngân sách nhà nước và chịu trách nhiệm về nguồn kinh phí thu được cho việc tái đầu tư cho nghiên cứu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu quốc hội đề xuất thí điểm cơ chế, chính sách cho mô hình Spin-off