Mặc dù đạt được nhưng kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên theo nhiều ĐBQH tình trạng tham nhũng vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm và xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, trong đó tham nhũng có cả trong công tác bổ nhiệm cán bộ.
Chiều 6/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV tiếp tục phiên thảo luận về các báo cáo của Chính phủ, cơ quan tư pháp về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.
Kê khai tài sản của cán bộ phải có trọng tâm, trọng điểm
Liên quan công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, các đại biểu đánh giá cao những kết quả tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua; trong đó, việc công khai các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, việc xử lý nghiêm các vụ tham nhũng nghiêm trọng phức tạp, kỷ luật nghiêm cán bộ vi phạm kể cả cán bộ cấp cao, cán bộ nghỉ hưu đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của người có chức vụ, quyền hạn; tạo được niềm tin trong nhân dân và thúc đẩy ý chí quyết tâm chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, tham nhũng vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Đáng lưu ý, tham nhũng xảy ra nhiều ở những người có chức, có quyền, lợi dụng quyền lực để mưu lợi lợi ích riêng, lợi ích nhóm. ĐBQH Cao Thị Giang (Quảng Bình) chỉ rõ, tham nhũng xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, tham nhũng ở ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, các đoàn thanh tra, kiểm toán.
Đánh giá về công tác này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chỉ rõ, tham nhũng ở nước ta được xem như giặc nội xâm, làm tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế, uy tín của Đảng, Nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quyết sách về phòng, chống tham nhũng, nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Tham nhũng chưa được đẩy lùi mà trái lại ngày càng táo tợn, tinh vi, xảy ra ở hầu hết các cấp, ngành trên các lĩnh vực. Cho đến khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, đứng đầu là Tổng Bí thư, mới thực sự có chuyển biến tích cực, quyết tâm chính trị cao, các “đại án” được phanh phui. Các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương từ đó chuyển biến theo, được Đảng và Nhân dân cả nước hoan nghênh, lấy lại lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
ĐBQH Trần Văn Mão (Nghệ An)
Nguyên nhân hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng chưa cao theo ĐBQH Trần Văn Mão (Nghệ An), phải chăng do đội ngũ cán bộ đảm nhiệm công tác bảo vệ pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là khi đối tượng phạm tội là những cá nhân, tổ chức có trình độ cao, đủ tinh vi, xảo quyệt để che đậy hành vi của mình? Đặc biệt là vấn đề kê khai, giám sát tài sản của cán bộ, cá nhân chưa góp phần giúp phát hiện phòng chống tham nhũng. Nhiều người giữ chức vụ, nắm giữ cương vị lãnh đạo ở các cơ quan lại thường xuyên kê khai tài sản không đúng, đến khi bị phát hiện, mới ngỡ ra họ có khối tài sản bất thường, thậm chí khổng lồ, vi phạm quy định cán bộ công chức và những việc đảng viên không được làm.
ĐB Trần Văn Mão cho biết thêm, việc kê khai thu nhập, nhất là thu nhập ngoài lương, quà tặng, cảm ơn, quà trao tay chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số thu nhập của cán bộ, công chức, nhưng lại chưa được kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài xử lý kê khai tài sản không trung thực, không chứng minh được tài sản có nguồn gốc hợp pháp.
Thêm vào đó, những đối tượng tham nhũng lại thường xuyên tẩu tán tài sản bằng cách để người thân, họ hàng nắm lợi ích, đứng tên tài sản lớn, hoặc mua vàng, USD, đồ vật quý hiếm để ẩn giấu. Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành lại chưa quy định cán bộ, công chức phải công khai tài sản một cách rộng rãi, dễ dẫn đến khó đánh giá sự minh bạch trong kê khai tài sản và biến động tài sản của cán bộ, công chức.
Cùng quan điểm ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị, việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức phải có trọng tâm, trọng điểm, không tràn lan, tập trung ở những người có chức vụ, quyền hạn, người làm việc ở nơi nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng… Người kê khai tài sản phải chịu trách nhiệm chính về tính trung thực của bản kê khai. Cơ quan chức năng phải thực hiện kiểm tra, thẩm định rõ ràng, kịp thời phát hiện tài sản bất minh.
ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) kiến nghị, việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng lần này cần bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình tăng - giảm tài sản và các khoản giao dịch có giá trị lớn của cán bộ, công chức. Bổ sung hình thức giải trình về nhà và xe đang sử dụng, nhà và xe do vợ, con quản lý, tránh xảy ra sự né tránh bằng hình thức “nhà thì ở nhờ, xe thì đi mượn, tiền thì đi vay”. Bên cạnh đó, để từng bước xử lý tận gốc tham nhũng, Quốc hội, Chính phủ cần sớm đầu tư hạ tầng để cả nước chuyển sang chế độ thanh toán bằng tài khoản ngân hàng, nhằm kiểm soát được biến động của tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức, bảo đảm “thật - giả” đều bộc lộ dưới ánh sáng của công lý. Đây là giải pháp toàn diện góp phần quản lý dòng tiền lưu thông.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng nói rằng, những vụ việc, hành vi tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu nhỏ, ở cấp xã, huyện, qua đó “vạch mặt những con mèo ăn vụng của dân, của nước”, hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng thì đều do cơ quan điều tra Trung ương xét xử. “Dư luận xã hội và nhân dân rất quan ngại về tình hình tham nhũng cấp tỉnh ít được phát hiện và xử lý”, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) thẳng thắn. Phải chăng chúng ta đang bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này, hay khi phát hiện thì xử lý theo kiểu “khép kín nội bộ”, “phê bình nghiêm khắc”, “kiểm điểm rút kinh nghiệm”? Đặt ra câu hỏi này, ĐB Hoàng Đức Thắng đề nghị, Chính phủ cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể “giơ cao đánh khẽ” mãi.
“Tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ là có”
Một khía cạnh khác trong Báo cáo của Chính phủ “chưa đề cập đến”, đó là phòng, chống tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ công chức, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang)- Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng – An ninh phản ánh, đánh giá về phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ, Báo cáo chỉ dừng ở công tác luân chuyển cán bộ, công chức. Kết quả báo cáo đầy đủ là 29.261 cán bộ, công chức được luân chuyển và công tác luân chuyển được đánh giá là cần thiết để phòng ngừa tham nhũng, và kèm theo nhận xét, tuy nhiên, việc thực hiện ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa thường xuyên, hình thức, kiểm tra, thanh tra thiếu được thực hiện.
Đồng thời, tại phiên thảo luận một số ĐBQH cũng đặt câu hỏi về có hay không tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ, công chức? Theo đó, việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ mới chỉ dừng lại ở việc luân chuyển cán bộ, công chức. Công tác luân chuyển được nhận xét là cần thiết để phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, việc thực hiện ở một số bộ, ngành địa phương lại chưa thường xuyên, kiểm tra, thanh tra lại thiếu và yếu. Rõ ràng, có tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ, bởi lẽ, việc bổ nhiệm cán bộ tuy “đúng quy trình” mà người tài, người có đức lại không được bổ nhiệm, trong khi đó, một bộ phận cán bộ, công chức đạo đức kém hơn lại được bổ nhiệm (?). Tai hại hơn, khi được bổ nhiệm họ lại có quyền rất lớn là “quyền hành dân và hành doanh nghiệp”.
Về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ đặt vấn đề: Có hay không tham nhũng trong bổ nhiệm công chức? Nếu có thì báo cáo chưa đầy đủ, còn nếu không, sao nói đúng quy trình mà người có tài, có đức không được bổ nhiệm, còn người kém lại được trao quyền?
ĐB Nguyễn Mai Bộ cũng khẳng định: “Tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ là có!”. Sở dĩ có là vì, theo nguyên lý “không có lửa thì không có khói”. Cho nên, như cách nói của ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre), thì dân gian kết luận “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ và bốn trí tuệ” hẳn là có lý.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội
Cho rằng phòng chống tiêu cực trong bổ nhiệm cán bộ là rất khó, ĐB Nguyễn Mai Bộ phân tích, chỉ có hành vi nhận – đưa hối lộ và chỉ có hai người nên không bao giờ họ khai báo, dù có người thứ 3 thì cũng không có chứng cứ hoặc có chứng cứ nhưng không đủ.
“Tham nhũng trong công tác cán bộ cần phải chống, vì nếu không làm tốt vấn đề này thì hệ quả sẽ tạo đội ngũ cán bộ mà Nghị quyết Trung ương 6 đã đánh giá rất dau lòng! Làm tốt thì có đội ngũ cán bộ đủ chức quyền, liêm chính và năng lực để hoàn thành nhiệm vụ. Còn ngược lại sẽ có đội ngũ yếu kém, mà nguy hiểm hơn là thế hệ tham nhũng thứ hai xuất hiện vì sau khi “chạy” để có quyền thì người đó phải “tính bài” thu lại, và không có cách nào khác là tham nhũng” – ĐB Nguyễn Mai Bộ nói.
Về giải pháp, ĐB Nguyễn Mai Bộ đề nghị phải sửa Luật cán bộ công chức, bổ sung quy định phương pháp đánh giá cán bộ công chức trước khi bổ nhiệm theo tiêu chí cụ thể một cách công bằng, minh bạch. Khi đó, người được bổ nhiệm thấy mình xứng đáng và tự hào.