Trước HĐXX, bị cáo Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản đã thể hiện sự ăn năn, hối hận. Bị cáo nghẹn ngào nói: “Tôi nhận lỗi, tôi sai, tôi không ngụy biện cho tội lỗi của mình".
Trong phần tự bào chữa, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam đã thể hiện sự ân hận của mình, bị cáo này đã khóc. Bị cáo Nam trình bày: Ngay từ khi về nước, bị cáo đã nhận sai, nhận thức rằng, công chức mà nhận tiền là sai về góc độ pháp luật.
Trình bày về những khó khăn trong công việc thời dịch bệnh Covid 19, ông Nam cho rằng: Bị cáo làm việc này lúc đó rất khó khăn. Với tình cảm con người, với hoàn cảnh khó khăn đó thì ai cũng làm như bị cáo. Việc bị cáo thực hiện mang lại lợi ích cho công dân, mặc dù có sai phạm dẫn đến hoàn cảnh hôm nay.
“Tôi nhận lỗi, tôi sai, tôi không ngụy biện cho tội lỗi của mình”, bị cáo nói.
Theo cáo buộc của VKS, trong thời gian từ tháng 1- 12/2021, bị cáo Vũ Hồng Nam đã nhận hối lộ 2 lần, tổng số 450 triệu đồng và 60 ngàn USD (tương đương hơn 1,8 tỷ đồng).
Với hành vi trên, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX xử phạt mức án từ 4 - 5 năm tù đối với bị cáo Vũ Hồng Nam về tội “Nhận hối lộ”.
Bào chữa cho bị cáo Vũ Hồng Nam, luật sư Trần Nam Long cho biết, ông hoàn toàn đồng ý với mô tả hành vi và tội danh áp dụng đối với thân chủ, đồng ý với quan điểm của VKS trong Bản luận tội về việc cần có chính sách phân hóa, giảm nhẹ đối với những bị cáo nhận tiền hối lộ do không chống lại được sự cám dỗ nhưng không đòi hỏi, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Luật sư cũng cho rằng, mức án từ 4 - 5 năm tù mà VKS đề nghị là tương đối phù hợp. Tuy nhiên, luật sư cũng rất mong HĐXX và VKS xem xét, cân nhắc thêm khía cạnh bối cảnh dẫn tới hành vi phạm tội để xem xét, giảm nhẹ hơn nữa trách nhiệm hình sự cho Vũ Hồng Nam.
Theo luật sư Trần Nam Long, ông Nam không hề có ý thức thực hiện việc tổ chức các chuyến bay nhằm mục đích vụ lợi, mà mục đích lớn nhất là để bảo hộ công dân; giải tỏa sức ép chính trị, ngoại giao của nước bạn; và bảo vệ uy tín quốc gia.
Tại thời điểm bùng phát dịch bệnh (tháng 6/2020), có hơn 500.000 công dân làm việc tại Nhật. Đặc điểm chung của cộng đồng người Việt Nam ở Nhật là xuất thân từ các gia đình nghèo, ở nông thôn, sang Nhật lao động phổ thông dưới dạng visa du học, hoặc đi học tiếng kết hợp làm việc để lấy tiền chi trả học phí và tiền ăn ở (gia đình không chu cấp), nhiều người Việt sinh sống bất hợp pháp.
Lao động và sinh viên Việt Nam chủ yếu làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhà hàng, lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp… Khi dịch bệnh xảy ra, lĩnh vực người Việt Nam làm việc bị ảnh hưởng nặng nề khiến cho họ không có công ăn việc làm, mất nguồn sống, không có nơi ở.
Trong 2 năm 2020 - 2021, có khoảng 86 nghìn bản đăng ký về nước của công dân.
Lúc này, Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội đã có công hàm chính thức đề nghị Việt Nam sớm giải quyết việc đưa công dân Việt Nam về nước, các chính trị gia, Bộ Ngoại giao Nhật cũng liên tục gọi điện thoại, gặp Đại sứ để nêu yêu cầu.
“Bối cảnh cực kỳ bức thiết, đó là lý do thân chủ tôi phải liên tục gửi 11 công điện và điện mật cho Bộ Ngoại giao, Chính phủ và rất nhiều văn bản cho các địa phương, liên hệ với các doanh nghiệp có năng lực đưa thêm càng nhiều công dân về nước càng tốt. Trên thực tế đã tổ chức thêm 16 chuyến bay với gần 5.000 công dân về nước, trong đó có 6 chuyến bay của Công ty Nhật Minh”, luật sư nêu rõ.
Theo luật sư, bị cáo Nam tổ chức các chuyến bay về nước, trước hết xuất phát từ lương tâm của một người cán bộ, đảng viên đứng mũi chịu sào và chứng kiến hoàn cảnh của đồng bào mình, dưới áp lực ngoại giao của nước bạn, với trách nhiệm bảo vệ uy tín của đất nước.
Ngoài ra, luật sư cũng cho rằng việc nhận tiền của bị cáo Nam có lỗi không nhỏ từ phía doanh nghiệp. Cụ thể, kết quả xét hỏi tại phiên tòa và hồ sơ vụ án đã cho thấy rõ bản thân bị cáo Nam chưa bao giờ chủ động đặt vấn đề, mặc cả hay gợi ý doanh nghiệp phải tặng tiền, quà.
Hai buổi gặp gỡ giữa bị cáo Nam với bị cáo Nghĩa đều diễn ra theo cùng một cách thức (Bị cáo Nghĩa liên tục gọi điện, nhắn tin xin gặp, còn bị cáo Nam liên tục khước từ). Khi gặp gỡ, hai người chỉ nói về việc tổ chức chuyến bay sao cho an toàn, tiết kiệm, làm sao đưa được nhiều công dân về nước với chi phí thấp nhất chứ không bao giờ có việc đòi hỏi tiền nong.
Mặt khác, cả hai lần nhận tiền đều rơi vào thời điểm nhiều tháng sau khi các chuyến bay đã được thực hiện xong, lại là dịp Tết âm lịch. Trong buổi gặp, bị cáo Nghĩa để lại túi quà rồi nhanh chóng ra về và ông Nam chỉ biết có tiền sau khi bị cáo Nghĩa đã ra về. Như vậy, việc nhận tiền của bị cáo Nam có lỗi lớn từ sự chủ động áp sát, nài ép từ phía doanh nghiệp. Về phía mình, bị cáo Nam cũng có lỗi là không cưỡng lại sự cám dỗ.
Cũng theo phân tích của luật sư Long, ngay khi trở về nước làm việc với Cơ quan điều tra, bị cáo Nam đã nhận thức rõ sai phạm của mình và luôn có thái độ ăn năn, hối cải, tích cực hợp tác. Vì vậy, luật sư cho rằng mức án 3 năm tù là phù hợp với tính chất, hành vi nhận hối lộ nhưng có tính đặc thù cao của bị cáo Nam, phù hợp với thái độ thành khẩn, cương quyết nhận sai và sửa sai.