Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND (13/9/1945- 13/9/2015), Ban cán sự Đảng TANDTC đã chỉ đạo tổ chức Cuộc vận động sáng tác văn học và âm nhạc về TAND.
Qua 2 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 72 tác phẩm âm nhạc, 77 tác phẩm văn xuôi, 164 tác phẩm thơ, trong đó nhiều tác phẩm có nội dung tốt, chất lượng nghệ thuật cao.
Cuộc vận động có sức thu hút và lan tỏa mạnh mẽ
Thực hiện chủ trương của Ban cán sự đảng TANDTC, ngày 10/3/2015, Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 14/2015/QĐ-TANDTC thành lập Ban Tổ chức và ban hành Thể lệ Cuộc vận động sáng tác tác phẩm văn học và âm nhạc về TAND. Cuộc vận động nhằm thu hút đông đảo các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp cũng như cán bộ, công chức, người lao động TAND, TAQS các cấp đầu tư trí tuệ, công sức sáng tạo nhiều tác phẩm có chất lượng phản ánh về hoạt động của Tòa án trong 70 năm qua. Thông qua các tác phẩm văn học, báo chí và âm nhạc để ca ngợi người Thẩm phán, cán bộ công chức Tòa án các cấp trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; giáo dục truyền thống và khơi dậy niềm tự hào về sứ mệnh cao cả, vinh quang của TAND - biểu tượng cho công lý trong đời sống xã hội. Những tác phẩm văn học, âm nhạc có chất lượng của Cuộc vận động sẽ được bổ sung vào kho tàng tư liệu, truyền thống TAND, làm đòn bẩy, động lực để cán bộ, công chức toàn hệ thống TAND thêm tự hào, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.
Đồng chí Bùi Ngọc Hòa chủ trì buổi Tọa đàm sáng tác văn học và âm nhạc về TAND
Để cuộc vận động thực sự có hiệu quả, Ban Tổ chức Cuộc vận động đã phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam và các Tòa án địa phương tổ chức tọa đàm tại 3 miền Bắc, Trung, Nam với sự tham dự của các nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo có uy tín trên cả nước. Đồng thời, Ban tổ chức đã bố trí cho các văn nghệ sĩ đi thực tế tại TP Hà Nội, Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác để gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi với những Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án; tham dự các phiên tòa hình sự, dân sự, tiếp xúc với những con người cụ thể trên con đường đi tìm công lý để có thêm chất liệu làm phong phú cho quá trình sáng tác.
Tại Hà Nội, có tác giả đã chủ động tìm kiếm thông tin qua những phiên tòa; trực tiếp trò chuyện với các Thẩm phán tiêu biểu. Ở miền Trung, các văn nghệ sĩ đã thăm, làm việc với TAND cấp cao tại Đà Nẵng và được Thẩm phán chia sẻ, cung cấp thông tin để có được cái nhìn sâu hơn về nghề xét xử. Mỗi người mỗi tâm trạng, mỗi vụ án là một hoàn cảnh khác nhau. Họ hiểu rằng người Thẩm phán không chỉ cần có một cái đầu lạnh để phán xét công minh mà còn cần một trái tim nhân văn để thấu hiểu, chia sẻ với mỗi thân phận, hoàn cảnh trong vụ án. Đoàn văn nghệ sỹ cũng tham dự các phiên tòa tại TAND TP Đà Nẵng; gặp gỡ trao đổi với lãnh đạo, Thẩm phán, Thư ký của Tòa án quận, huyện để trao đổi sâu hơn, cụ thể hơn về một số tình huống, nhân vật và những quy định pháp luật liên quan đến các thủ tục tố tụng. Đồng thời, đoàn văn nghệ sĩ đã đến gặp gỡ, trao đổi với các cán bộ, công chức TAND TP Huế để hiểu những khó khăn, trăn trở, tâm tư, trọng trách của các Thẩm phán qua những phiên tòa…
Ban tổ chức và Ban giám khảo thẩm định các tác phẩm âm nhạc về TAND
Thông qua những buổi tọa đàm, những chuyến đi, các nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo đã hiểu hơn về chặng đường 70 năm xây dựng, phát triển của hệ thống TAND. Thâm nhập vào thực tiễn cuộc sống và công tác của người cán bộ Tòa án, các văn nghệ sĩ thấy rằng những cán bộ, công chức, người lao động cũng đầy tâm tư, tình cảm; cũng có những khó khăn, trăn trở trong việc đấu tranh nội tâm, đấu tranh pháp lý của người làm công tác xét xử. Đây là “mảnh đất hiện thực” vô cùng sống động, sâu sắc, có sức thuyết phục và giá trị nhân văn cao cả, là chất liệu quý, là nguồn đề tài phong phú để các văn nghệ sĩ khám phá, sáng tạo nên các tác phẩm sinh động, hấp dẫn.
Đông đảo các văn nghệ sĩ và cán bộ, công chức TAND tham gia
Kể từ ngày phát động 28/5/2015 cho đến ngày 31/7/2015 tuy diễn ra trong thời gian ngắn (2 tháng), nhưng do có sự chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời của lãnh đạo TANDTC, của Ban Tổ chức và được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nên Cuộc vận động sáng tác các tác phẩm âm nhạc và văn học về TAND đã thu hút được đông đảo các văn nghệ sĩ và cán bộ, công chức TAND các cấp tham gia. Ban Tổ chức đã nhận được 72 tác phẩm âm nhạc (trong đó có 36 tác phẩm đã phối khí dàn dựng thu âm một cách công phu); nhận được 241 tác phẩm văn học (trong đó có 77 tác phẩm văn xuôi, 164 tác phẩm thơ). Mỗi tác phẩm là một cách thể hiện, một góc nhìn; nhiều tác phẩm đã nêu bật được quá trình xây dựng, phát triển và những đóng góp to lớn của TAND, TAQS các cấp trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc, từ ngày thành lập cho tới giai đoạn đổi mới hiện nay. Có tác phẩm lại ca ngợi sự hy sinh thầm lặng, những khó khăn, vất vả nhưng hết sức vinh quang của người Thẩm phán Tòa án trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân thông qua hoạt động xét xử.
Nhìn tổng thể, phần lớn các tác phẩm đều khẳng định dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, TAND đã có nhiều giai đoạn cải cách, đổi mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Tòa án các cấp đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và cuộc sống bình yên của nhân dân. Thông qua hoạt động xét xử, TAND đã tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân.
Trước số lượng các tác phẩm văn học và âm nhạc dự thi khá lớn, để có cơ sở thẩm định và xếp loại, lãnh đạo TANDTC đã phối hợp chặt chẽ với Hội nhạc sỹ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam thành lập Ban Giám khảo để thẩm định và chấm điểm. Các thành viên Ban Giám khảo đều là những nhà văn, nhà báo, nhà thơ và nhạc sĩ có uy tín để tham gia Hội đồng thẩm định, xét chọn. Với trọng trách được giao, các thành viên Ban Giám khảo đã tận tâm, vô tư, khách quan, kỳ công “đãi cát tìm vàng” để lựa chọn ra các tác phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của cuộc vận động.
Với tổng số 313 tác phẩm dự thi, qua nhiều lần xem xét, thẩm định, Ban Giám khảo đã bình chọn ra những tác phẩm dự thi thực sự có chất lượng. Có tác phẩm âm nhạc khi vang lên thì hừng hực khí thế phản ánh bề dày phát triển và trưởng thành của TAND trong 70 năm; có tác phẩm thì sâu lắng làm nổi bật hình tượng người Thẩm phán với những tâm tư, tình cảm thông qua hoạt động xét xử. Ở thể loại văn học, hình ảnh TAND và người cán bộ Tòa án cũng được các tác giả kỳ công xây dựng để khắc họa đa chiều về những con người được giao trọng trách “cầm cân nảy mực”; phản ánh được thành tựu, phương châm hành động, định hướng phát triển, quyết tâm của hệ thống Tòa án trong việc phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ công bằng, lẽ phải; quyết tâm của Tòa án trong sự nghiệp cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị. Nhiều tác phẩm dự thi của các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp đã đạt đến giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao sẽ góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, giáo dục chính trị tư tưởng không chỉ cho đội ngũ Thẩm phán, cán bộ trong hệ thống các Tòa án, mà còn có ý nghĩa giáo dục chung trong toàn xã hội về sự nghiệp đấu tranh cho công lý, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; phản ánh được vị thế của TAND đã được Hiến pháp ghi nhận và khẳng định: “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.
Dưới đây là một số ý kiến của Ban Giám khảo
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hồng, Tổng Biên tập Báo Công lý, Trưởng ban Tổ chức Cuộc vận động sáng tác văn học và âm nhạc về TAND:
Dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC, Ban Tổ chức đã mời được nhiều nhà văn, nhạc sỹ tham gia viết các tác phẩm âm nhạc và văn học phản ánh về TAND. Với tài năng sáng tạo của mình, các tác giả đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị tôn vinh sứ mệnh cao cả của TAND là “cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp”, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người; đồng thời qua các loại hình nghệ thuật đã phản ánh tâm tư, tình cảm của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án; ca ngợi tình yêu nghề, tính nhân văn cao cả của người cán bộ Tòa án thông qua hoạt động xét xử. Những bài thơ hay, tác phẩm âm nhạc có chất lượng đang được Ban Tổ chức dàn dựng bởi các ca sĩ chuyên nghiệp để công diễn dịp kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND. Bên cạnh đó, những tác phẩm văn học, báo chí, âm nhạc tiêu biểu sẽ được tuyển lựa để in ấn, phổ biến, quảng bá rộng rãi trong hệ thống TAND và độc giả cả nước.
Cuộc vận động sáng tác âm nhạc và văn học về TAND đã thành công tốt đẹp, thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, các tác giả trong cả nước đã tâm huyết hưởng ứng cuộc vận động, và mong được các văn nghệ sĩ tiếp tục đồng hành để TAND có những tác phẩm âm nhạc, văn học có giá trị, từ đó có điều kiện đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ, tạo không khí phấn khởi, tự hào, góp phần cùng hệ thống TAND hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam:
Đây là lần thứ hai tôi được mời làm giám khảo để thẩm định, bình chọn các tác phẩm âm nhạc sáng tác về TAND. Mảng đề tài âm nhạc nói về TAND, về những con người làm công tác xét xử là rất khó đối với các nhạc sĩ. Bên cạnh những nhạc sĩ chuyên nghiệp, cuộc vận động cũng đã thu hút số lượng lớn cán bộ, công chức TAND tham gia sáng tác nên nhiều tác phẩm mang đậm hơi thở của cuộc sống.
Các tác phẩm tham dự lần này rất đa dạng, thể hiện tâm tư, tình cảm của người Thẩm phán, cán bộ Tòa án đối với truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển của TAND; những trăn trở, suy tư của người Thẩm phán trong quá trình xét xử, thực thi nhiệm vụ bảo vệ công lý. Cuộc vận động sáng tác chỉ diễn ra khoảng 2 tháng mà có được 72 tác phẩm âm nhạc tham dự thì đó là một con số khá ấn tượng và là thành công lớn của TAND. Tôi xin chúc mừng và hy vọng cuộc vận động sáng tác sẽ diễn ra thường niên chứ không chỉ nhân dịp kỷ niệm 70 năm truyền thống.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam:
Các tác phẩm văn học tham dự tương đối đa dạng về thể loại, cách thể hiện cũng mỗi người một vẻ. Cảm nhận chung về mảng văn xuôi, tôi nhận thấy có tác phẩm viết theo thể ký là chuyện thật, không hư cấu; có tác phẩm viết theo lối truyện ngắn, kể chuyện đã khắc họa được hình ảnh người Thẩm phán rất nhân văn. Có tác phẩm khi đọc xong gây cho ta phải suy ngẫm, đó là những câu chuyện rất đời thường nhưng thực sự cảm động như tác phẩm “Cha con và tâm sự người Thẩm phán”.
Những tác phẩm văn học tham dự cuộc vận động nhiều bài có nội dung rất khá; nếu được biên tập, chỉnh sửa và tuyên truyền rộng rãi sẽ làm cho người dân hiểu sâu hơn về công việc của những người làm công tác xét xử.
Nhạc sĩ Vũ Duy Cương, Chánh văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam:
Tôi rất vui mừng được dự cuộc vận động lần thứ II sáng tác ca khúc. Lần trước cách đây 5 năm chỉ vận động sáng tác ca khúc. Lần này cuộc vận động có cả sáng tác văn học với quy mô tương đối lớn, qua đó thấy rằng lãnh đạo TANDTC rất quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần của người cán bộ Tòa án, từ đó vận động các văn nghệ sỹ tham gia đóng góp bằng tác phẩm để xây dựng Tòa án các cấp ngày càng phát triển.
Đây là đề tài khó, nhạy cảm, nhưng cũng là mảnh đất trù phú để các nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà thơ có cơ hội để thể hiện, sáng tác. Rất mừng là Ban tổ chức Cuộc vận động đã quy tụ được nhiều tác giả có tên tuổi trong lĩnh vực âm nhạc, báo chí, văn thơ và cán bộ Tòa án đã và đang công tác. Với trên 300 tác phẩm văn học và âm nhạc thuộc nhiều thể loại gửi về TANDTC cho tấy số lượng là rất lớn. Về chất lượng, ở lĩnh vực âm nhạc tôi thấy có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao, có giá trị… đã cho thấy cuộc vận động này đã thành công!
Nhạc sĩ Doãn Nguyên, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam:
Viết các ca khúc về Tòa án là đề tài cần phải có những bài thật tình cảm và cần phải được thể hiện bằng nhiều thể loại, qua đó phản ánh được công việc của Tòa án trong việc bảo vệ công bằng, lẽ phải, giữ gìn kỷ cương của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Ban tổ chức đã tạo điều kiện cho các nhà văn, nhà thơ, nhà báo thâm nhập thực tế, cùng chia sẻ, trao đổi nên đã có những tác phẩm đạt chất lượng. Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam đã và đang dàn dựng các tác phẩm âm nhạc có chất lượng tốt để công diễn, và tôi hy vọng các nhạc phẩm này không chỉ vang lên trong đêm công diễn, mà sẽ lan tỏa trong đời sống xã hội, nhất là Tòa án các cấp, trở thành món ăn tinh thần góp phần làm phong phú đời sống văn hóa văn nghệ của các cán bộ TAND.
Nhà văn Hồng Thái, Hội viên Hội Nhà văn, Giám đốc Nhà xuất bản Công an nhân dân:
Tôi thấy rằng Ban Tổ chức đã mời được những nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo có uy tín và cộng tác rất nhiệt tình với Tòa án. Tôi hoan nghênh cuộc vận động sáng tác này. Tôi mong rằng hệ thống TAND cần có nhiều cuộc vận động sáng tác hơn nữa, vì những tác phẩm văn học, nghệ thuật đề cập sâu sắc đến hoạt động của Tòa án, đến đời sống tâm tư, tình cảm của Thẩm phán; phản ánh những khó khăn, trăn trở trong việc đấu tranh nội tâm, đấu tranh pháp lý trong quá trình đi tìm công bằng, lẽ phải của những người làm công tác xét xử dường như còn hạn chế.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang, Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết:
Mảnh đất Tòa án là nơi còn rất nhiều tài nguyên chưa được văn học, nghệ thuật khai phá. Vì vậy người dân hiểu về Tòa án chưa nhiều. Do vậy, cần phải thông qua các tác phẩm để truyền tới người dân, để công chúng hiểu rõ hơn hiểu hơn về hoạt động của Tòa án. TANDTC cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá rộng rãi các tác phẩm đoạt giải trên phương tiện truyền thông, bởi không có gì thuyết phục công chúng bằng các tác phẩm nghệ thuật.
Tôi hy vọng TANDTC sẽ có thêm các cuộc vận động sáng tác với nhiều loại hình nghệ thuật hơn nữa, và nếu có, văn nghệ sỹ chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với TANDTC.