199 tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm được trưng bày tại bảo tàng của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn tại TP.HCM. Đây là cuộc trưng bày lớn nhất về danh họa Nguyễn Tư Nghiêm từ trước đến nay.
Nhân dịp ra mắt cuốn sách về danh họa Nguyễn Tư Nghiêm (NXB Thông Tấn) do Trần Hậu Tuấn biên soạn, tác giả trưng bày 199 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, thuộc bộ sưu tập của mình.
Có thể nói đây là cuộc trưng bày lớn nhất về danh họa Nguyễn Tư Nghiêm từ trước đến nay.
Triển lãm tranh diễn ra đến ngày 1/10/2023 tại bảo tàng của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn, quận Tân Bình, TP.HCM.
Trong số 199 tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, có 150 tranh bột màu, 38 tranh phác thảo được vẽ pastel, mực và khắc gỗ, 2 tranh sơn dầu, 8 tranh sơn mài và 1 sơn mài vẽ trên thớt gỗ của cố danh họa.
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm (1918-2016) người Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1941 – 1946).
Lúc đang học năm thứ 3, ông gây chú ý của giới hội họa với bức tranh sơn dầu Người gác Văn Miếu giành được giải nhất tại Salon Unique năm 1944.
Trong kháng chiến, ông giảng dạy tại Trường Mỹ thuật kháng chiến ở Việt Bắc.
Ông lập gia đình năm 73 tuổi, với bà Thu Giang, người kém mình 28 tuổi, là con gái út của nhà văn Nguyễn Tuân.
Ông thổ lộ, quanh ông lúc nào cũng có nhiều phụ nữ, nhưng ông chưa từng cưới và công nhận ai là vợ. Chỉ Thu Giang là vợ ông.
Chất liệu mạnh nhất của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là sơn mài truyền thống nhưng không mài, về sau là bột màu, giấy dó.
Chủ đề hay gặp trong tranh ông là những điệu múa cổ, Thánh Gióng, Kiều, và những con giáp. Màu ông yêu thích là màu của dân gian Việt Nam.
Ông vẽ rất nhiều tranh về Thánh Gióng với tạo hình mạnh mẽ, cùng một ông Gióng, một con ngựa, mà chất liệu khác nhau, tư thế khác nhau.
Ông nói: “Tôi không gắn bó với một nghệ thuật nước ngoài nào cả, tôi chỉ tìm nơi dân tộc và thấy trong dân tộc có nhân loại và hiện đại”.
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là một tấm gương lao động nghệ thuật, ông vẫn vẽ hàng ngày và nghiêm túc tìm tòi sáng tạo, ngay cả khi đã ngoài 90 tuổi.
Họa sĩ được giới chuyên môn trang trọng xếp vào nhóm “tứ trụ” thế hệ thứ hai của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, bao gồm các danh họa "Nghiêm - Liên - Sáng - Phái" (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái).
Di sản nghệ thuật mà danh họa Nguyễn Tư Nghiêm để lại trong lịch sử hội hoạ thực sự phong phú và khơi nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác nhau, không chỉ riêng hội hoạ. Hơn thế, di sản ấy còn tạo những hiệu ứng lý thuyết về cảm thụ và tạo tác, truyền thống và cách tân, triết lý và trực quan...
Trong khuôn khổ triển lãm tranh sẽ diễn ra buổi hội thảo về họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm tại bảo tàng.