Bước vào mùa thứ 18, cuộc thi “Tiếng hát Hữu nghị Việt- Trung” được kỳ vọng sẽ ngày càng lan toả và trở thành một sân chơi nghệ thuật chuyên nghiệp, giàu sức hút.
Những ngày này tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), các hoạt động chuẩn bị cho đêm chung kết Việt Nam (10.11 tại Hà Nội) và chung kết quốc tế “Tiếng hát Hữu nghị Việt - Trung 2018” (28.11 tại Quảng Tây, Trung Quốc) đang diễn ra gấp rút.
Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng
Theo NSƯT Anh Tuấn (Nhà hát Ca Múa nhạc Việt Nam, Giám đốc Nghệ thuật cuộc thi), “Tiếng hát Hữu nghị Việt - Trung ” đến nay đã bước vào mùa thứ 18, với quy mô ngày càng mở rộng và sức lan toả, thu hút ngày càng lớn. Để lựa chọn những giọng ca xuất sắc tham gia đêm chung kết quốc tế tại Quảng Tây, tối 10.11 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Cục Hợp tác quốc tế, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam (Bộ VHTTDL) phối hợp với Đài Phát thanh Nhân dân Quảng Tây (Trung Quốc) sẽ tổ chức Đêm chung kết Việt Nam với sự tham gia của 3 nhóm nhạc và 18 thí sinh đã lọt qua vòng sơ khảo diễn ra tại ba miền Bắc, Trung, Nam.
“Với mong muốn nâng tầm thương hiệu cho sự kiện giao lưu văn hoá ý nghĩa này, các đơn vị tham gia tổ chức đều hướng đến mục tiêu mở rộng quy mô cũng như đẩy mạnh chất lượng cuộc thi. Nếu trước đây vòng sơ tuyển chỉ diễn ra tại Hà Nội thì từ ba mùa gần đây, chúng tôi đã rong ruổi khắp ba miền Bắc, Trung, Nam để kỹ càng tuyển chọn những giọng hát tiềm năng, nội lực, có tố chất nhằm khẳng định chất lượng và tính chuyên nghiệp của sân chơi nghệ thuật này”, NSƯT Anh Tuấn cho biết.
Trong mùa đầu tiên khi BTC cuộc thi quyết định mở rộng quy mô tổ chức ở ba miền, ngoại trừ khu vực phía Bắc thì số thí sinh tham gia ở khu vực miền Trung, miền Nam còn thưa thớt. Đến nay, số lượng thí sinh ở hai khu vực tham gia đã tăng vượt trội. Kết thúc sơ tuyển năm 2018, ban giám khảo đã tuyển chọn được 3 nhóm nhạc tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và 18 thí sinh ở cả ba miền tham gia tranh tài. “Khu vực tập trung nhiều giọng hát chất lượng chủ yếu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hai địa điểm có nhiều cơ sở đào tạo nghệ thuật...”, Giám đốc nghệ thuật cuộc thi, NSƯT Anh Tuấn cho biết.
Mong muốn có thêm sắc màu âm nhạc thị trường
Cũng theo NSƯT Anh Tuấn, trước đây “chủ lực” cuộc thi thường nằm ở các trường đào tạo VHNT khu vực phía Bắc như Học viện Âm nhạc quốc gia, Đại học VHNT Quân đội... nhưng đến nay “đường biên” cuộc thi đã ngày càng rộng mở. Đảm trách vai trò Giám đốc nghệ thuật trong 5 năm qua, NSƯT Anh Tuấn nhận định, càng ngày ý thức của các thí sinh về nâng cao chất lượng nghệ thuật cuộc thi càng rõ rệt. 5 năm trước, các thí sinh chọn ca khúc thường gần giống nhau. Càng ngày, các ca khúc được chọn tham gia dự thi càng phong phú hơn, mở ra nhiều dòng nhạc đa dạng, cuốn hút như thính phòng, nhạc nhẹ, dân gian, nhạc trẻ...
Những người “nuôi dưỡng” chất lượng nghệ thuật cuộc thi cũng không giấu mong mỏi “Tiếng hát Hữu nghị Việt- Trung” sẽ bắc cầu đến với đông đảo công chúng với những gam màu thị trường nhiều hơn. “Nghĩa là bên cạnh yếu tố ngoại giao, thúc đẩy giao lưu văn hoá và tình hữu nghị, chúng tôi cũng mong muốn những giọng ca trẻ với các chất giọng mang màu đương đại sẽ đưa hơi thở, nhịp điệu của cuộc sống vào cuộc thi qua những ca khúc mới mẻ, trẻ trung. Đây cũng là yếu tố để cuộc thi trở nên gần gũi và được khán giả, đặc biệt là giới trẻ thêm yêu mến”, nghệ sĩ Anh Tuấn nói.
Sau đêm chung kết Việt Nam sẽ có 5 tiết mục xuất sắc được lựa chọn để sang Trung Quốc tham dự vòng chung kết quốc tế diễn ra vào ngày 28.11. Hiện 18 thí sinh và 3 nhóm nhạc đang gấp rút tập luyện cho những tiết mục công phu, chất lượng của đêm chung kết Việt Nam. Tại đây, mỗi thí sinh sẽ trình diễn một ca khúc tiếng Việt và một ca khúc tiếng Trung. Ca sĩ trẻ Bùi Thị Hoàng Yến (Khoa Thanh nhạc Trường Đại học VHNT Quân đội) hào hứng: “Cuộc thi là một sân chơi nghệ thuật thú vị, mang đến cơ hội cho các thí sinh để tìm hiểu, trau dồi và chuẩn bị hành trang cho con đường nghề nghiệp sau này. Sân chơi càng có ý nghĩa hơn khi các giọng ca sẽ được cất lên trong một không gian nghệ thuật rộng mở, với những ca khúc về tình hữu nghị....”. Với những giọng hát trẻ như Yến, bước vào một cuộc thi mang tính giao lưu như vậy không hẳn dễ dàng. Bên cạnh sự cạnh tranh khá quyết liệt còn là thử thách của phần hát tiếng Trung. Yến tâm sự: “Với những người chưa từng hát tiếng Trung thì khởi đầu này quả rất khó khăn. Tự mày mò học, vỡ âm rồi thuộc lời và giai điệu, mỗi ngày nghe các ca sĩ đi trước hát và hát theo không biết bao nhiêu lần. Dẫu vậy, cuộc thi vẫn luôn là một điều hứng khởi và nhiều bất ngờ dành cho những nghệ sĩ trẻ. Em mong muốn sẽ cất lên những giai điệu trẻ trung, gần gũi của các sản phẩm âm nhạc đương đại, vừa mới mẻ mà vẫn phô diễn được kỹ thuật và giọng hát...”.
Khuyến khích sự tham gia của các ban, nhóm nhạc đang phát triển đa dạng tại các thị trường sôi động như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cũng là định hướng của cuộc thi trong những năm tới. Ngoài ra, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá để nâng tầm thương hiệu cũng là những mong muốn của các đơn vị tham gia tổ chức.