Cục Y tế dự phòng: Ca nhiễm Omicron ở Việt Nam không có khả năng lây cộng đồng

Thảo Nguyên| 29/12/2021 14:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam đều được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm, các trường hợp dương tính đều được chuyển đến các đơn vị có khả năng để thực hiện giải trình tự gen.

Liên quan đến ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên tại nước ta, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trường hợp này đã được cách ly, quản lý kịp thời ngay từ khi nhập cảnh. Bệnh nhân được cách ly tại phòng riêng biệt và điều trị theo phác đồ, không có biểu hiện lây lan ra cộng đồng.

Ngoài ra, theo GS Lân có 165 người đi cùng chuyến bay với bệnh nhân này. Tất cả cũng đã được cách ly tập trung theo quy định. Trong đó, chủ yếu là người ở Hà Nội và 3 địa phương khác. 

xn.jpeg
Ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại Việt Nam là khách nhập cảnh từ Anh. Ảnh minh họa

Bộ Y tế đã có công điện gửi các địa phương có người đi cùng chuyến bay để thực hiện quản lý theo quy định. 

"Như vậy, đây là ca bệnh xâm nhập. Với các biện pháp quản lý người nhập cảnh thì mầm bệnh không có khả năng lây lan ra cộng đồng", GS Lân khẳng định.

Cũng theo GS Lân, trong nước đã triển khai hệ thống giám sát các trường hợp mắc Covid-19 bất thường, các trường hợp hội chứng cúm lây lan nhanh hay có thể nặng biến đổi bất thường để chuyển về các Viện Pasteur/ Viện Vệ sinh dịch tễ để giải trình tự gen để phát hiện biến chủng Omicron.

Trước đó, vào ngày 19/12/2021, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận 1 trường hợp là hành khách trên chuyến bay QH9028 từ Anh Quốc về Việt Nam. Khi về đến sân bay Nội Bài (tối ngày 19/12/2021), hành khách có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2.

Hành khách được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly cho ca nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và được cách ly tại phòng riêng tại khu vực nhà lưu trú. Khoa Sinh học phân tử của Bệnh viện đã thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả dương tính.

Với yếu tố dịch tễ của bệnh nhân là hành khách trở về từ Anh Quốc, ngày 20/12/2021, Bệnh viện đã tiến hành giải trình tự bộ gene SARS-CoV-2 nhiễm trên bệnh nhân này bằng phương pháp giải trình tự thế hệ mới sử dụng công nghệ Oxford Nanopore (ONT), kết quả là nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron.

Tuy nhiên, do biến chủng Omicron có chứa đến 36 đột biến trong gai protein, trong đó có một số đột biến điểm, đột biến mất đoạn trong lần giải trình tự này còn chưa rõ ràng.

Do vậy, ngày 21/12/2021, bệnh viện tiếp tục tiến hành lấy mẫu, giải trình tự lại cho bệnh nhân. Kết quả giải trình tự gene của Bệnh viện cho thấy bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron (B.1.1.529). 

Biến chủng Omicron được phát hiện cuối tháng 1/2021, được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn nhiều so với biến chủng Delta.

Trước diễn biến trên, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch Covid-19 nói chung và khả năng nhiễm biến chủng Omicron nói riêng.

Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, TP chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát tất cả trường hợp nhập cảnh từ ngày 28/11 có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính bằng phương pháp NAAT (Nucleic Acid Amplification Test), PCR trong vòng 14 ngày (kể từ ngày nhập cảnh). Cạnh đó phối hợp với các viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm giải trình tự gene nhằm xác định biến chủng Omicron.

Bộ Y tế đề nghị tăng cường hệ thống giám sát ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường (số mắc, diễn biến nặng hoặc nhập viện, tử vong tăng bất thường theo thời gian, khu vực địa lý, đối tượng cụ thể…), trên cơ sở đó chủ động, phối hợp với các viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể/biến chủng mới, phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cục Y tế dự phòng: Ca nhiễm Omicron ở Việt Nam không có khả năng lây cộng đồng