Khát vọng sống tự lập đã đẩy nhiều đứa trẻ chỉ ham hố kiếm tiền mà chưa định hình được thế nào là trái pháp luật để rồi khi nhận ra thì đã muộn. Với Đinh Thị Quỳnh Dung, SN 1991, ở Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội, việc ham kiếm tiền rồi phải đứng trước vành móng ngựa, sau đó vào tù cũng không ngoại lệ.
Dung miệt mài trên khung thêu
Thẳng thắn, rạch ròi và có phần dứt khoát, Dung dễ dàng chiếm được cảm tình của người nói chuyện khi kể về cuộc đời mình. “Em không giấu giếm vì đó là quá khứ của em nhưng có điều đừng nghĩ tất cả những người sử dụng thuốc lắc đều là một loại”, Dung thẳng thắn với tôi trong một buổi chiều khô nóng bất thường ở Trại giam Thanh Phong.
Sinh ra trong một gia đình buôn bán ở phố Khâm Thiên, gia cảnh không nghèo nhưng có lẽ sở thích kiếm tiền đã ngấm vào máu khiến Dung chẳng tha thiết gì học, trong đầu luôn vơ vẩn nghĩ cách kiếm tiền tự lập. Mới chập chững ở tuổi 15, Dung xin bố mẹ nghỉ học đi làm và chọn cách sống tự lập bằng quyết định thuê nhà ở riêng. Cứ tưởng ý định điên rồ của cái tuổi mới lớn chỉ ngông cuồng một lúc rồi phải về nhà, bố mẹ Dung chiều theo ý con. Nhưng rồi mấy tháng liền không thấy Dung về nhà, những bậc phụ huynh này mới giật mình hốt hoảng, dùng đủ cách đe nẹt, dỗ dành nhưng không sao kéo được con gái trở về nhà vì tính tự do đã ăn sâu vào máu.
Không phải học, Dung phổng phao xinh đẹp, làn da láng mượt, trở thành tâm điểm thu hút khách tới quán gội đầu nơi cô xin học nghề. Choáng ngợp trước những lời tâng bốc, Dung thấy mình thật đẹp, thật cao sang, không thể phí đời khi hàng ngày mài móng tay trên đầu khách kiếm tiền, cô chuyển sang làm nghề xếp bóng bi-a theo sự giới thiệu của một người bạn. Công việc nhàn hạ, tiếp xúc với đủ các thành phần trong môi trường mới lạ, Dung bắt đầu thể hiện “đẳng cấp” bằng những câu văng tục, chửi thề.
Cô chẳng biết mình hư tới độ nào bởi luôn nhận được những lời tán dương của đám con trai học đòi cũng như sự ủng hộ của những bậc trung niên quá giàu tìm chỗ đốt tiền. Rồi Dung có người yêu, một thanh niên hơn cô 12 tuổi, thường xuất hiện ở quán bi-a nơi cô làm việc những khi chập choạng tối. Dung bảo ban đầu cô để ý đến người thanh niên này do tò mò, bởi khi nào anh ta xuất hiện là ở đó lại náo nhiệt, mọi người nhảy múa, quậy tưng bừng rất vui vẻ. Sau một thời gian chung sống, Dung mới hay người yêu mình buôn thuốc lắc. Song vì nông nổi và mù quáng, Dung chặc lưỡi cho rằng việc ai người nấy làm, cô chỉ quan tâm là Quang - tên người yêu Dung, có yêu cô thật lòng hay không mà thôi.
Thấy người yêu lúc nào cũng rủng rỉnh tiền mà chẳng tốn sức, Dung xin Quang được bán thuốc lắc nhưng không được chấp thuận. Quang bảo Dung còn nhỏ, không biết buôn bán có khi bị đầu gấu bắt nạt, mất vốn còn thiệt thân nhưng cô không nghe nên cứ nì nèo mãi. Chiều lòng người yêu, Quang đưa Dung đến vũ trường. Cô hăm hở leo lên sàn nhảy để rồi ngậm ngùi tiếc nuối bởi không đủ sức theo kịp những điệu nhảy bốc lửa.
Cô đến với thuốc lắc từ đấy và việc lấy ma túy của người tình đi bán chỉ là điều tất yếu để phục vụ những lần cắn thuốc, lên sàn đi “bay”. Dung bảo có nhiều dạng “phê” thuốc lắc: Có người dùng xong chỉ muốn quan hệ tình dục; có người lại thích nhảy múa, hát hò nhưng cũng có người chỉ ngồi im cười như ma làm… Cô chẳng thuộc loại gì vì dùng nhiều lần không thèm, không nhớ, bán hết số ma túy nhân tình đưa, vui vẻ với dân chơi một tí rồi về nhà ngủ.
Mỗi ngày qua đi, thức dậy lúc 3 giờ chiều, niềm vui lớn nhất của Dung là đếm số tiền tích lũy được và nhẩm tính số tiền lời sẽ kiếm được trong ngày. Đúng thời điểm Dung kiếm tiền nhiều nhất thì cô bị bắt. Tính theo giấy khai sinh, cô vẫn là trẻ con nên chịu phạt 10 năm tù, bằng nửa thời gian so với Quang.
Tôi hỏi: “Có hận người yêu không?”, Dung thẳng thắn: “Thấy em bán hăng quá, anh ấy bắt dừng, bảo Công an đang lập chuyên án nhưng em không nghe”. Đêm đầu tiên ở nhà tạm giữ, Dung chưa cảm nhận được mất mát, vẫn ngủ ngon lành, vô tư nếm gói quà bố mẹ gửi cho mà ngày thường chắc chẳng khi nào cô đụng đến. Lần đầu tiên bưng bát cơm trắng, Dung thật thà hỏi người đưa cơm: “Chỉ có thế này hả cô?” và câu trả lời: “Sướng không biết thân, vào đây thế là tốt rồi” đã làm Dung rơi nước mắt. Cô bảo không hiểu sao lúc đó nước mắt cứ trào ra, đói mà không nuốt nổi, nghĩ mãi rồi đành an ủi: “Đến nước này thì phải chấp nhận”. Mấy đứa cùng buồng ôm nhau khóc, sao mà nhớ nhà, nhớ bố mẹ và các em đến vậy.
“Ra tù có chờ người yêu không?”, Dung suy tư: “Chắc khó vì anh ấy ở lâu hơn em”. Hôm đi thi hành án cải tạo, cả Dung và Quang cùng lên Thanh Phong nhưng cô ở phân trại 1 còn Quang ở phân trại 2, cách nhau hơn cây số nhưng hai người chỉ gặp nhau qua những lá thư. Quang khoe được làm ở đội trồng rau, công việc tuy vất vả nhưng khỏe và vui. Dung thông báo được làm ở đội thêu ren, biết được nhiều mẫu thêu lắm, sau này sẽ tự thêu gối cưới cho mình. Chẳng biết khoe những gì nhưng cả hai đứa đều bảo nhau cố gắng cải tạo tốt để được giảm án, sớm trở về nhà. Dung bảo sau này ra trại, vì tình nghĩa, cô vẫn lên Thanh Phong thăm Quang.
Dung tỏ ra chín chắn khi cho rằng sau này về sẽ mở shop thời trang để kiếm sống. “Công việc ấy không ổn định, cố học lấy cái bằng đi làm có hơn không?”, Dung dè dặt: “Em nghĩ càng ngày xu thế làm đẹp của mọi người càng nhiều, mở shop thời trang hay cơ sở làm đẹp đều hút khách”. Mới qua hai cái Tết trong tù, tính hiếu thắng tuổi teen đã nhường chỗ cho sự chín chắn, Dung già dặn rất nhiều so với các cô gái tuổi 19 khi ấp ủ dự định cho ngày trở về. Một kết thúc có hậu rất đáng trông chờ ở những cô gái lần đầu vấp ngã như Dung.
Nguyễn Tiến