Giao thông

CSGT TP.HCM xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên Quốc lộ 1

Kim Sáng 20/11/2023 - 21:02

Sau 5 ngày ra quân tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1, CSGT TP.HCM đã phát hiện, xử lý 1.022 trường hợp vi phạm, trong đó có 291 lái xe vi phạm nồng độ cồn.

Ngày 20/11, Phòng CSGT Công an TP.HCM (PC08) đã thông tin về kết quả 5 ngày đầu ra quân thực hiện kế hoạch tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn TP.HCM.

Theo đó, từ ngày 15/11 - 19/11, lực lượng CSGT TP.HCM đã kiểm soát 12.864 phương tiện, gồm 2.653 xe ô tô khách, 5.117 xe ô tô tải, 1.555 xe ô tô con, 1.192 xe container và 2.341 xe mô tô và 6 loại xe khác.

Qua đó, phát hiện, xử lý 1.022 trường hợp vi phạm (151 xe ô tô khách, 147 xe ô tô tải, 36 xe ô tô con, 45 xe container, 640 xe mô tô, 3 xe khác).

05-ngay-ql1a-5.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra tài xế lưu thông trên đường.

Trong đó, có 291 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn; 11 trường hợp lái xe vi phạm ma túy; 151 trường hợp lái xe vi phạm tốc độ; 509 trường hợp vi phạm các lỗi khác…

Trong thời gian thực hiện kế hoạch TTKS, xử lý vi phạm TTATGT trên tuyến Quốc lộ 1, CSGT tăng cường biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, đặc biệt là hành vi người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn…

Cạnh đó, phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vị, Công an phường xã…tổng rà soát trên tuyến các doanh nghiệp vận tải và lập danh sách, phân loại tìm ra số lái xe có biểu hiện sử dụng ma tuý, sau đó tổ chức kiểm tra tại bãi xe hoặc trên tuyến.

Theo PC08, hiện nay, tình trạng tài xế xe tải, xe khách, người điều khiển xe mô tô tham gia giao thông sử dụng ma túy, chất gây nghiện, chất kích thích… đang là vấn đề rất đáng lo ngại, bởi khó kiểm tra và phát hiện.

Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều lái xe nghiện ma túy từ trước, không có ý thức tuân thủ pháp luật, cố tình vi phạm mặc dù biết hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội.

01.jpg
CSGT TP.HCM xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên Quốc lộ 1 sau 5 ngày ra quân.

Bên cạnh đó, một số đối tượng là thanh thiếu niên do ăn chơi, đua đòi, thích tìm cảm giác mạnh nên đã sử dụng ma túy trước khi điều khiển xe.

Hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải còn hạn chế, một số doanh nghiệp vận tải buông lỏng vấn đề này, không thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát lái xe, chỉ chú trọng vào lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh… Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng thực trạng tài xế nghiện ma túy đã và đang tiềm ẩn nhiều hậu họa khôn lường đối với TTATGT.

Nhằm đảm bảo an toàn cho lực lượng TTKS, người tham gia giao thông và đối tượng dừng kiểm tra, các khu vực kiểm soát được bố trí ở vị trí rộng, đảm bảo ánh sáng, không cua dốc; trang bị đầy đủ biển báo đi chậm 2 phía về phía xa để các phương tiện đi qua biết đi chậm; có biển khu vực kiểm tra cồn, ma túy, chóp nón, dây căng, trang bị camera ghi nhận lại quá trình kiểm tra công khai, minh bạch.

PC08 khuyến cáo, khi có thông tin về tai nạn giao thông, ùn ứ giao thông… hay để phản ánh về tình hình TTATGT, tình hình tội phạm trên các tuyến giao thông trên địa bàn thành phố, người dân có thể liên hệ qua số điện thoại trực ban Phòng CSGT: 069.318.7521 hoặc qua số điện thoại đường dây nóng (hotline): 0326 08.08.08 để PC08 tiếp nhận và xử lý thông tin, vụ việc được nhanh chóng.

Việc xử phạt hành chính đối với lái xe sử dụng ma túy được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:

1. Lỗi vi phạm hành chính liên quan đến ma túy gồm:

- Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.

- Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.

2. Hình thức xử phạt: bao gồm hình thức xử phạt chính: phạt tiền và hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn.

- Người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy có một trong các hành vi vi phạm nêu trên thì bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

- Người vi phạm là người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

- Người vi phạm là người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng thì bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng.

Ngoài hình thức phạt tiền, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 22 tháng đến 24 tháng).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
CSGT TP.HCM xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên Quốc lộ 1