Mới đây, Công ty Nhiệt điện Cẩm Phả - TKV tổ chức đấu thầu cung cấp suất ăn dịch vụ công nghiệp dành cho cán bộ, người lao động nhưng trong hồ sơ mời thầu đã đưa ra một số yêu cầu bị cho là trái với quy định của Luật Đấu thầu cũng như thông tư hướng dẫn của Bộ KH&ĐT.
Ngày 31/7/2023, ông Trần Văn Hoan – Giám đốc Công ty nhiệt điện Cẩm Phả - TKV – Chi nhánh Tổng Công ty Điện lực TKV – CTCP (Cty NĐ Cẩm Phả) ký quyết định (QĐ) phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu “Cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp 36 tháng” cho Công ty Cổ phần du lịch và thương mại – Vinacomin (Cty Vinacomin).
Tiêu chí trong HSMT trái quy định?
Theo khoản 2 Điều 12 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu (HSMT) phải quy định về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm: tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật…Nghị định của Chính phủ nghiêm cấm trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia của Bộ KH&ĐT tiếp tục liệt kê những “quy định” thường bị bên mời thầu “cài cắm” trong hồ sơ mời thầu với mục đích hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, trong đó có trường hợp:“Quy định nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng bảo hiểm xã hội, phải là nhân sự đang ký hợp đồng lao động với nhà thầu; yêu cầu về thiết bị thi công chủ yếu, thiết bị cần thiết cho gói thầu phải thuộc sở hữu của nhà thầu mà không được đi thuê”.
Mặc dù quy định hiện hành nghiêm cấm như vậy nhưng tại HSMT của gói thầu cung cấp suất ăn dịch vụ công nghiệp dành cho cán bộ, người lao động do Cty NĐ Cẩm Phả là bên mời thầu lại đưa ra các điều kiện có dấu hiệu trái quy định nói trên khi yêu cầu nhà thầu muốn tham gia gói thầu phải đáp ứng hàng loạt tiêu chí như: “Nhà thầu phải trả lương cho người lao động của nhà thầu tối thiểu là 7,4 triệu đồng/tháng, chi trả đầy đủ các chế độ về tiền lương, thu nhập và các chế độ, chính sách cho người lao động theo quy định pháp luật hiện hành về tiền lương (bao gồm lương, phép, học, họp, lễ tết, thu nhập khác), ăn ca, khám sức khỏe định kỳ hàng năm, chi phí BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ, trang bị bảo hộ lao động, nước uống…”
Các tiêu chí này bị cho là những điều kiện trong HSMT dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Chi phí dịch vụ cho suất ăn chiếm gần 2/3 suất ăn
Tại HSMT, bên mời thầu là Cty NĐ Cẩm Phả đưa ra chi phí là 26.000 đồng/suất ăn là chi phí lương thực, thực phẩm chưa bao gồm thuế và chi phí dịch vụ cho suất ăn.
Tuy nhien, tại buổi làm việc với PV, ông Dương Hồng Hải – Phó giám đốc Cty NĐ Cẩm Phả, đồng thời cũng là tổ trưởng tổ chuyên gia chấm thầu cho biết, đơn giá để thực hiện 01 suất ăn sau khi tính hết các chi phí thực phẩm, chi phí phục vụ trung bình là 65.000. Trong đó chi phí lương thực, thực phẩm là 26.000 đồng/suất (như trong HSMT-PV). Nhưng chí phí phục vụ (chi phí cấp phát bồi dưỡng độc hại giữa ca, chi phí vận chuyển thức ăn tới vị trí sản xuất, chi phí phục vụ cơm khách hội họp hội nghị…) lại chiếm tới 39.100 đồng/suất. Theo ông Hải, những suất ăn này được sử dụng cho toàn bộ cán bộ, người lao động, hội nghị tại Cty NĐ Cẩm Phả.
Ghi nhận của PV Báo Công lý tại khu vực nấu ăn của Cty NĐ Cẩm Phả cho thấy chất lượng bữa ăn khá đơn sơ. Cụ thể, thực đơn các suất ăn trong tháng 12/2023 của ca ngày và chiều thứ 2 bao gồm: Món thịt rim đậu (60g thịt + 0,2 miếng đậu), 50g tôm rang, 200g rau bắp cải xào, canh rau cần nấu tôm, ca đêm có một suất bún bò bao gồm 250g bún và 65g thịt bò.
PV có đề nghị ông Hải cung cấp thông tin chi tiết về “chi phí phục vụ” để cấu thành một suất ăn có giá trị từ 26.000 đồng lên hơn 65.000 đồng bằng văn bản để so sánh giá trị kinh tế của suất ăn với giá trị dinh dưỡng của suất ăn. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại chủ đầu tư vẫn chưa cung cấp thông tin, tài liệu cụ thể về nội dung này.
Liên quan tới các quy định đưa ra trong hồ sơ mời thầu bị cho là trái với quy định của Luật Đấu thầu cũng như thông tư hướng dẫn của Bộ KH&ĐT, ông Hải lý giải chung chung là việc chủ đầu tư yêu cầu chi tiết trong hồ sơ mời thầu là thực hiện đầy đủ theo quy định của luật đấu thầu nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động (?).
Theo tìm hiểu, Cty Vinacomin sau khi trúng thầu gói thầu này đã ủy quyền cho Chi nhánh Vân Long có trụ sở tại tỉnh Quảng Ninh để thực hiện gói thầu. Trước đó, Cty Vinacomin cũng là đơn vị trúng thầu gói thầu cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp do Cty NĐ Cẩm Phả làm chủ đầu tư.
Ở một diễn biến khác, trong thời điểm PV đang tìm hiểu sự việc, có một người đàn ông tự giới thiệu tên là H, đại diện cho Chi nhánh Vân Long sử dụng số điện thoại 093.xxx.2929 liên hệ với PV Báo Công lý xác nhận việc trước đó đơn vị này cũng đã thực hiện dịch vụ cung cấp suất ăn cho Cty NĐ Cẩm Phả. Đáng chú ý, vị này cho biết thời điểm đầu khi được cung cấp suất ăn, đơn vị này đã phải tiếp nhận lại toàn bộ số lượng lao động dư thừa của Cty NĐ Cẩm Phả do chủ trương xã hội hóa của Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam(?).