Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Nghệ An được đầu tư giai đoạn 1 với số tiền gần 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần 2 năm hoàn thành, đến nay công trình vẫn không thể sử dụng vì chưa thành lập được bộ máy để vận hành và có dấu hiệu xuống cấp.
Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Nghệ An được xây dựng trên diện tích 19.660 m2, tọa lạc ở thị xã Cửa Lò – Nghệ An. Công trình được kỳ vọng sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa phục vụ thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, suốt gần 2 năm, sau khi hoàn thành gian đoạn 1, cả 3 tòa nhà được xây dựng 2 tầng, rộng rãi nhưng lâu ngày không sử dụng đã bị ẩm mốc và bụi bám.
Hiện nay, công trình vẫn chưa được sử dụng đúng mục đích, các hạng mục bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, trần nhà đã bị thấm, sơn có dấu hiệu bong tróc.
Theo quy hoạch được phê duyệt, Trung tâm có một cổng chính và một cổng phụ nhưng cho tới thời điểm hiện nay, Trung tâm vẫn đang là đơn vị ”không đi theo cổng chính để vào” mà phải đi cổng phụ, bởi lẽ cổng chính của Trung tâm vẫn đang vướng vì chưa mở được đường.
Ông Trần Văn Đ (cán bộ thị xã Cửa Lò) cho biết: “Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Nghệ An đã hoàn thiện nhưng chưa sử dụng hết công năng nên các cơ quan trên địa bàn thị xã mượn để làm nơi tổ chức sinh hoạt và học tập”.
Được biết, năm 2018, Tỉnh đoàn Nghệ An đã có đề án gửi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bố trí vốn để xây dựng Trung tâm thanh thiếu niên tỉnh. Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có quyết định cho phép đầu tư dự án và giao Tỉnh đoàn Nghệ An làm chủ đầu tư.
Dự án có mức đầu tư gần 50 tỷ đồng bao gồm các hạng mục: Khối nhà điều hành, hội trường lớn, khối nhà hành chính, các hạng mục phụ trợ và hệ thống trang thiết bị phục vụ hoạt động ý nghĩa cho thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Thụ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên tỉnh Nghệ An thừa nhận: “Trung tâm chưa đi vào hoạt động do chưa thành lập được bộ máy hành chính quản lý vì vướng Nghị định 120. Cụ thể, chưa thành lập mới được bộ máy quản lý của Trung tâm, chưa đủ biên chế theo Nghị định vì Trung tâm mới chỉ có 4 biên chế. Trong thời gian này, các cơ quan trên địa bàn thị xã đã vào mượn địa điểm để học tập và sinh hoạt như: Phòng giáo dục, công an, các trường học, Thị đoàn....”.
Trong thời gian chờ thành lập bộ máy hoạt động của trung tâm, Tỉnh đoàn cũng đang xin chủ trương đầu tư giai đoạn 2 với tổng kinh phí là 9 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Sân bóng đá mi ni, sân bóng rổ, bóng chuyền.... sau khi hoàn thành các thủ tục thì cuối năm 2023 sẽ triển khai thi công.
Đầu tư xây dựng Trung tâm thanh thiếu niên tỉnh đoàn với mục đích sẽ phục vụ nhiều hoạt động ý nghĩa cho thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh, nhưng sau khi hoàn thành dự án thì lại vướng vào nhiều lý do dẫn đến không sử dụng hết công năng, gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Thiết nghĩ, các quan chức năng cần có biện pháp hợp lý để Trung tâm sớm được đưa vào sử dụng đúng chức năng, nhiệm vụ tránh để tình trạng lãng phí kéo dài.