Văn hóa - Du lịch

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Cố đô Huế

Ngọc Minh 31/07/2024 - 11:37

Mang trong mình bao trầm tích văn hóa, lịch sử, Di sản Cố đô Huế đã bước qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và chuyển sang giai đoạn ổn định, phát triển.

Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở tỉnh Thừa Thiên Huế được Đảng bộ, Chính quyền địa phương quan tâm, với sự hỗ trợ của Chính phủ, các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đi kèm với sự nỗ lực của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm BTDT Cố đô Huế) đã gặt hái được nhiều kết quả không tưởng.

z5533124274593_bf43c77af46e0961cc5953b7de0eaaa5.jpg
Điện Kiến Trung được sử dụng đã trở thành sân khấu của nhiều sự kiện quan trọng tại Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024.

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang không ngừng nỗ lực nhằm hướng đến xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo tiêu chí đặc thù, trong đó trọng tâm là các tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản.

42 năm trước, Di sản Cố đô Huế đang đứng trước nguy cơ đứng bên bờ vực bị xoá sổ. Lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ đã kịp thời đề ra giải pháp để cứu vãn Di sản Huế, đầu tiên là quyết định thành lập một đơn vị chuyên môn để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong việc lập kế hoạch phục hưng, cứu vãn Di sản Cố đô Huế và chính từ đó Công ty Quản lý Di tích lịch sử và Văn hóa Huế, tiền thân của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ngày nay được thành lập (10/6/1982), với chức năng và nhiệm vụ chính là tham mưu xây dựng kế hoạch, chiến lược bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị Di sản Cố đô Huế. Đây cũng chính là bước ngoặc to lớn cho công cuộc phục hưng Di sản Huế.

z5519800457365_0ef653f6f0010a526ce5437fe687f6d9.jpg
Lễ hội đường phố tại các kỳ Festival Huế luôn thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Trải qua hơn 700 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Thừa Thiên Huế sở hữu hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng với gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa, hơn 500 lễ hội,… đặc biệt nổi tiếng với 8 di sản thế giới và di sản khu vực được UNESCO vinh danh, trong đó có 6 di sản của riêng Huế, gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Những bản đúc trên cửu đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế (2024).

Suốt những năm qua, Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã gặt hái được nhiều thành tích đáng kể. Hầu hết các di tích đều được bảo quản cấp thiết bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa, nhờ vậy mà trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt, các di tích vẫn được bảo tồn và kéo dài tuổi thọ. Đi đôi với việc bảo quản cấp thiết, nhiều công trình di tích và cơ sở hạ tầng đã được tu bổ từng phần hoặc tu bổ hoàn nguyên.

z5370774943692_8e8d2f6e87868bc2eecbb9618cb1f08e-2-.jpg
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Cố đô Huế

Hàng chục công trình lớn nhỏ thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được Trung tâm BTDT Cố đô Huế nghiên cứu, trùng tu hay phục hồi để đảm bảo tính cấp thiết, cứu nguy một hệ thống di sản đồ sộ của triều Nguyễn bị thời gian, chiến tranh tàn phá nặng nề.

Gần đây nhất là việc Trung tâm BTDT Cố đô Huế mở cửa phục vụ du khách tham quan hai ngôi điện quan trọng bậc nhất Hoàng cung Huế là điện Thái Hòa và điện Kiến Trung sau 5 năm tu sửa.

Dự án phục hồi ngôi điện Kiến Trung được khởi công vào đầu năm 2019 với tổng kinh phí hơn 123 tỉ đồng, do Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư. Đến nay, ngôi điện này cơ bản đã hoàn thành việc phục hồi và đã mở cửa đón khách tham quan từ Tết Nguyên Đán 2024.

z5137313983578_a8dd4ed751b18e87e0aecca591fccfe8.jpg
Quang cảnh điện kiến trung sau khi được trùng tu.

Điện Kiến Trung - được vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1921-1923. Đây là nơi ở chính của nhà vua bên trong Tử Cấm Thành; là công trình vô cùng độc đáo bên trong hoàng cung, mang phong cách kiến trúc Pháp, Ý và cổ truyền của Việt Nam - bị chiến tranh phá hủy hoàn toàn vào năm 1947, nay đã được phục dựng gần như là nguyên vẹn.

Điện Thái Hòa - nơi đặt ngai vàng là trung tâm quyền lực quốc gia dưới triều Nguyễn, được trùng tu khẩn cấp. Điện Thái Hòa được xây dựng vào năm 1805 dưới triều vua Gia Long. Đây là nơi diễn ra lễ đăng quang của các vị vua nhà Nguyễn. Phía trước điện là sân Đại triều nghi, nơi các quan đứng dự lễ Đại triều. Sau 200 năm tồn tại, điện Thái Hòa đã rơi vào cảnh xuống cấp nghiêm trọng.

Năm 2024, Trung tâm BTDT Cố đô Huế tiếp tục tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh triển khai các giải pháp thực hiện, nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ được giao hàng năm, góp một phần công sức vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Thừa Thiên Huế theo hướng đô thị Di sản - thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Cố đô Huế