Sự giao thương thương mại với nhiều đối tác, nhiều nền kinh tế và nhiều môi trường thương mại khác nhau, không chỉ góp phần giúp DN của quốc gia đó phát triển mạnh mẽ, mà còn tạo là điều kiện làm đòn bẩy cho cả nền kinh tế tăng trưởng.
Năm 2015, sẽ là năm mà cộng đồng kinh tế Asean (AEC) chính thức được thành lập. Bên cạnh sự thuận lợi được giao thương qua lại, thì cũng đồng nghĩa với những khó khăn khác với mức độ canh tranh khốc liệt hơn, khi thị trường sẽ có nhiều sản phẩm nhập khẩu của các quốc gia trong khu vực có thuế xuất bằng 0.
“Việc tìm kiếm những thị trường mới tại các quốc gia trong khu vực, đang là nhu cầu cần thiết đối với DN Việt Nam. Trong đó phải kể đến quốc gia Myanmar - một thị trường vừa đươc mở cửa vào năm 2012”. Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Tp.HCM (ITPC) phát biểu.
Vì vậy, buổi tọa đàm về Tiềm năng của thị trường Myanmar được ITPC tổ chức, đã thu hút sự tham gia đông đảo nhiều DN hoạt động các lĩnh vực như du lịch, thương mại, dịch vụ, đầu tư.... “đây sẽ là cơ hội giúp DN Việt Nam tìm hiểu được thông tin, cũng như có được cái nhìn chính xác về thị trường Myanmar, để từ đó DN chuẩn bị những yếu tố cần thiết khi mà các DN muốn đầu tư”, ông Lâm nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ,TGĐ Công ty Lửa Việt “Chính phủ và các tổ chức Hội cần có những hỗ trợ cụ thể, để giúp DN yên tâm khi làm ăn tại các nước sở tại "
Được biết, Myanmar là một quốc gia do quân đội tự trị và chỉ mở cửa vào năm 2012, nhưng do nhiều chính sách của Chính phủ Myanmar đã được đưa ra và triển khai kịp thời, như việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mở cửa cho nền kinh tế tư nhân, cũng như kêu gọi từ các nhà đầu tư nước ngoài vào mục tiêu phát triển các ngành mũi nhọn như: nông nghiệp tăng 3,9%; công nghiệp tăng 10,4% và dịch vụ tăng 12,4% và ba địa phương mà Myanmar ưu tiên gồm: Yangon 9,3%, 12,4% tại Mandalay và 28,2% tại thủ đô Nay Pyi Taw.
Bên cạnh đó, nhờ cải thiện trong các vấn đề về hạ tầng, cũng như việc cải cách hành chính đã giúp Myanmar đạt được những kết quả khá khả quan như kim ngạch thương mại tăng trưởng nhanh khoảng 33,5% (nhưng chủ yếu từ kim ngạch nhập khẩu nên thâm hụt thương mại ngày càng lớn); Vốn đầu tư FDI đã có 859 dự án được cấp phép, với tổng số vốn là 52,8 tỷ USD (tăng hơn 27 tỷ so với năm 2013). Trong đó đã có 598 dự án đã đi vào hoạt động.
Các lĩnh vực thu hút FDI là năng lượng (36,6%), dầu mỏ vá khí đốt (32,2%), Công nghiệp chế tạo (9,8%), vận tải và viễn thông (5,7%), khai khoáng (5,4%), khách sạn và du lịch (4,1%)... trong đó các nhóm dẫn đầu là dầu khí, năng lượng và khai khoáng.
Vừa qua Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng mức dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Myanmar năm 2014- 2015 từ mức 7,7% lên 8,5% và Chính phủ Myanmar đặt kế hoạch mục tiêu GDP là 8%.
Nhưng hầu hết các đại biểu tham dự đều cho rằng vai trò của các tổ chức nhà nước, trong việc làm cầu nối cho DN tìm hiểu và nắm bắt rõ những thông tin của các nước sở tại khi có ý định đầu tư là cực kỳ quan trọng.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Mỹ thì “nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN, thì Chính phủ Việt Nam cần đàm phán với Chính phủ Myanmar để xây dựng khu công nghiệp Việt Nam - Myanmar, để DN Việt Nam có thể sản xuất ra sản phẩm tại chỗ, thay vì phải tốn nhiều phí vận chuyển từ Việt Nam”.
Myanmar sẽ trở thành một điểm thu hút du lịch từ nhiều quốc gia trong thời gian tới
Đồng thời, “Chính phủ cần khuyến khích DN khi muốn đầu tư vào Myanmar bằng các biện pháp như giảm thuế 3 năm đầu, các ưu tiên hỗ trợ vốn của ngân hàng về lãi suất và ngay cả hỗ trợ cho DN về các thủ tục pháp lý”, ông Mỹ kiến nghị
Còn ông Phạm Minh Quang - Đại diện Công ty Vissan cũng kiến nghị “Là một DN hoạt động về lĩnh vực thực phẩm, nên sẽ có nhiều khó khăn hơn khi xuất khẩu. Vì vậy, cần các Hiệp hội, các tổ chức trong nước có những hỗ trợ cụ thể cho DN”.
Bà Huỳnh Thị Dịu Hiền đến từ Công ty dược phẩm 29 cũng trăn trở: “Khi Việt Nam chính thức vào cộng đồng Asean, đó là một thuận lợi cho DN Việt Nam nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với những khó khăn, khi các yếu tố cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt, đặc biệt với các đối thủ trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan. Trong khi hiện nay, nhiều DN Việt Nam "tự bơi" và rất khó khăn về tiếp cận hay tìm hiểu thông tin vế nước sở tại”.
Một thực tế cho thấy, hiện nay từ Việt Nam đi Myanmar có nhiều khó khăn, vì đường đi không thuận lợi, khi phải quá cảnh tại Hà Nội (trong khi đi Myanmar mất thời gian chỉ hơn 1 giờ bay).
“Đề nghị lãnh đạo Tp.HCM, cũng như ITPC nên kiến nghị và làm việc với các hãng hàng không để thuận tiện đi lại. Bên cạnh đó, việc mở Ngân hàng VIB Bank tại Myanmar sẽ thuận tiện hơn cho quá trình thanh toán”, ông Trần Minh Quang, đại diện cho Công ty du lịch Saigon Tourist nêu ý kiến.
Tiếp thu những ý kiến của đại diện các DN, “căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, ITPC sẽ xin ý kiến từ các cơ quan nhà nước để hỗ trợ các vấn đề mà DN quan tâm, nhằm tạo điều kiện cho DN yên tâm khi đầu tư tại Myanmar”, ông Hồ Xuân Lâm, Phó giám đốc của ITPC cũng cam kết.
Được biết, ITPC sẽ tổ chức Chương trình Hội chợ Triển lãm Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Việt Nam - Myanmar 2015 (Ho Chi Minh City Expo 2015) lần 5 và chương trình khảo sát thị trường tại Myanmar lần 6 vào tháng 5/2015 tới.