Trong 6 tháng đầu năm, tổ chức Công đoàn đã tích cực nghiên cứu, đề xuất và tham gia xây dựng, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động, như: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi); tham gia xây dựng phương án cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương; Nghị định quy định về Nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở năm 2023.
Nhiều ý kiến góp ý của Công đoàn đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu. Đặc biệt, Tổng Liên đoàn tập trung xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) báo cáo Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Hội nghị đánh giá quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ, tích cực, chủ động của các bên với nhiều hoạt động thiết thực, tập trung bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao đời sống của người lao động, đóng góp vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Năm 2024, hai cơ quan đã thống nhất 1 nhiệm vụ trung tâm, 3 “quan tâm”, 5 “đẩy mạnh”, 9 nhiệm vụ trọng tâm.
Có 100% công đoàn cơ sở khu vực hành chính sự nghiệp công lập, 71,55% công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước ban hành và triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; 98,39% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; có 59,18% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động; đã có 31.527 cuộc đối thoại định kỳ, 6.241 cuộc đối thoại theo yêu cầu và 2.582 cuộc đối thoại khi có vụ việc được tổ chức. Tỉ lệ đơn vị thuộc đối tượng phải thành lập Ban Thanh tra nhân dân đã thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại đơn vị đạt 100%.
Các cấp công đoàn đã thực hiện 54.368 cuộc tư vấn pháp luật cho 247.564 lượt người lao động (tư vấn trực tiếp 9.543 cuộc cho 19.572 lượt người, gián tiếp là 44.704 cuộc cho 220.168 lượt người, tư vấn lưu động cho 121 cuộc cho 7.824 lượt người, tư vấn bằng văn bản 1.157 vụ cho 2.365 lượt người). Hỗ trợ, đại diện 517 vụ tranh chấp lao động cá nhân, giúp NLĐ nhận được số tiền trên 1 tỷ đồng, thể hiện rõ nét vai trò đại diện cho người lao động của tổ chức Công đoàn, xây dựng quan hệ lao động, hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động tiếp tục được quan tâm, đạt kết quả nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Đã có trên 10,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo Tết do Công đoàn tổ chức, với tổng số tiền hơn 7 nghìn tỷ đồng (tăng 28% về số người, tăng 15% về kinh phí so với năm 2023). Tổng Liên đoàn tổ chức ngày hội việc làm dành cho lao động nữ lần đầu tiên tại tỉnh Bắc Ninh với hơn 5 nghìn chỉ tiêu tuyển dụng, có sự tham dự của hơn 1 nghìn công nhân, lao động và hơn 30 doanh nghiệp.
Công tác tuyên truyền, giáo dục của tổ chức Công đoàn được tiến hành đa dạng với nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn, nội dung tập trung vào các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, tuyên truyền về Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, kỷ niệm 95 năm ngày thành lập tổ chức Công đoàn (28/7/1929 – 28/7/2024). Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu “Nghị quyết Đại hội Công đoàn và hành động của đoàn viên, người lao động”.
Kết thúc giai đoạn 1, Cuộc thi thu hút 2.164.346 lượt thi. Chương trình “Giờ thứ 9+”, do Tổng Liên đoàn phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, tiếp tục được sản xuất và phát sóng mùa thứ 3 năm 2024 với một số nội dung mới, thu hút đông đảo người lao động và khán giả truyền hình quan tâm theo dõi.
Sáu tháng cuối năm 2024, Công đoàn Việt Nam tập trung vào thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là:
1. Tập trung tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), trình xin ý kiến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; đồng thời tích cực tham gia ý kiến xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và tổ chức Công đoàn như Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi)…
2. Hoàn thành việc xây dựng, ban hành hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung), các chiến lược, nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Tổ chức đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW trong các cấp Công đoàn.
3. Đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập tổ chức công đoàn gắn với chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cấp cơ sở. Đặc biệt quan tâm triển khai các hoạt động “Tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cấp cơ sở” (Tháng 7 năm 2024).
4. Mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và tổ chức các hoạt động trong đoàn viên và người lao động nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929- 28/7/2024). Đẩy mạnh các phong trào thi đua, biểu dương, tôn vinh khen thưởng, tạo không khí sôi nổi trong đoàn viên, người lao động chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Tổ chức Lễ trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ IV năm 2024, biểu dương chủ tịch công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu toàn quốc, hội nghị gặp mặt cán bộ nữ lãnh đạo chủ chốt công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và biểu dương cán bộ nữ công công đoàn cơ sở tiêu biểu xuất sắc.
5. Thực hiện tốt vai trò đại diện người lao động trong đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động. Nắm chắc, phối hợp triển khai thực hiện tốt việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2024, đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, người lao động.
Triển khai hiệu quả các giải pháp phòng ngừa và tham gia giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Với chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai Nghị quyết”, Tháng Công nhân năm 2024 tiếp tục lan tỏa trong các cấp công đoàn, khẳng định vai trò tiên phong, sáng tạo của giai cấp công nhân, người lao động Việt Nam. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về An toàn vệ sinh lao động tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân - Tháng Hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024; tổ chức Tọa đàm “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo của hệ thống chính trị các cấp trưởng thành từ công nhân, công đoàn”.
Đặc biệt, Tổng Liên đoàn đã tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ trực tiếp dự và chủ trì Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024" với sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ cùng 450 đoàn viên, người lao động đại diện cho hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn và hơn 18 triệu công nhân, người lao động cả nước, cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng năng suất lao động Việt Nam, nguyên nhân, điểm nghẽn và đề xuất, kiến nghị các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động Việt Nam.
Chương trình tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với công nhân lao động: Theo thống kê chưa đầy đủ, các LĐLĐ tỉnh, thành phố phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội triển khai tổ chức 68 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề với 1.300 ý kiến của hơn 10.000 đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ phản ánh trực tiếp và tổng hợp bằng văn bản gửi đến Quốc hội thông qua các đại biểu Quốc hội. Nội dung tập trung các vấn đề lớn trong các dự án Luật được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy như: Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật BHXH (sửa đổi). Bên cạnh đó, theo báo cáo số liệu của 60/82 đơn vị, trong Tháng Công nhân đã có hơn 6.500 cuộc đối thoại, diễn đàn trao đổi giữa CNVCLĐ và đại diện chính quyền các cấp. Điểm nhấn của các chương trình này là các hoạt động kết nối công nhân với việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.
Trong Tháng Công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thành lập các đoàn đến thăm và tặng quà cho công nhân, lao động ở các địa phương, ngành. Các cấp công đoàn đã trao quà, hỗ trợ 1,777,248 lượt đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ, trị giá gần 27 tỷ đồng; xây mới và sửa chữa 816 căn nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên khó khăn với tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng.
Nhìn chung, Tháng Công nhân 2024 đã đạt kết quả tương đối toàn diện theo các nội dung đề ra với chủ đề phù hợp với thực tiễn triển khai ở cơ sở, có sự vào cuộc, triển khai hiệu quả của hơn 26.295 CĐCS trong doanh nghiệp triển khai thực hiện, vượt chi tiêu của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam giao. Trong đó, có 288 mô hình được thí điểm và đẩy mạnh triển khai thực hiện. Đặc biệt, sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và người sử dụng lao động đã tạo nên đợt cao điểm cùng nhau hành động để thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến giai cấp công nhân. Đó cũng là kết quả chỉ đạo nhiều năm của các cấp công đoàn cả nước chuyển Tháng Công nhân về cơ sở, do cơ sở tổ chức và cho đoàn viên công đoàn, người lao động.