Công dân sinh sống ở nước ngoài tham gia bầu cử thế nào?

LS Trương Quốc Hòe| 10/05/2021 15:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại khoản 4 Điều 29 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, có quy định: Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Hỏi: Hiện nay tôi đang học tập và sinh sống ở nước ngoài, được biết thời gian sắp tới nhà nước sẽ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Vậy với trường hợp của tôi muốn tham gia bầu cử có phải về nước hay không? Và cách thức để tôi có thể tham gia bầu cử là như thế nào?.

bau-cu-hoi-dong-nhan-dan.jpg
Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào ngày 23/5/2021

Trả lời: Tại khoản 1 Điều 29 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, có quy định: Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật này: Cụ thể là người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Hiện nay, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 chỉ quy định quyền bầu cử của công dân được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, tại khoản 4 Điều 29 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, có quy định: Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú) hoặc bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (nêu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú).

Như vậy, nếu các bạn vẫn còn quốc tịch Việt Nam và không thuộc các trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền được bầu cử như công dân trong nước. Để thực hiện quyền này, trong thời gian diễn ra bầu cử trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ, các bạn cần đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký tạm trú khi về nước, xuất trình Hộ chiếu và đề nghị ghi tên vào danh sách cử tri, đồng thời nhận thẻ cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Vậy nên mỗi cử tri cần phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, thực hiện trách nhiệm công dân, tích cực tham gia bỏ phiếu, cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng, xứng đáng là những công dân có trách nhiệm đối với đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công dân sinh sống ở nước ngoài tham gia bầu cử thế nào?