Người bị tạm giam, tạm giữ có quyền bầu cử không?

Như Loan (ghi)| 09/05/2021 08:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những người đang bị tạm giam, tạm giữ sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh khu vực người đó đang bị tạm giữ, tạm giam.

nguoi-bi-tam-giam-co-quyen-bau-cu.jpg
Ảnh minh họa

Hỏi: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ được tổ chức trên phạm vi cả nước vào ngày 23/05/ 2021. Cuộc bầu cử có  ý nghĩa quan trọng, là nơi để cử tri phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới. Xin hỏi, đối với một trường hợp tương đối đặc biệt là người bị tạm giam, tạm giữ họ có quyền bầu cử không? Việc bầu cử của đối tượng này được thực hiện thế nào? Xin cám ơn.

Phùng Văn Trưởng (Nam Định)

Trả lời: Để làm rõ vấn đề trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với luật sư Trương Quốc Hòe – Văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Tại buổi làm việc luật sư Hòe cho biết:

Trước hết để có thể trả lời câu hỏi những người đang bị tạm giam, tạm giữ trong các cơ sở giam giữ có quyền được bầu cử hay không trước hết chúng ta cần phải nhìn lại quá trình ban hành của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

Ngày 25/11/2015 Quốc hội khóa XIII của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiến hành thông qua một số luật quan trọng trong số đó bao gồm có Luật thi hành tạm giữ tạm giam 2015 có hiệu lực từ ngày 01/07/2016. Việc Quốc hội ban hành ra Luật thi hành tạm giữ tạm giam 2015 đã cơ bản giải quyết được những bất cấp, hạn chế còn tồn tại trong công tác quản lý tạm giam, tạm giữ cũng như đảm bảo được các quyền của người bị tạm giam, tạm giữ theo Quy chế về tạm giữ, tạm giam được ban hành kèm theo nghị định số 89/1998/NĐ –CP ngày 07/11/1998 và các văn bản liên quan.

Các quy định của Luật thi hành tạm giữ tạm giam 2015 so với thời điểm trước khi có luật đã mở rộng giới hạn về quyền, cải thiện chế độ cho người bị tạm giữ, tạm giam với nhiều điểm nổi bật và nổi bật nhất trong số đó là quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 9 của Luật này:

Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam

1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền sau đây:

a) Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ;

b) Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân;”

Đây là một điểm mới rất quan trọng khi nhận đình rằng người đang bị tạm giam tạm giữ có quyền thực hiện việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Căn cứ cho việc bổ sung quyền này cho người bị tạm giam, tạm giữ xuất phát từ các luận điểm quan trọng:

- Người bị tạm giam, tạm giữ cần phải được thực hiện quyền bầu cử vì về bản chất pháp lý họ chưa bị coi là người có tội nên không thể tước đi quyền bầu cử của những người này.

- Quyền bầu cử là quyền chính trị cơ bản của công dân

Việc đưa thêm quyền bầu cử vào các qyền của người bị tạm giữ, tạm giam là một quy định mang tính chất bảo hiến và có các căn cứ pháp lý một cách rõ ràng, cụ thể tại điều 16 Hiến pháp 2013 quy định:

“Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.

- Khoản 1, Điều 31 Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

- Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng nêu: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Như vậy, những người đang bị tạm giam, tạm giữ sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh khu vực người đó đang bị tạm giữ, tạm giam. Cùng với đó, trại tạm giam, nhà tạm giữ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền khác không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng mà Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ để họ thực hiện việc bầu cử theo quy định của của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân 2015. Việc này cũng thể hiện đường lối, chính sách pháp luật đúng đắn của nhà nước, vừa khoa học lại vừa thể hiện sự nhân văn nhằm đảm bảo tốt nhất các quyền của công dân, quyền con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người bị tạm giam, tạm giữ có quyền bầu cử không?