Công chức vi phạm đã nghỉ hưu vẫn bị xử lý kỷ luật

Quốc Huy| 17/04/2019 16:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 17/4, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Trước đó, Chương trình xây Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV cũng đã được các đại biểu cho ý kiến.

Công chức vi phạm đã nghỉ hưu vẫn bị kỷ luật

Trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này đưa ra 3 vấn đề xin ý kiến UBTVQH, gồm: Đối tượng là công chức, thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới; và kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.

 Công chức vi phạm đã nghỉ hưu vẫn bị xử lý kỷ luật

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại phiên họp

Về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, qua tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân đều nhất trí với việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc về tính pháp lý vì đối tượng này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật; hệ quả pháp lý của việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm thì những văn bản, quyết định của những người này ký còn hiệu lực hay không?

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu của Luật Cán bộ, công chức về áp dụng quy định của Luật cán bộ, công chức đối với các đối tượng khác.

Quy định như vậy là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật, đúng với tính chất của đối tượng cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu là “đối tượng khác” so với cán bộ, công chức. Nhưng do đây là hình thức xử lý kỷ luật mới, đối tượng áp dụng tương đối rộng nên thực tế có thể phát sinh một số vấn đề pháp lý khác nhau đối với các đối tượng khác nhau. Vì vậy, những nội dung này Chính phủ báo cáo UBTVQH cho phép quy định chi tiết ở Nghị định.

Khi thẩm tra nội dung này, Ủy ban pháp luật cũng tán thành sự cần thiết phải bổ sung trong dự thảo Luật quy định về vấn đề này nhằm thể chế hóa yêu cầu trong Nghị quyết Trung ương, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đặt ra.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị tách nội dung này thành điều riêng quy định theo hướng: Cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật và quy định về một số hình thức xử lý kỷ luật cụ thể trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Tương ứng với từng đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm cần quy định hình thức kỷ luật phù hợp bảo đảm hệ quả pháp lý gắn trực tiếp với quyền lợi cụ thể mà cán bộ, công chức, viên chức đó được hưởng trong thời gian công tác hoặc nghỉ hưu. Đồng thời, cần quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật để bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ trình. Với quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong Luật về cách chức, giáng chức.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, chúng ta chỉ xóa cái tồn tại, đang hiện hữu đối với công chức đã nghỉ hưu (những chế độ này được hưởng nhờ chức danh khi đương chức), chứ không thể xóa cái không còn. Ví dụ một Bộ trưởng nghỉ hưu, chúng ta gọi là nguyên Bộ trưởng và đang được hưởng chế độ về tinh thần, vật chất như vinh danh trong “bảng vàng” của Bộ, được mời tham gia hội nghị, hội thảo, chế độ chăm sóc y tế đối với cán bộ cấp cao... những vấn đề này có thể xóa…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị, nên làm rõ để chỉ xóa chức danh của người đã nghỉ hưu, nghỉ việc khi bị xử lý, nhưng tư cách pháp lý của chức danh đó trong tổ chức phải được giữ, để tránh rối trong tổ chức, nhất là khi người đó đang đương chức đã đại diện tổ chức ký các văn bản, nếu không bị pháp luật bác bỏ thì vẫn có hiệu lực.

Sẽ rút 3 Luật ra khỏi chương trình

Trước đó, UBTVQH đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, QH Khóa XIV.

Theo Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Bảy do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, dự kiến nội dung Kỳ họp sẽ bổ sung 4 dự án luật gồm: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

Công chức vi phạm đã nghỉ hưu vẫn bị xử lý kỷ luật

Dự kiến, cũng sẽ có 3 dự án Luật rút khỏi chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy gồm: dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện. Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2018 cũng sẽ được chuyển sang báo cáo tại Kỳ họp thứ 8.

Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, đến thời điểm hiện nay, các dự án, dự thảo trình Quốc hội đều đã được UBTVQH cho ý kiến, trong đó có dự án luật  đã được trình UBTVQH đến hai lần. Có 2 dự án luật đã được gửi xin ý kiến ĐBQH, Đoàn ĐBQH. Đối với 8 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, đã có 2 dự án trình tại phiên họp tháng 3/2019; còn 6 dự án và các nội dung về giám sát chuyên đề, Chương trình giám sát của Quốc hội được trình tại Phiên họp thứ 33 của UBTVQH.

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Bảy.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại tất cả các dự án luật cần phải sửa đổi, bổ sung khi nước ta thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong đó, cần lưu ý, hiện nay, Quốc hội đang sửa đổi Luật Thi hành án hình sự, cần chú ý tới nội dung Công ước về lao động cưỡng bức, thể hiện rõ thái độ của Quốc hội, của Việt Nam là một thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Đối ngoại tiến hành thẩm tra sơ bộ Công ước 98 về áp dụng nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể chính thức và về việc tham gia Công ước này để kịp thời trình Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công chức vi phạm đã nghỉ hưu vẫn bị xử lý kỷ luật