Văn hóa- Thể thao

Phát hiện hơn 12.000 cổ vật từ thời Lý đến thời Nguyễn tại Hà Giang

PV 14/05/2025 - 14:47

Hơn 12.000 hiện vật từ thời Lý đến thời Nguyễn được phát hiện tại nền chùa cổ Ba Tự (huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang), hé lộ giá trị lớn về lịch sử, văn hóa và Phật giáo.

img_20250514_140832.jpg
Các hiện vật cổ được phát hiện trong quá trình khai quật tại chùa Ba Tự.

Ngày 14/5, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang phối hợp với huyện Bắc Mê tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ khai quật khảo cổ tại khu vực nền chùa cũ (chùa Ba Tự).

Trước đó, cuối năm 2023, ngành chức năng tỉnh Hà Giang tiến hành khảo sát chùa Ba Tự, thuộc thôn Bó Củng, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.

Tọa lạc tại thôn Bó Củng, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê, nền chùa Ba Tự được các nhà nghiên cứu xác định là một di tích tôn giáo có quy mô lớn, khởi dựng từ thời nhà Trần (thế kỷ XIII–XIV), mang kiến trúc đặc trưng của vùng cao phía Bắc. Di tích nằm trên một quả đồi ba mặt giáp sông Gâm, phía nam có núi cao che chắn, tạo thế “tọa sơn hướng thủy” đắc địa trong quan niệm phong thủy phương Đông.

Tổng diện tích kiến trúc chùa được ước tính vào khoảng 2.720m², phân bố trên 5 cấp nền có cao độ khác nhau, cho thấy quy mô và sự đầu tư công phu của một trung tâm Phật giáo xưa.

Trong phạm vi khai quật 80m² do Bảo tàng tỉnh Hà Giang chủ trì thực hiện và được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khảo cổ đã phát hiện tới 12.456 hiện vật. Trong đó, có 2 hiện vật gốm men thời Lý, 161 hiện vật thời Trần gồm các vật liệu kiến trúc như ngói, tượng rồng, lá đề, mảnh tháp và cả đồ dùng sinh hoạt.

Đáng chú ý, thời Lê Sơ để lại dấu ấn đậm nét với 7.172 hiện vật, phần lớn là đồ gốm men và ngói cong. Thời Lê Trung hưng được xác định qua 33 hiện vật gốm men trắng, trong khi thời Nguyễn có 6 hiện vật gốm men trắng vẽ lam. Ngoài ra, có 17 hiện vật kim loại gồm đinh, chuông, tiền cổ và các mảnh sành hình chữ nhật.

Nhiều hiện vật sở hữu hoa văn phong phú như hoa sen, lá đề, rồng… thể hiện sự ảnh hưởng mạnh mẽ của mỹ thuật Phật giáo truyền thống và trình độ chế tác thủ công tinh xảo qua các thời kỳ lịch sử.

Các chuyên gia nhận định rằng, quần thể di tích chùa Ba Tự không chỉ có giá trị cao về khảo cổ học mà còn là cứ liệu quý báu để nghiên cứu sâu hơn về đời sống văn hóa, tôn giáo của cộng đồng cư dân vùng cao Hà Giang. Từ đó, họ đề xuất cần lập hồ sơ công nhận di tích và tiến hành nghiên cứu dài hạn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của khu vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện hơn 12.000 cổ vật từ thời Lý đến thời Nguyễn tại Hà Giang