Mới đây, Bộ Y tế đã công bố kết quả giải trình tự gene của các ca nhiễm Covid-19 nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam. Theo đó, có tới 85,7% mẫu bệnh phẩm mang biến thể Anh và 14,3% mang biến thể Nam Phi.
Trước tình hình dịch Covid-19 ở các nước quanh Việt Nam diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Y tế đã chỉ đạo các viện đầu ngành tiến hành giải trình tự gene của những người nhập cảnh vào Việt Nam gần đây để đánh giá, có các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.
Kết quả Viện Pasteur TPHCM tiến hành giải trình tự gene của các trường hợp nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam cho thấy: 85,7% mẫu những người về từ Campuchia mang biến thể B1.1.7 (biến thể phát hiện ở Anh) và 14,3% mang biến thể B.1.351 (biến thể phát hiện ở Nam phi).
Chủng virus B.1.1.7 lần đầu được phát hiện tại Anh vào tháng 12/2020. Theo các nhà khoa học, biến chủng B117 được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn so với các chủng SARS-CoV-2 trước đây đến 70%. Đây là biến chủng gây nên sự bùng phát mạnh của đại dịch COVID-19 tại Anh và nhiều nước Châu Âu khác.
Theo các nhà khoa học, biến chủng B.1.1.7, được phát hiện gây bệnh đầu tiên ở hạt Kent, đông nam nước Anh, từ tháng 9/2020, có khả năng lây nhiễm lớn, tải lượng virus (trong cơ thể) tăng gấp 4 lần so với chủng trước đây. Thời gian đào thải mầm bệnh ra môi trường rất ngắn và lượng mầm bệnh thải ra rất cao, tỉ lệ lây nhiễm tăng 70% so với chủng cũ.
Đây cũng chính là chủng virus gây ra vụ dịch Covid-19 ở Hải Dương vừa qua.
Trong khi đó, biến thể B.1.351 (hay 501Y.V2) được phát hiện ở khu vực vịnh Nelson Mandela (Ấn Độ Dương) tháng 10.2020 được công bố tháng 12.2020. Đến nay, biến chủng này đã “có mặt” ở 30 quốc gia. Ngày 28/1/2021, Mỹ lần đầu xác nhận biến thể này ở 2 người không đến Nam Phi.
Các nghiên cứu mới nhất cho thấy biến chủng này có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn 20% - 200% so với chủng ban đầu, là chủng có tốc độ lây lan mạnh nhất hiện nay. Biến chủng này có một số đột biến giống với biến chủng B.1.1.7 phát hiện ở Anh, nhưng không có bằng chứng cho thấy gây chết người nhiều hơn.
Trước đó Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lo ngại: “Nguy cơ các biến chủng kép của Ấn Độ hoặc biến chủng của Anh tại Campuchia rồi xâm nhập vào nước ta mà chúng ta không biết được. Do đó việc lây nhiễm cộng đồng có thể xảy ra và nguy cơ rất lớn. Từ ổ dịch nhỏ thành ổ dịch lớn.
Do đó, chúng tôi rất quyết liệt chỉ đạo khu vực này để làm sao khống chế, kiểm soát khi xảy ra tình hình dịch, không để luống cuống, bối rối hay chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Vừa rồi Ban Chỉ đạo Quốc gia đã họp với các tỉnh Tây Nam bộ, các tỉnh có đường biên giới với Campuchia để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trong khu vực”.
Theo Bộ Y tế, tất cả các tỉnh có đường biên giới như khu vực Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang, đây là những khu vực rất "nóng" trong tình hình dịch hiện nay. Vì vậy, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo Kiên Giang thành lập bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên để đón bệnh nhân điều trị tại khu vực này. Cho đến thời điểm hiện nay, nhiều người nhập cảnh về khu vực này đã dương tính và đang điều trị tại đây.