Sáng 12/12, tại TP Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức công bố báo cáo kinh tế thường niên vùng ĐBSCL 2023. Công trình nghiên cứu này là kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao tại Nghị quyết 57/NQ-CP năm 2022.
Báo cáo do VCCI và Trường Chính sách công và quản lý Fullbright thực hiện. Trưởng nhóm nghiên cứu là TS Vũ Thành Tự Anh và 30 chuyên gia trong nhiều lĩnh vực cùng tham gia thực hiện. Các dữ liệu kinh tế được thu thập, tổng hợp bởi VCCI chi nhánh Cần Thơ từ nhiều nguồn khác nhau.
Về tình hình kinh tế xã hội, theo báo cáo cho thấy, vùng ĐBSCL có phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhưng chậm hẳn lại trong năm 2023. Trong những năm trở lại đây, cơ cấu GRDP của vùng ĐBSCL gần như không có sự thay đổi, sự chuyển dịch từ khu vực I sang khu vực II và III chỉ dao động trong khoảng 1-2 điểm phần trăm. Do đó, ĐBSCL phải tiếp tục giữ trọng trách an ninh lương thực nên việc tái phân bổ nguồn lực, đặc biệt là đất lúa, chịu nhiều ràng buộc trong quá trình chuyển đổi.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, ĐBSCL thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang được quan tâm đầu tư lớn về hạ tầng để tạo tiền đề cho phát triển dài hạn.
Đây là vùng đầu tiên cả nước được Chính phủ xây dựng quy hoạch tích hợp chung, cũng là vùng kinh tế đầu tiên được Chính phủ thành lập Hội đồng điều phối vùng để triển khai các chương trình phát triển theo các nghị quyết của Trung ương.
Về thị trường, chuỗi giá trị còn bị chia cắt, các cụm ngành sản xuất lớn chưa hoàn chỉnh, tài chính tín dụng chưa thật sự phát huy. Sự kết nối của quy hoạch từng địa phương chưa tổng thể, cơ chế quản trị tài nguyên phân mảnh, cơ chế điều phối vùng và giữa các tỉnh thành còn rời rạc.
Qua đó, cho thấy có những điểm nghẽn về thể chế, quản trị và liên kết vùng, nếu không có giải pháp kịp thời thì nó không chỉ làm tiêu hao nguồn lực mà có thể còn làm giảm động lực của bộ máy, không khai thác được lợi thế giữa các địa phương, không nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế vùng ĐBSCL nói riêng cũng như cho quốc gia nói chung.
Theo Chủ tịch VCCI, kết quả nghiên cứu báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm nay đã khẳng định một thông điệp quan trọng, đó là thể chế hợp tác vùng rất quan trọng với ĐBSCL. Đồng thời, là tiền đề để chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, doanh nghiệp đầu tư thuận lợi và sử dụng hiệu quả hơn. Song đó, xác định thể chế, quản trị, và liên kết vùng là nội dung then chốt, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ĐBSCL trong hiện tại và dài hạn.
Một thể chế tốt và cơ chế quản trị hiệu quả, sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư nhận diện các cơ hội để phát triển kinh doanh, đầu tư. Liên kết vùng không chỉ là sự hợp tác để tạo lợi thế, khai thác tối đa tiềm lực kinh tế giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với TP.HCM mà đó còn là cơ sở để tiến tới thực hiện nhất quán các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI khu vực ĐBSCL, báo cáo năm nay ra mắt trong bối cảnh các tỉnh ĐBSCL vừa hoàn thành quy hoạch cấp tỉnh, cần một cơ chế thực thi, giải quyết các trở ngại trong quá trình triển khai quy hoạch của từng địa phương.
Đồng thời, vùng cần cơ chế hợp tác giữa các tỉnh để khai thác các nguồn lực một cách hiệu quả, phát triển kinh tế xã hội theo đúng hướng quy hoạch tích hợp đã được Thủ tướng phê duyệt. Có như thế, ĐBSCL mới có thể thành “điểm sáng” trong tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội theo mục tiêu đề ra của Nghị quyết 13-NQ-TW đề ra.