Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, thời gian qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) đã đồng hành giúp người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn làm ăn, vươn lên trong cuộc sống.
Cầm trên tay cuốn sổ vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Kon Rẫy, chị Trịnh Thị Minh (thôn 9, xã Đăk Ruồng) không giấu được niềm xúc động khi nhớ lại quãng thời gian gần 3 năm trước khi gia đình chị rơi vào cảnh khó khăn. Lúc ấy, chồng bị ung thư tiền liệt tuyến phải chạy chữa đau đớn và tốn kém, toàn bộ tài sản tích góp dùng hết để chữa bệnh.
Khi biết được hoàn cảnh của chị Minh, chính quyền địa phương đã kịp thời động viên, hỗ trợ và đưa gia đình chị Minh vào diện hộ nghèo, được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách vào đầu năm 2022.
Có nguồn vốn trong tay, chị Minh có động lực nỗ lực phát triển sản xuất, dùng số tiền vay để duy trì phát triển 1000 cây cà phê và trồng xen mắc ca.
Trao đổi với phóng viên, chị Minh chia sẻ, chị rất biết ơn chính quyền địa phương và Ngân hàng CSXH huyện vì đã hỗ trợ, giúp đỡ chị vay vốn để phục hồi và phát triển kinh tế. Nếu không có nguồn vốn vay này, có lẽ chị đã bán 1000 cây cà phê hiện có, đó cũng là tư liệu sản xuất duy nhất của gia đình.
“Nhờ có vốn vay ưu đãi mà gia đình tôi đã đứng vững trước khó khăn, dần ổn định cuộc sống. Tôi hy vọng nhiều gia đình khó khăn khác sẽ biết và được vay vốn tín dụng chính sách để vượt qua khó khăn như gia đình tôi”, chị Minh nói.,
Ngoài gia đình chị Minh, trên địa bàn huyện Kon Rẫy còn rất nhiều hộ dân khác được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời để có cuộc sống ổn định hơn.
Tiêu biểu có thể kể đến chị Y Liễu (37 tuổi) ở thôn 11, xã Đăk Ruồng đã sử dụng vốn vay tín dụng chính sách hiệu quả. Gia đình chị hiện đã thoát nghèo và tích cực giúp đỡ các hộ khó khăn khác noi theo.
Chị Y Liễu chia sẻ, trước đây gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, sau khi được vay vốn tín dụng chính sách đã đầu tư trồng cao su, mì và phát triển chăn nuôi bò. Sau nhiều năm cố gắng, tích góp, gia đình đã thoát nghèo và tiếp tục chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế.
“Để mở rộng sản xuất kinh doanh, gần đây tôi tiếp tục được NHCSXH huyện tạo điều kiện vay thêm 70 triệu đồng, cộng với tiền tích góp và vay mượn thêm, tôi mua thêm đất rẫy cao su và trồng thêm cây cao su giống, thả nuôi thêm mô hình dê. Hiện tại, sở hữu gia đình tôi đã có khoảng 3ha cao su, 3ha mì cho gia đình tôi thu nhập ổn định. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ TK&VV, tôi luôn giúp đỡ và vận động hội viên vay vốn tín dụng chính sách để làm ăn, cả Tổ hiện có 34 hội viên vay vốn với dư nợ hơn 2 tỷ đồng, chỉ còn 4 hộ nghèo”, chị Liêu vui vẻ nói.
Theo Ngân hàng CSXH huyện Kon Rẫy, trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số cho vay đạt 59,7 tỷ đồng với 1.300 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh 505 hộ; xây dựng, sửa chữa 492 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho 209 lao động; cho 207 hộ vay sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn...
Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt trên 355 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt gần 349 tỷ đồng (tăng 9,5% so với đầu năm) với 5.435 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Chất lượng tín dụng không ngừng nâng cao, hầu hết các xã đều có tỷ lệ tăng trưởng khá từ 9,2% trở lên; nợ quá hạn ở mức thấp 0,096%; 100% xã, thị trấn xếp loại hoạt động tín dụng đạt loại Tốt.
Ông Nguyễn Bá Phương – Giám đốc NHCSXH huyện Kon Rẫy cho biết, tín dụng chính sách trên địa bàn đã phát huy hiệu quả giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, thoát nghèo bền vững.
Để có được sự thành công đó, yếu tố hàng đầu là sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp, đồng hành chặt chẽ của các đơn vị, ban ngành. Người dân nghèo không những thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn vay mà còn thay đổi nhận thức, tư duy, chủ động trong phát triển kinh tế, có ý thức, trách nhiệm với đồng vốn ưu đãi”.
Đến nay, bên cạnh các chương trình cho vay thường xuyên, NHCSXH huyện Kon Rẫy còn tích cực, chủ động triển khai kịp thời các chính sách cho vay mở rộng khác theo các chương trình, dự án của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là việc triển khai cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTSMN.
“Trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện sẽ tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối đưa tín dụng chính sách đến với các đối tượng thụ hưởng hiệu quả, không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng. Đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm tín dụng chính sách. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ và triển khai hiệu quả chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Nghị định 22 của Chính phủ”, ông Phương nói.