Tin địa phương

Công an Tây Ninh phấn đấu thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến

Kim Sáng 14/12/2023 - 10:10

Năm 2024, Công an tỉnh Tây Ninh phấn đấu thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp, hưởng ứng hoạt động chuyển đổi số quốc gia và góp phần xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Nhiệm vụ chính trị quan trọng

Cùng với Công an các địa phương trên cả nước, Công an tỉnh Tây Ninh xác định Đề án 06 là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Với vai trò là cơ quan giúp việc cho UBND tỉnh, Công an Tây Ninh đã tham mưu Tỉnh uỷ ra Chỉ thị số 33 ngày 19/5/2023 để chỉ đạo cả hệ thống cấp uỷ Đảng trên toàn tỉnh kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Đề án 06.

Bên cạnh đó, tham mưu UBND tỉnh 16 văn bản chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành trên địa bàn, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để phục vụ chuyển đổi số, đồng thời đưa nội dung này vào kế hoạch hoạt động thường xuyên hàng tháng.

Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh, tổ công tác tỉnh triển khai đầy đủ 74/74 nhiệm vụ của địa phương trong năm 2023, đến nay đều đã triển khai thực hiện.

Thượng tá Nguyễn Văn Nước - Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Tây Ninh, cho biết: Khó khăn ban đầu trong việc triển khai Đề án 06 là chuyển từ thủ công sang công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng trang bị không kịp, một bộ phận người dân chậm trong việc tiếp cận thông tin… Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, Công an tỉnh Tây Ninh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục những khó khăn trên.

Thực hiện Đề án 06, Công an Tây Ninh đã thực hiện 11 dịch vụ công, đến nay đạt tỷ lệ 100% và đã công bố trên cổng dịch vụ công quốc gia. Đối với dịch vụ công của Công an tỉnh đạt trên 80%, chỉ tiêu trên 100%;

Trong đó, tỷ lệ đăng ký kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã đạt 98,3%, tỷ lệ kích hoạt mới đạt 65%.

img_2903.jpg
Thượng tá Nguyễn Văn Nước - Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Tây Ninh trao đổi với PV Báo Công lý

Theo thống kê, công tác đăng ký quản lý lưu trú, định kỳ hàng tháng đạt tỷ lệ 100%; đăng ký xe trực tuyến đạt trên 90%; cấp mới passport đạt trên 90%; các dịch vụ khác trên 80%. Sang năm 2024, Công an tỉnh phấn đấu thực hiện 100% các dịch vụ công trực tuyến.

“Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp, phòng ngừa hạn chế tiêu cực, giám sát hồ sơ đảm bảo đúng quy trình”, Thượng tá Nước nói.

Theo Đề án 06, tỉnh Tây Ninh đã thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu, cạnh đó triển khai thực hiện 28 dịch vụ công theo Quyết định của Thủ tướng. Đến nay, tổng cộng 53 dịch vụ công đã triển khai thực hiện.

Đối với tổng số hồ sơ nộp trên cổng dịch vụ công trực tuyến đạt 63%, đạt chỉ tiêu Chính phủ giao (60%); trong đó ngành Công an có những tháng đạt 95%, qua đó góp phần phục vụ người dân, cơ quan, doanh nghiệp thực hiện nộp và trả hồ sơ trên dịch vụ công trực tuyến; giám sát cán bộ, công nhân viên chức tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ, không có chuyện gây phiền hà.

11 dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06 do Công an tỉnh Tây Ninh thực hiện, gồm: (1) xác nhận số CMND khi đã được cấp thẻ CCCD; (2) cấp lại, đổi thẻ CCCD; (3) đăng ký thường trú; (4) đăng ký tạm trú; (5) khai báo tạm vắng; (6) thông báo lưu trú; (7) đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; (8) thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội); (9) cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; (10) thủ tục làm con dấu mới và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; (11) thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu), đã ban hành 224/224 nhóm dịch vụ công của ngành Công an, phân cấp đến tận cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong đăng ký thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công đảm bảo theo quy định.

Nhiều giải pháp trọng tâm

Thượng tá Nguyễn Văn Nước cho biết, trong thời gian tới, cùng với hệ thống chính trị các cấp, Công an Tây Ninh sẽ công bố các dịch vụ công trên cổng điện tử và hồ sơ giấy, cam kết thực hiện đúng quy trình;

Bên cạnh đó, phối hợp Sở Tài chính, các cơ quan chuyên môn tham mưu tỉnh trình HĐND tỉnh miễn giảm lệ phí đối với dịch vụ công trực tuyến để thu hút người dân;

2(2).jpg
Công an tỉnh Tây Ninh phấn đấu thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến trong năm 2024

Đồng thời, tăng cường kết quả định danh điện tử, đảm bảo 100%; Làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo đủ, sạch, sống để công dân thực hiện trên dịch vụ công xác thực thông tin công dân một cách chính xác;

Rà soát các trang thiết bị, phương tiện, nếu chưa đảm bảo đề xuất bổ sung, làm sao có đường truyền đủ mạnh để người dân thực hiện nhanh chóng;

Ngoài ra, tổ chức kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn, động viên, khen thưởng cán bộ trực tiếp thực hiện Đề án 06.

Theo thống kê kết quả đến ngày 1/11/2023, tổng số hồ sơ trực tuyến của 11 dịch vụ là 310.708/398.227, đạt tỷ lệ 75%, đạt chỉ tiêu Bộ Công an giao.

Trong đó, lĩnh vực cư trú đạt 75.7%. Từ ngày 1/1/2023 - 10/10/2023, tổng hồ sơ tiếp nhận của công dân là 293.792; trực tiếp là 71.526 hồ sơ (24.3%); trực tuyến 222.266 hồ sơ (đạt 75.7%).

+ Lĩnh vực con dấu, tổng số hồ sơ 637; trực tuyến 637 hồ sơ, đạt 100%.

+ Lĩnh vực giao thông, tổng số hồ sơ 72.777; trực tiếp 25.625 hồ sơ, trực tuyến 47.152 hồ sơ, đạt tỷ lệ 64.79%.

+ Lĩnh vực xuất nhập cảnh, kết quả đối với dịch vụ công đối với lĩnh vực cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông, tổng số 39.808 hồ sơ; trực tiếp 2.792 hồ sơ; trực tuyến 37.016 hồ sơ, đạt 92.98%.

Cạnh đó, với vai trò Thường trực, Công an tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai 12 mô hình không tốn phí, kết quả đã triển khai thực hiện phần mềm quản lý lưu trú (ASM) tại 31 CSLT, 4 bệnh viện và tại Khu công nghiệp Trảng Bàng.

Đối với các sở ngành: 14 dịch vụ công (Điện lực, Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh, Bảo hiểm xã hội, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, Thuế...), đã tổ chức thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến 168.034/481.978 hồ sơ, đạt 34.86%.

Tổng số hồ sơ toàn tỉnh, đạt 54.38%. (Trung ương quy định 60%). Trong đó, các ngành có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cao, đạt yêu cầu gồm: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công an Tây Ninh phấn đấu thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến