Con rối lâu rồi chẳng dự hội làng, nghệ nhân Đào Thục cũng gian nan

Kim Truyền| 01/02/2022 10:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giữa những cánh đồng lộng gió, dưới bờ đê sông Cà Lồ, Trang Đào Xá xưa (làng Đào Thục nay), đã trải qua cả mấy trăm năm để gìn giữ và phát triển nghệ thuật múa rối nước.

Thời gian cứ trôi, nước cứ chảy - đá cứ mòn, con rối cũng buồn vì lâu rồi chẳng được dự hội làng, nghệ nhân cũng gian nan vì khó khăn giữa mùa dịch. Nhưng đó chỉ là những thử thách mà vốn dĩ những nghệ nhân theo nghề múa rối nước phải trải qua: Đó là sự thử thách đam mê…

Dưới bờ đê sông Cà Lồ

Thụy Lâm là một xã thuộc huyện Đông Anh (tp. Hà Nội), vốn là một xã thuần nông làm nông nghiệp và bắt đầu có sự du nhập của một số nghề như: Đồ gỗ mỹ nghệ, đồ gỗ giả cổ, trạm khảm mỹ nghệ... Ở nơi đây, tại một thôn nhỏ, là quê hương của nghề múa rối nước. Mà ở đó, những người nông dân “Chân lấm, tay bùn” đang giữ gìn và phát triển một nghệ thuật truyền thống.

roi1.jpg
roi2.jpg
Bên trong nhà lưu niệm của Phường múa rối nước Đào Thục

Dười bờ đê sông Cà Lồ, làng Đào Thục hiện lên như một bức tranh đồng quê với con sông, giếng nước, sân đình…và hình ảnh những người nông dân trên những cánh đồng lộng gió. Nơi đây, Phường múa rối nước dân gian Đào Thục ra đời từ Thế kỷ 18, vào đời vua Lê Dụ Tông (1706 - 1729). Nghệ thuật múa rối nước Đào Thục đã có hơn 300 năm tồn tại và phát triển, là sự kết tinh từ quá trình sáng tạo, lao động của người nông dân gắn liền với nghề trồng lúa nước ở đồng bằng Bắc Bộ.

Cho đến nay, Phường múa rối nước Đào Thục vẫn còn lưu giữ nhiều tích trò cổ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gửi gắm khát vọng về cuộc sống bình yên, hạnh phúc, ca ngợi sự cần cù, chịu khó của người nông dân, phản ánh bối cảnh lịch sử, đời sống văn hóa đương thời như: “Tễu bắt ác”, “Đánh cáo bắt vịt”, “Lên võng xuống ngựa”, “Trâu đi cày”…Theo thời gian, nghệ thuật múa rối nước Đào Thục dần đã trở thành một thú chơi tao nhã, một loại hình nghệ thuật truyền thống trong dân gian, được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị trong cái nôi văn hóa truyền thống ở vùng quê Đông Anh.

roi3.jpg

Thủy đình của làng, nơi biểu diễn nghệ thuật múa rối nước

Trang Đào Xá xưa, là quê hương của nghề múa rối nước, được cụ tổ Nguyễn Đăng Vinh (còn gọi là Đào Đăng Khiêm) truyền dạy cho dân làng. Đã mấy trăm năm nay, biết bao thế hệ nối tiếp vẫn truyền nghề cho nhau, gìn giữ môn nghệ thuật độc đáo này như một báu vật gia truyền. Làng Đào Thục nay, hàng ngày, phường rối nước vẫn đang biểu diễn phục vụ nhiều tour du lịch là những du khách trong và ngoài nước về làng xem múa rối.

Nghệ thuật múa rối nước Đào Thục, lấy mặt nước làm sân khấu, lấy sự tinh tế, công phu trong điều khiển con rối, sự phối hợp nhịp nhàng giữa người điều khiển rối với diễn viên hát, nhạc công tạo nên sự khác biệt và hấp dẫn. Trước khi có dịch Covid-19, thì lượng khách đến làng Đào Thục khá đều đặn, lịch diễn dày đặc phục vụ bà con và du khách gần xa. Đây chính là một động lực để phường thu hút được nhiều thanh niên trẻ trong làng theo nghề, yêu và gắn bó giữ gìn nghề của cha ông.

roi4.jpg

Nghệ nhân tạo hình con rối Nguyễn Văn Phi

Gần 2 năm nay, sự ồn ào, tấp nập của làng nghề múa rối nước đã bị cơn bão Covid quét qua, để cho: Con rối lâu rồi chẳng dự hội làng, nghệ nhân Đào Thục cũng gian nan. Nhưng không vì vậy mà tình yêu, sự đam mê với nghề của những nghệ nhân nông dân, những người thợ thủ công…thôn Đào Thục đổi thay. Họ luôn mang trong mình nội lực thuần khiết mạnh mẽ với môn nghệ thuật truyền thống của địa phương.

Thử thách sự đam mê và tình yêu với nghề

Thường nhật, nghề múa rối nước đã không phải là nghề chính của những nghệ nhân thôn Đào Thục. Họ trân trọng, gìn giữ nghề tổ là vì sự đam mê, tình yêu với nghệ thuật dân gian. Bao nhiêu đời cứ tiếp diễn truyền nối cho nhau và phát huy nghề tổ thành thú chơi tao nhã. Hàng năm, Trang Đào Xá xưa có 3 ngày lễ hội chính, trên mặt nước Thủy đình của làng, những chú rối thỏa mình phô diễn hòa vui.

Ăn sâu vào tiềm thức những người nông dân nơi này là các ngày: 10 tháng giêng (ngày tết lại của làng); 24/2 (âm lịch - ngày Giỗ cụ tổ nghề Nguyễn Đăng Vinh); 13/11 (âm lịch - lễ hội vào Đám). Đào Thục nay đã 2 xuân qua, những con rối cũng buồn vì lâu rồi chẳng được dự hội làng.

“Con rối chính là khối sống, khối cử động được, còn tượng đơn thuần là khối chết, có khuôn mẫu nhân vật”- Nghệ nhân tạo hình Nguyễn Văn Phi, người con sinh ra và lớn lên tại làng, với niềm đam mê cháy bỏng với nghề tạo hình con rối cho biết.

Tạo hình nhân vật rối nước không chỉ cần sự khéo léo, mà cái chính là sự đam mê cháy bỏng với nghề. “Để tạo hình con rối, bước đầu tiên là phải chọn gỗ. Tại Phường múa rối nước Đào Thục thì toàn bộ con rối đều được tạo hình bằng gỗ sung. Bởi vì, gỗ sung vừa đảm bảo được chất lượng và mang ý nghĩa là sung túc, sung mãnh. Từ đời xưa, các cụ đã truyền lại kinh nghiệm: Gỗ sung nhẹ, thẩm thấu hạn chế vì con rối được biểu diễn ở dưới nước và gỗ sung giảm được nứt, vỡ”.

roi5.jpg
Con rối được phủ bạt cho đỡ bụi, lâu rồi không được dự hội làng

Nếu như việc tạo hình con rối không có một trường lớp nào đào tạo được, bởi cái hồn của nhân vật không phải là khuôn mẫu có sẵn. Ví như để tạo hình người nông dân thì phải đục sao cho có hình hài, cốt cách mà ai nhìn vào cũng nhận ra đó là người nông dân. Người nghệ nhân khi tạo hình con rối không áp đặt khuôn mẫu nào cả: 100 ông quan, 100 anh lính… thì đều có những nét khác nhau. Thì ngược lại, những nghệ nhân biểu diễn lại khác, họ được đào tạo bài bản, từ lúc mới vào nghề đến khi biểu diễn được phải mất cả vài năm.

Những người gìn giữ nghệ thuật dân gian múa rối nước ở làng Đào Thục, gọi họ là nghệ nhân cũng được, gọi họ là những người nông dân cũng đúng. Những động tác khó nhất là: Truyền từ con rối này sang con rối kia, khiến cho người xem không hiểu tại sao lại làm được như vậy…Và sau những tràng pháo tay trầm trồ của khán giả, sau bức rèm kia, những người nghệ nhân đang trầm mình dưới nước ấy là biết bao khổ luyện, cay đắng.

roi6.jpg
Ông Đặng Minh Hưng ( Trưởng Phường múa rối nước Đào Thục)

“Nghề này làm là vì tình yêu và sự đam mê, gần như không phải là vì kiếm tiền. Cả làng có khoảng 50 nghệ nhân, trong đó người nhiều tuổi nhất là cụ Nguyễn Văn Mạnh, đã ngoài 90 tuổi. Bên cạnh đó, hàng năm phường đều mở lớp truyền dạy lại nghề cho lớp trẻ, mỗi lớp đào tạo có khoảng 20 cháu” – ông Đặng Minh Hưng ( Trưởng Phường múa rối nước Đào Thục) – “Mỗi buổi biểu diễn thường có 15 người, trong đó có 7 nhạc công, 8 diễn viên dưới nước. Mùa lạnh, nghệ nhân trước khi trầm dưới nước phải mặc áo ngăn thấm nước, nhiều khi lạnh quá phải uống cả nước mắm để cho ấm người”.

roi7.jpg
Hàng năm phường đều mở lớp truyền dạy lại nghề cho lớp trẻ

Nghệ nhân múa rối nước làng Đào Thục, không chỉ biểu diễn trên Thủy đình cổ kính của làng mình. Họ đi biểu diễn khắp dọc dài đất nước, sang châu âu, châu á… Có những chuyến đi đi, về về ấy, nhiều khi còn hòa vốn. Khó khăn càng thử thách sự đam mê với nghề, dịch Covid-19 làm cho: Con rối lâu rồi chẳng dự hội làng, nghệ nhân Đào Thục cũng gian nan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con rối lâu rồi chẳng dự hội làng, nghệ nhân Đào Thục cũng gian nan