Ra tay hạ sát người chị dâu tội nghiệp, Trần Văn Thông không mảy may ân hận, vẫn ung dung đến nhà nạn nhân xin “thành kính phân ưu” và ung dung mổ lợn để phụ giúp đám tang. Chỉ đến khi ra trước vành móng ngựa, gã em chồng độc ác mới bật khóc xin tạ tội và lý giải động cơ phạm tội do bị “cơ khát vàng” ám ảnh…
Câu chuyện bị cáo Trần Văn Thông khai tại toà cho thấy ranh giới phạm tội của một kẻ “đói ăn vụng, túng làm liều”, bất chấp đạo lý thật mong manh. Khoảng 7 giờ ngày 13-9, Trần Văn Thông đi xe môtô đến tiệm tạp hoá của bà Hai Bé ngụ cùng ấp Trường Khánh, xã Trường Thành mua đường và bột ngọt để gửi đến đám giỗ nhà ông Sáu Hứa ngụ cùng ấp. Đến khoảng 8 giờ, Thông đến nhà anh Đoàn Văn Dơi (ngụ cùng ấp Trường Khánh) nhưng anh Dơi không có nhà nên Thông đi tiếp đến nhà anh Trần Thanh Lập (anh ruột thứ ba của Thông).
Nhìn thấy chị dâu là Dương Thị Liễu đang ngồi ở giường trong nhà, Thông đứng ngoài hỏi: “Anh ba có nhà không?”. Nghe Thông hỏi, chị Liễu trả lời: “Anh Ba đi khỏi rồi, có gì không”?, Thông nói: “Có công chuyện”. Chị Liễu tiếp tục nói: “Mượn tiền hả, hết chú Bảy rồi đến chú sao”? Chỉ vì một câu nói như vậy cũng đủ khiến Thông như phát khùng. Bản tính lưu manh côn đồ trỗi dậy, Thông nhìn quanh xem có “vũ khí” gì để tấn công chị dâu. Y phát hiện có cây búa bổ củi trước nhà chị Liễu, Thông cầm cây búa ném thẳng trúng vào phía sau đầu của chị Liễu (lúc này chị Liễu đang quay lưng về phía Thông, mặt hướng vào phía sau nhà). Chị Liễu ôm đầu chạy vào phòng trong nhà, vừa chạy vừa kêu “làng xóm ơi, chú Sáu giết tôi”. Thấy chị Liễu la lên như vậy, Thông sợ bị phát hiện nên chạy lại cầm cây búa đuổi theo và dùng búa đập, chém vào đầu chị Liễu làm chị ngã gục xuống nền nhà.
Bị cáo Thông kể lại: Dù thấy chị dâu đã bất tỉnh, Thông ra đóng cửa chính rồi quay vào nhà. Đúng lúc này chị Liễu tỉnh dậy trườn về phía nhà bếp để ra ngoài nhưng Thông phát hiện và kéo chị Liễu vào trong nhà. Biết chị Liễu giàu mua nhiều vàng tích trữ, Thông nổi lòng tham, “cơn khát vàng” trào lên khiến y trở nên tàn nhẫn. Thông vừa dùng búa chém vào đầu chị dâu vừa tra khảo vị trí chị Liễu giấu vàng. Lúc này chị Liễu nói để tháo thân: “Vàng chôn ở dưới giầm giường, chú đào lên mà lấy”.
Nghe vậy, Thông đè chị Liễu xuống nền nhà rồi lấy sợi dây điện màu đỏ có sẵn trong nhà quấn hai vòng vào cổ chị xiết chặt, sau đó lạnh lùng buộc chặt vào ngạch cửa tiếp giáp với bên hông nhà bếp phía sau và nhà trước, Thông đi về phía sau bếp (nơi để giá dao) lấy 2 con dao yếm đi vào phía giường trong buồng lật vạt giường phía trong lên và dùng mũi dao đào, khự mấy cục gạch tàu lót nền nhà lên. Sau đó cầm 2 cây dao xới cát và dùng tay bới lên tìm vàng chôn dưới gầm giường nhưng không tìm thấy. Thông bỏ đi ra ngoài để hai con dao yếm lại vị trí cũ và tiếp tục đi ra phía trước giật cánh tủ buýt phê ở gian phòng khách tìm tài sản nhưng không tìm thấy gì, sau đó trở lại hiện trường dùng khăn bông sợi có sẵn trong nhà lau máu dính ở người, ở búa rồi cầm búa chạy về nhà tắm rửa người và rửa sạch cây búa đem cất dưới gầm giường nhà mẹ ruột.
Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, anh Lập về phát hiện chị Liễu nằm chết ngay ngạch cửa nhà lớn phía sau, gạch dưới nền nhà nơi vạt phía trong bị đào xới liền báo Công an. Một điều khó có thể tưởng tượng được là sau khi nghe tin chị dâu chết, Thông liền tới nhà anh trai “thành kính phân ưu” và sốt sắng mổ heo cúng đám ma chị Liễu. Tuy nhiên, y không dám đến gần nơi chị Liễu nằm chết mà chỉ lo tiếp khách người đi đám tang ở phía ngoài. Thông căng tai nghe ngóng xem Công an có phát hiện ra y hay không. Chỉ đến khi nghe tin Cơ quan điều tra triệu tập để làm việc, Thông biết có nguy cơ bại lộ nên bỏ trốn vào huyện Thốt Nốt. 4 ngày sau, Cơ quan điều tra đã tóm gọn y.
Sự ăn năn của Thông không phải là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt để cứu y thoát khỏi sự trừng phạt cao nhất của pháp luật. Gia đình cả phía người bị hại lẫn bị cáo đều đau buồn bởi Thông đã gây ra tội ác quá lớn. Anh trai Thông dù vô cùng đau đớn nhưng không thể tha thứ cho đứa em máu lạnh lạc loài…
An Dương