Không chỉ thay đổi phương pháp trồng, chăm sóc mà ngành Nông nghiệp Lạng Sơn đang từng bước hoàn thiện kỹ thuật, các yêu cầu về chất lượng sản phẩm để sớm có thể đưa Na Chi Lăng xuất khẩu sang những thị trường tiềm năng như Nhật Bản, EU, Trung Quốc….
Áp dụng công nghệ cao vào trồng Na
Trong những năm qua với định hướng sản xuất nông sản sạch, an toàn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, ngành Nông nghiệp Lạng Sơn đã xây dựng được khoảng 3500 ha các loại cây ăn quả và rau trồng bằng công nghệ VietGap, đồng thời 121 vùng trồng cây thạch đen được cấp mã số vùng trồng với diện tích khoảng 600 ha.
Đặc biệt, tháng 12/2020, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, mở ra cơ hội mở rộng vùng sản xuất chuyên canh bởi Lạng Sơn là tỉnh có diện tích trồng thạch đen lớn nhất cả nước.
Để có được thành quả đó, lãnh đạo cũng như ngành Nông nghiệp Lạng Sơn đã từng bước thay đổi lối sản xuất truyền thống sang sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn theo theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Chia sẻ về quá trình thực hiện thay đổi mạnh mẽ đó, ông Lý Việt Hưng – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Để thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, chúng tôi đã đến từng chi bộ thôn vận động, mới đầu vận động các hộ gia đình là Đảng viên làm trước.
Sau khi có hiệu quả, mỗi Đảng viên sẽ hướng dẫn một hộ dân. Người biết nhiều bày cho người biết ít rồi người biết ít bày cho người không biết để tạo sự lan tỏa. Sau đó đã hình thành các đội, nhóm, giờ đã nâng cấp lên hợp tác xã”.
Theo đó, mỗi hợp tác xã sẽ cử ra một người làm giám đốc. Giám đốc hợp tác xã là người có kinh nghiệm trong việc trồng Na, ngoài ra họ cũng là người tuyên truyền tốt, đến các xã viên trong hợp tác xã của mình.
“Đặc biệt, cái quan trọng nhất là nắm chắc quy trình kỹ thuật sản xuất Na an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Trên cơ sở đó, chính giám đốc hợp tác xã là người nòng cốt hướng dẫn người dân sản xuất và xúc tiến thương mại”, ông Hưng nói.
Trước đây, nỗi lo của bà con khi trồng Na là ruồi vàng sẽ đốt quả. Để đánh đuổi ruồi vàng, người dân thường dùng thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng sản xuất Na theo công nghệ VietGAP, GlobalGAP đã giải được bài toán đau đầu về ruồi vàng trong quá trình Na ra quả. “Thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì chúng tôi sử dụng bẫy, bã để đối phó với ruồi vàng”, ông Hưng nói.
Xác định phát triển, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn là hướng đi lâu dài bởi vậy phải thực hiện từng bước một, không được đi tắt hay bỏ qua các công đoạn. Vì thế, khi bắt tay vào sản xuất, lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo ngành Nông nghiệp Lạng Sơn không đặt nặng về số lượng diện tích được áp dụng công nghệ sản xuất mới mà tập trung vào giá trị của sản phẩm đó mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như năng suất kinh tế của người nông dân ra sao. Nhờ đó, đến nay, hầu hết 3200 ha Na ở Lạng Sơn được sản xuất theo hướng nông nghiệp an toàn.
Na lên sàn thương mại điện tử
Thay đổi hướng sản xuất đã nâng cao năng suất cũng như giá trị kinh tế cho Na Chi Lăng, cứ đến mùa Na, hàng chục nghìn xe tải từ khắp các tỉnh thành trong cả nước về đây thu mua. Thế nhưng hai năm 2020 và 2021, đại dịch covid-19 đã tác động không nhỏ đến việc tiêu thụ Na. Đặc biệt, hai năm nay, thương lái Trung Quốc thu mua bằng đường tiểu ngạch dừng hẳn.
Để hạn chế tối đa những tác động từ đại dịch ảnh hướng đến quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của người dân, đầu năm 2021, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành liên quan bám sát với các cây chủ lực của tỉnh để làm sao các sản phẩm được bà con làm ra không ứ đọng, giá phải đảm bảo.
Đồng thời, đối với nông sản Na, tỉnh đã yêu cầu Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến giới thiệu sản phẩm Na đến với tỉnh bạn cũng như các doanh nghiệp quan tâm đến sản phẩm Na của Lạng Sơn.
Bên cạnh đó, ngoài cố gắng duy trì kênh tiêu thụ truyền thống, Lạng Sơn đẩy mạnh kế hoạch đưa Na lên sàn thương mại điện tử. Sau thời gian chuẩn bị cơ sở, hạ tầng cuối tháng 7, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức buổi ra mắt sàn thương mại điện tử đối với nông sản của Lạng Sơn cũng là thời điểm Na bắt đầu được thu hoạch.
Ông Hưng cũng cho biết: “Bước đầu đưa Na lên sàn thương mại điện tử, chúng tôi cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn như: khả năng sử dụng các thiết bị điện tử như Smartphone, máy tính của bà con còn hạn chế. Đường truyền Internet ở một số chỗ vùng sâu vùng xa chưa ổn định. Thế nhưng, đến tháng 8, chúng tôi đã có trên 30 nghìn cửa hàng số.
Kết thúc mùa Na, chúng tôi cũng hỏi ý kiến của người dân về kênh thương mại điện tử. Nhiều người tỏ ra rất phấn khởi. Bởi tình hình dịch bệnh covid-19 căng thẳng, đòi hỏi phương tiện vận chuyển phải thuộc luồng xanh, do vậy khi kết hợp với các sàn giao dịch điện tử khi người dân có đơn hàng, đơn vị vận chuyển sẽ giao đến tay khách hàng. Đó là điều họ phấn khởi”.
“Một ưu điểm nữa khi đưa Na lên sàn thương mại điện tử, giá cả ổn định, không bị tác động bởi một số yếu tố khách quan như thời tiết hay số lượng Na ít nhiều theo ngày. Đó là điều mà bà con kỳ vọng về bán hàng trên sàn thương mại điện tử”, ông Hưng nói.
Với sự nỗ lực, năm 2021, sản lượng Na Chi Lăng với 32 nghìn tấn đã được tiêu thụ hết, giá bán là 25 đến 30 nghìn đồng/kg tương đương với mức giá của năm 2020. “Năm nay khó khăn, nhưng Na vẫn là nguồn thu nhập cứu cánh cho người nông dân”, ông Hưng trải lòng.
Không chỉ hướng tới sản xuất nông sản sạch, an toàn mà tỉnh Lạng Sơn cũng như ngành Nông nghiệp tỉnh đang hướng đặc sản Na Chi Lăng ra thị trường nước ngoài đặc biệt là thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, EU….bởi vậy quá trình trồng cũng sẽ căn cứ vào những tiêu chuẩn mà các nước đó.
“Riêng thị trường Trung Quốc hiện nay, Bộ Nông nghiệp của hai nước Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán, xem xét để đưa Na vào loại quả chính được nhập khẩu vào Trung Quốc”, ông Hưng chia sẻ.
(Còn tiếp)